Lợi nhuận công ty chứng khoán: Bùng nổ và phân hoá sâu sắc
Theo Sở giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE), đến nay đã có 68 công ty chứng khoán công bố báo cáo tài chính quý III và 9 tháng năm 2021. Bên cạnh những công ty lãi hàng nghìn tỷ đồng, vẫn không ít công ty ngậm ngùi thua lỗ.
Tăng trưởng theo cấp số nhân
Kể từ đầu năm, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 30%, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có thị trường chứng khoán phát triển nhất thế giới. Nhờ đó, nhiều công ty chứng khoán trong nước được mùa bội thu.
Danh sách công ty chứng khoán lãi nghìn tỷ trước đây chỉ có CTCP Chứng khoán SSI (SSI) và CTCP Chứng khoán Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (TCBS), đến nay được bổ sung thêm CTCP Chứng khoán VNDIRECT (VND) và CTCP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS), CTCP Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HCM).
Đứng đầu danh sách là TCBS lãi trước thuế 2.847 tỷ đồng, tiếp sau là SSI lãi trước thuế 2.063 tỷ đồng, VND lãi trước thuế 1.822 tỷ đồng và SHH báo lãi 1.028 tỷ đồng.
Một loạt công ty chứng khoán khác dù lãi không quá khủng, nhưng ghi nhận mức tăng trưởng bằng lần, thậm chí tăng gấp chục lần so với kết quả kinh doanh kỳ trước.
Có thể kể đến một số công ty chứng khoán có mức lợi nhuận nổi bật như CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (CTS) báo lãi trước thuế 9 tháng đầu năm là 245 tỷ đồng, tăng 10,2 lần so với cùng kỳ năm 2020. Hoặc như CTCP Chứng khoán Nhật Bản (JSI) tăng lợi nhuận từ 907 triệu lên 13 tỷ đồng.
Điểm chung của hầu hết các công ty chứng khoán lãi lớn là có doanh thu từ nghiệp vụ môi giới tăng chóng mặt.
Số liệu thống kê của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 9, thị trường có khoảng 3,73 triệu tài khoản chứng khoán, trong đó, số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm 98%. Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán, đặc biệt là số lượng tài khoản đầu tư cá nhân tăng cao giúp cho các công ty chứng khoán thu được bộn tiền từ nghiệp vụ môi giới, và lãi cho vay (margin).
Doanh thu từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán của SSI trong 9 tháng qua lên tới 1,7 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 4 lần cùng kỳ năm 2020. Khoản doanh thu này ở VND là gần 1,1 nghìn tỷ đồng, tăng hơn gấp 3 lần so với cùng kỳ. TCBS và SHS cũng thu về từ môi giới chứng khoán số tiền lần lượt là 595 tỷ đồng và 369 tỷ đồng. Nguồn thu từ lãi cho vay cũng mang về cho các công ty chứng khoán hàng trăm tỷ đồng.
Phân cấp rõ ràng
Nhóm ngành chứng khoán tăng phi mã, nhưng không phải tất cả. Vẫn còn những công ty chứng khoán đang cố gắng thoát lỗ, hoặc chỉ có thể đi lùi với kết quả kinh doanh sụt giảm, thậm chí lỗ chồng lỗ.
Tổng hợp trên danh sách 68 công ty chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý III và 9 tháng năm 2021 tại HoSE, có 10 công ty chứng khoán tiếp tục báo lỗ, như CTCP Chứng khoán Euro Capital (-3,3 tỷ đồng), CTCP Chứng khoán Global Captial (-3,6 tỷ đồng), CTCP chứng khoán SJC (-1,8 tỷ đồng), CTCP Chứng khoán Phố Wall (-19 tỷ đồng)...
Tuy nhiên, điểm tích cực ở đây là mức lỗ của hầu hết các công ty chứng khoán trên đều đã giảm đáng kể so với mức thua lỗ cùng kỳ năm ngoái.
Một số ít công ty chứng khoán có mức tăng trưởng âm, kinh doanh giảm sút so với cùng kỳ như CTCP Chứng khoán Alpha (lợi nhuận trước thuế giảm 82,5% so với cùng kỳ), CTCP Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam giảm 68% lợi nhuận, CTCP Chứng khoán Việt Thành (VTS) giảm mạnh 79% lợi nhuận so với kỳ trước.
Thị giá của các cổ phiếu nhóm ngành Chứng khoán cũng được phân hoá rõ ràng, không hẳn cứ chứng khoán là tăng. Tuy nhiên, một số mã, nhất là những mã của công ty vốn hoá lớn đều đã được phản ánh sớm hơn bởi kỳ vọng trước đó. Cho nên, khi công ty công bố kết quả kinh doanh chính thức, giá một số cổ phiếu này đã ở trạng thái bão hoà.
Trong khi đó, nhiều mã cổ phiếu chứng khoán ở nhóm vốn hoá nhỏ và trung bình vẫn còn dư địa tăng, dù tăng nhẹ nhàng.