Lựa chọn cấu trúc vốn trong các ngân hàng thương mại niêm yết tại Việt Nam

ThS. Huỳnh Thị Thanh Trúc Khoa Kinh tế, Trường Đại học Thủ Dầu Một

Nghiên cứu này đánh giá lựa chọn cấu trúc vốn trong ngân hàng thương mại niêm yết tại Việt Nam trong giai đoạn 2014 - 2020. Kết quả nghiên cứu cho rằng, các ngân hàng có hiệu quả cao thường lựa chọn gia tăng vốn chủ sở hữu, đồng thời, nợ xấu ngân hàng có tác động tích cực tới lựa chọn cấu trúc vốn thiên về vốn chủ sở hữu; ngân hàng có quy mô cao và có tính thanh khoản cao thường lựa chọn vốn thiên về cấu trúc nợ.

Đặt vấn đề

Kể từ khi cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam được thay đổi thành ngân hàng hai cấp, các ngân hàng thương mại có thể hoạt động chuyên nghiệp hơn trên thị trường vốn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn trong nền kinh tế. Các ngân hàng thương mại bằng nghiệp vụ của mình đã thực hiện các hoạt động kinh doanh như huy động vốn, cho vay và hoạt động đầu tư. Môi trường cạnh tranh đòi hỏi các ngân hàng không ngừng nỗ lực đạt hiệu quả tài chính cao, đáp ứng yêu cầu của cổ đông, nhà đầu tư và phát triển ngân hàng.

Hoạt động của ngân hàng thương mại gắn liền với hoạt động kinh doanh tiền tệ, do đó, ngân hàng đứng trước áp lực phải có đủ nguồn vốn cần thiết để có thể đáp ứng nhu cầu cho vay khách hàng tìm kiếm lợi nhuận, đầu tư và đổi mới hạ tầng công nghệ. Nguồn vốn của ngân hàng là sự cân đối giữa nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn vốn vay, bên cạnh nguồn vốn từ huy động hoặc nguồn vốn do thực hiện các nhiệm vụ chính trị, dự án cụ thể mà Nhà nước giao phó.

Trong đó, nguồn vốn chủ sở hữu có vai trò quyết định đối với ngân hàng, là chỉ tiêu phản ánh tiềm lực tài chính thực sự mà ngân hàng đang sở hữu. Đây cũng là nguồn vốn an toàn, được sử dụng nhằm đầu tư vào tài sản cố định và hạ tầng công nghệ, phục vụ cho phát triển trong ngắn hạn và dài hạn. Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm đánh giá các nhân tố ảnh hưởng tới lựa chọn cấu trúc vốn tại ngân hàng thương mại Việt Nam. Sử dụng phân tích định lượng, nghiên cứu xác định liệu nhân tố nào trong các nhân tố có ảnh hưởng tới lựa chọn cấu trúc vốn.

Tổng quan các nghiên cứu

Bảng 1: Thống kê mô tả

Biến

Giá trị trung bình

Độ lệch chuẩn

Giá trị nhỏ nhất

Giá trị lớn nhất

EQU

.0827027

.0324681

.0262139

.2202968

ROE

.0983462

.0779236

0

.296

LIQ

.2450357

.1145867

.0592841

.6824547

SIZE

14.17069

.475977

13.1993

15.1809

NPL

.0180275

.0105529

0

.069

Nguồn: Tính toán của tác giả từ phần mềm Stata

 

Ngân hàng có vai trò quan trọng trong quá trình luân chuyển vốn từ nơi thừa tới nơi cần vốn trong nền kinh tế. Do đó, ngân hàng có thể giúp cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi và chủ động trong kinh doanh. Các lý thuyết về cấu trúc vốn đều cho rằng, cấu trúc tài chính ở doanh nghiệp độc lập với đặc điểm của ngành. Nghiên cứu Sikveland và cộng sự (2022) cho rằng, có sự khác biệt đáng kể giữa các ngành về hoạt động, nên cơ cấu vốn có thể phụ thuộc vào đặc điểm của ngành, đồng thời nhu cầu biến động mùa vụ và phân cụm địa lý có ảnh hưởng tới lựa chọn cấu trúc vốn. Nghiên cứu trường hợp tại Na Uy cho thấy, tính thời vụ đã làm tăng tỷ trọng nợ dài hạn trong cấu trúc vốn và tập trung vào hoạt động trong khu vực làm tăng cường sự phụ thuộc của công ty vào nợ ngắn hạn, đồng thời, tính thanh khoản có mối quan hệ tiêu cực với mức độ tập trung và làm cạn kiệt tiền mặt.

