Long An thu ngân sách đạt 12.100 tỷ đồng bằng 106% dự toán
Năm 2017, tổng thu ngân sách nhà nước tại tỉnh Long An đạt hơn 12.100 tỷ đồng, đạt 106% so với dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 116,6% so cùng kỳ.
Báo cáo tại buổi họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ 2018 vào chiều ngày 4/1, đại diện UBND tỉnh Long An cho biết, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2017 của địa phương này ước đạt 70.319 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 9,53%; trong đó nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng 1,19%; Công nghiệp, xây dựng tăng trên 15,83%, thương mại, dịch vụ tăng 6,96%. GRDP bình quân đầu người đạt 61 triệu đồng/năm.
Chỉ số phát triển công nghiệp (IPP) năm 2017 tăng 16,2% so cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 182.800 tỷ đồng. Đối với đầu tư trong nước, từ đầu năm đến nay, thành lập mới 1.353 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 15.230 tỷ đồng. Đầu tư nước ngoài, năm 2017 đã cấp mới 84 dự án với tổng số vốn đăng ký 151,2 triệu USD. Tổng số dự án FDI đăng ký trên địa bàn tỉnh Long An đến nay là 874 dự án với tổng số vốn 5.500 triệu USD.
UBND tỉnh Long An đã đề ra các chỉ tiêu trong năm 2018: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt khoảng 9,4%. Trong đó, ngành nông-lâm-thủy sản tăng 1,5%; ngành công nghiệp, xây dựng tăng 14,65%; ngành thương mại, dịch vụ tăng 7,1%; sản lượng lương thực khoảng 2,7 triệu tấn, trong đó, lúa chất lượng cao khoảng 1,3 triệu tấn; GRDP bình quân đầu người 68 triệu đồng/năm.
Năm 2018, dự toán thu ngân sách nhà nước 12.855 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt 10.925 tỷ đồng, bằng 115,6% so với dự toán năm 2017; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 1.930 tỷ đồng, bằng 101,3% so với mức dự toán giao năm 2017 (1.905 tỉ đồng).
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Long An đề ra mục tiêu tổng quát là tiếp tục triển khai, tạo sự chuyển biến rõ nét trong thực hiện 2 chương trình đột phá, 3 công trình trọng điểm; cơ cấu lại nền kinh tế; huy động nguồn lực xã hội, tập trung đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội; Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp nhằm bảo đảm, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Bên cạnh đó, tiếp tục quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở các ngành, UBND các cấp; Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, triệt để tiết kiệm; bảo đảm ổn định quốc phòng, an ninh...