Cơ cấu vốn của ngân hàng có ý nghĩa quan trọng đối với hiệu quả hoạt động, phục hồi và giám sát an toàn của ngân hàng, vì vốn ngân hàng có khả năng chống lại những cú sốc bất ngờ và sự sụp đổ hệ thống, sự giám sát chặt chẽ thúc đẩy hệ thống ngân hàng an toàn và lành mạnh, cũng như giảm thiểu khả năng xảy ra khủng hoảng trong tương lai. Nghiên cứu của Berger và cộng sự (2023) cho rằng, ngân hàng cần kiểm soát các tổn thất trong tương lai, giảm thiểu động cơ rủi ro đạo đức và khả năng phá sản, gắn liền với việc các cơ quan quản lý đặt ra các tiêu chuẩn vốn ngân hàng có sự giám sát chặt chẽ hơn dựa trên các điều kiện hiện tại và chống chọi với tình huống bất lợi. Cơ chế phòng vệ cạnh tranh và bãi bỏ quy định trong việc tăng áp lực cạnh tranh bên ngoài đối với các ngân hàng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh bên ngoài của ngân hàng. Berger và cộng sự (2023) cho rằng, bãi bỏ quy định theo địa lý đối với hai công cụ quản lý vốn ngân hàng – tỷ lệ vốn mục tiêu và tốc độ điều chỉnh các mục tiêu này – mang lại mục tiêu cao hơn và điều chỉnh nhanh hơn trước các cú sốc trong nền kinh tế.

Nghiên cứu của Da Rosa München (2022) đánh giá tác động của kiệt quệ tài chính lên cơ cấu vốn dựa trên dữ liệu bảng cân bằng của các ngân hàng niêm yết ở Brazil, sử dụng thông tin kế toán và phi kế toán hàng quý từ tháng 9/2009 đến tháng 12/2016 đã phát hiện ra bằng chứng cho thấy ảnh hưởng của kiệt quệ tài chính đến cơ cấu vốn phụ thuộc vào bối cảnh. Trong thời gian bình thường, những phát hiện này ủng hộ lập luận về vốn ngân hàng cao hơn trong thời kỳ khó khăn tài chính. Tuy nhiên, trong thời kỳ suy thoái kinh tế cho thấy tác động của rủi ro ngân hàng đối với vốn là đặc biệt quan trọng trong những giai đoạn thị trường có biến động. Nghiên cứu này cung cấp những hiểu biết về việc thiết kế các quy định thận trọng và giám sát ngân hàng, đặc biệt là đối với các nền kinh tế thị trường mới nổi, trong bối cảnh môi trường rất không chắc chắn với tốc độ tăng trưởng và lạm phát rất khác nhau.

Nghiên cứu của Hoque và Liu (2022) cho rằng, các ngân hàng đã tăng trưởng đáng kể trong những năm qua và hỗ trợ mạnh mẽ cho việc tạo ra của cải và phát triển kinh tế. Cấu trúc vốn là một lĩnh vực được nghiên cứu kỹ lưỡng đối với các ngân hàng truyền thống. Cụ thể, Hoque và Liu sử dụng dữ liệu về 112 ngân hàng Hồi giáo và 709 ngân hàng thông thường từ 23 quốc gia trong giai đoạn 1995–2015 để so sánh cơ cấu vốn của các ngân hàng Hồi giáo (IB) và ngân hàng thông thường (CB) từ nhiều góc độ. Kết quả cho rằng IB và CB phải đối mặt với áp lực chi phí khác nhau trong quá trình điều chỉnh theo cơ cấu vốn mục tiêu. Hơn nữa, tăng trưởng tài sản là động lực chính dẫn đến thay đổi cơ cấu vốn và CB điều chỉnh đòn bẩy mạnh mẽ hơn để đáp ứng với những thay đổi trong tổng tài sản so với IB, vì những lợi thế trong việc huy động vốn bên ngoài và có thể đạt được điều chỉnh đòn bẩy nhanh hơn và với chi phí thấp. IB có nhiều vốn pháp định hơn nhưng khả năng ứng phó với rủi ro yếu hơn ngân hàng truyền thống.

Nguồn số liệu và phương pháp nghiên cứu

Nguồn số liệu

Bảng 2: Ma trận tương quan

Biến

EQU

ROE

SIZE

LIQ

NPL

EQU

1.0000

       

ROE

-0.0857

1.0000

     

LIQ

-0.5122

0.5217

1.0000

   

SIZE

0.0062

-0.0999

-0.2614

1.0000

 

NPL

0.1807

-0.1285

-0.1004

-0.1720

1.0000

Nguồn: Tính toán của tác giả từ phần mềm Stata

 

Nghiên cứu thu thập dữ liệu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2020. Trước khi sử dụng dữ liệu cho phân tích, tác giả tiến hành xử lý các sai số của dữ liệu để đảm bảo sự đồng đều chất lượng dữ liệu.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này thực hiện đánh giá nhân tố ảnh hưởng lựa chọn cấu trúc vốn và phương trình có dạng sau:

EQUit= β01ROEit2SIZEit3LIQit4 NPLitit

Trong đó, EQU là biến phụ thuộc, là tỉ số vốn chủ sở hữu so với tổng tài sản. Các biến độc lập là LIQ, SIZE, ROE, NPL, lần lượt là khả năng thanh khoản, quy mô, tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu, nợ xấu.

Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng phân tích hồi quy theo phương pháp bình phương tối thiểu gộp (OLS), phương pháp tác động cố định (FEM), phương pháp tác động ngẫu nhiên (REM), đồng thời thực hiện một số kiểm định như tự tương quan và phương sai thay đổi, nghiên cứu đồng thời phân tích theo kĩ thuật FGLS.

Kết quả nghiên cứu

Thống kê mô tả

Kết quả thống kê mô tả cho thấy: Hệ số vốn chủ sở hữu tại ngân hàng 8,27%, có ngân hàng đạt tới 22,02% - mức tương đối an toàn, nhưng cũng có một số ngân hàng có hệ số vốn chủ sở hữu thấp. Về hiệu quả tài chính, chỉ số ROE đạt bình quân 9,83%, tuy nhiên có biến động lớn khi có ngân hàng đạt 29,6%, trong khi đó, một số ngân hàng không có lợi nhuận đáng kể. Về khả năng thanh khoản, chỉ số này đạt bình quân 0,245 - là mức tương đối tốt trong hệ thống. Tỷ lệ nợ xấu đạt 1,80% và nhỏ hơn 3% nên nhìn chung nợ xấu của hệ thống được đảm bảo.

Phân tích tương quan

Kết quả phân tích tương quan cho rằng hệ số tương quan của các biến độc lập đều nhỏ hơn 0,8, nên khó có thể xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến.

Kết quả hồi quy

Kết quả hồi quy Bảng 3 cho thấy: Kiểm định F khẳng định FEM tốt hơn OLS, kiểm định Hausman khẳng định REM tốt hơn FEM, nên REM cho kết quả tốt nhất. Tuy vậy, còn hiện tượng tự tương quan và phương sai thay đổi, nên nghiên cứu thực hiện hồi quy qua FGLS.

Bảng 3: Kết quả hồi quy – biến phụ thuộc EQU

Biến

OLS

FEM

REM

FGLS

ROE

0.1119***

(0.000)

0.0896***

(0.010)

0.0916***

(0.002)

0.1119***

(0.000)

SIZE

-0.0457***

(0.000)

-0.0499***

(0.000)

-0.0481***

(0.000)

-0.0457***

(0.000)

LIQ

-0.0341*

(0.063)

-0.0437***

(0.005)

-0.0437***

(0.003)

-0.0341*

(0.058)

NPL

0.3913**

(0.044)

-0.1272

(0.409)

-0.0717

(0.630)

0.3913**

(0.044)

Hệ số chặn

0.7217***

(0.000)

0.7945***

(0.000)

0.7678***

(0.000)

0.7217***

(0.000)

R bình phương

0.3281

0.3147

0.3203

 

Kiểm định F

F(25, 152) = 14.25 Prob > F = 0.0000

   

Kiểm định Hausman

 

chi2(4) = 2.98

 

Prob > chi2 = 0.5605

Kiểm định Breusch và Pagan Lagrangian cho phương sai thay đổi

   

chibar2(01) = 211.67 Prob > chibar2 = 0.0000

Kiểm định Wooldridge cho tự tương quan

   

F(1, 25) = 303.477

Prob > F = 0.0000

Ghi chú: *,**, *** tương ứng với mức ý nghĩa 10%, 5%, và 1%

Nguồn: Tính toán của tác giả từ phần mềm Stata

 

Hệ số hồi quy của ROE mang dấu dương và có ý nghĩa thống kê, nghĩa là, khi có hiệu quả cao, ngân hàng thường lựa chọn gia tăng vốn chủ sở hữu.

Kết luận

Ngân hàng thương mại có vai trò quan trọng trong đáp ứng nhu cầu vốn trong nền kinh tế và nền kinh tế phát triển phải xây dựng được hệ thống ngân hàng mạnh, có chất lượng, có khả năng phân bổ vốn với chi phí tối thiểu. Kết quả nghiên cứu các yếu tố tác động đến lựa chọn cấu trúc vốn tại ngân hàng thương mại trong giai đoạn 2014 - 2020 cho thấy, ngân hàng có hiệu quả cao thường lựa chọn gia tăng vốn chủ sở hữu; đồng thời, nợ xấu ngân hàng có tác động tới lựa chọn cấu trúc vốn do ngân hàng phải có nguồn vốn vững mạnh hơn để có khả năng chống đỡ trước các vấn đề nội tại trong ngân hàng như nợ xấu, rủi ro tín dụng và các rủi ro khác. 

Tài liệu tham khảo:

  1. Berger, A. N., Öztekin, Ö., & Roman, R. A. (2023). Geographic deregulation and bank capital structure. Journal of Banking & Finance, 149, 106761. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.jbankfin.2023.106761;
  2. Da Rosa München, D. (2022). The effect of financial distress on capital structure: The case of Brazilian banks. The Quarterly Review of Economics and Finance, 86, 296–304. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.qref.2022.07.010;
  3. Hoque, H., & Liu, H. (2022). Capital structure of Islamic banks: How different are they from conventional banks? Global Finance Journal, 54, 100634. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.gfj.2021.100634.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 3/2024