Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Cần luật hóa công tác hậu kiểm
(Tài chính) Trong buổi thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng cần luật hóa công tác hậu kiểm để bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp không bị lợi dụng.
Cho ý kiến về thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, đa số đại biểu nhất trí với quy định của dự án Luật, tuy nhiên nhiều đại biểu đề nghị cần tăng cường hậu kiểm, kiểm soát chặt chẽ.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho biết, trong số 621.000 DN hiện nay chỉ có 356.000 DN đang hoạt động, còn lại trên 264.800 DN đang ở tình trạng như thế nào, Nhà nước có quản lý được không?
Vì vậy, bên cạnh việc tạo thuận lợi cho doanh nhân thành lập DN, cần tăng cường khâu kiểm tra tính xác thực của hồ sơ đăng ký, địa chỉ đăng ký kinh doanh, tính chất thể nhân của người đăng ký thành lập DN.
Theo ông Ngân, hậu kiểm không chỉ có mục tiêu là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xử lý vi phạm, kiểm soát tuân thủ pháp luật của các DN mà còn phân tích, đánh giá để điều chỉnh chính sách, điều chỉnh luật pháp và có chính sách hỗ trợ DN kịp thời, duy trì sản xuất, kinh doanh và phát triển vững mạnh.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI (Thái Bình) thì cho rằng cần luật hóa các quy định về chế độ hậu kiểm, quy định rõ về trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong Luật. Ông Lộc kiến nghị phải chế định khoa học công tác hậu kiểm để bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp không bị lợi dụng, bảo đảm các doanh nghiệp đăng ký là để kinh doanh chứ không phải doanh nghiệp ma, lập ra để mua bán hóa đơn, để lừa đảo.
Ông Lộc cũng cho rằng, phát hiện doanh nghiệp ma khi họ có ý định trong đầu là không thể, nhưng sau một thời gian lập ra là có thể nếu các cơ quan liên quan làm tốt công tác hậu kiểm. Báo cáo tài chính của doanh nghiệp là cần thiết để kiểm tra hậu kiểm, nhất định không để tình trạng cơ quan Nhà nước và xã hội không biết doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoạt động như thế nào, còn hay mất...
Một số ý kiến đề nghị giữ quy định về ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để phục vụ cho công tác hậu kiểm, để doanh nghiệp có cơ sở chứng minh hoạt động của mình, ngăn ngừa phát triển lợi ích nhóm, phục vụ cho công tác thống kê, phân loại các ngành, nghề. Đồng thời, đề nghị xác định rõ phạm vi, tránh chồng chéo giữa Luật Doanh nghiệp với Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Luật Đầu tư, Luật Phá sản, Luật Đầu tư công.
Quy định rõ ngành nghề cấm kinh doanh
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được xây dựng trên nguyên tắc đổi mới phương thức quản lý Nhà nước, doanh nghiệp được quyền chủ động kinh doanh tất cả những ngành, nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế.
Do vậy, khi thảo luận về nội dung này, các đại biểu đề nghị quy định cụ thể trong Luật những ngành, nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện. Đồng thời, lập danh mục mang tính chất kỹ thuật, thực hiện định kỳ công bố công khai những ngành nghề trên.
Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) bày tỏ quan điểm: Việc quy định cụ thể và thống nhất trong dự thảo Luật về những ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh sẽ tránh được sự tùy tiện trong các văn bản hướng dẫn khác.
Cũng liên quan đến nội dung này, Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị loại bỏ khỏi danh mục cấm kinh doanh một số ngành nghề, hàng hóa, dịch vụ như: kinh doanh dịch vụ môi giới kết hôn có yếu tố nước ngoài; kinh doanh dịch vụ môi giới nhận cha mẹ con nuôi, con nuôi có yếu tố người nước ngoài; đầu tư trong lĩnh vực thám tử, điều tra.
Theo ông Đồng, đây là các ngành nghề đang có nhu cầu thật sự trong xã hội, cơ bản không ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, an toàn tính mạng, sức khỏe của con người cũng như an ninh quốc gia, không gây phương hại đến lợi ích cá nhân, cộng đồng.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) khẳng định về sự cần thiết phải ban hành danh mục bị cấm, kinh doanh có điều kiện kèm theo Luật, theo đúng tinh thần của Hiến pháp là quyền kinh doanh chỉ bị hạn chế theo Luật. Định kỳ Chính phủ sửa đổi, bổ sung trình danh mục ra Quốc hội và Quốc hội thực hiện việc điều chỉnh để bảo đảm phù hợp Hiến pháp và tránh thường xuyên điều chỉnh ngành, nghề cấm, kinh doanh, tránh xáo trộn, hạn chế thu hút đầu tư.
Không nên khu biệt quản lý doanh nghiệp Nhà nước
Nhiều đại biểu cho rằng, đối với Luật Doanh nghiệp nên xây dựng trở thành một luật chung, mọi DN thuộc mọi thành phần kinh tế khi thành lập và hoạt động đều phải tuân thủ các quy định chung của luật này. Việc bổ sung một chương, mục riêng quy định về doanh nghiệp Nhà nước có thể dẫn đến sai lệch kết cấu, bản chất và chức năng vốn có của Luật Doanh nghiệp là luật chung về thành lập, tổ chức và hoạt động doanh nghiệp, không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế. Do vậy, đối với những nội dung có tính đặc thù liên quan đến thành lập và tổ chức quản lý doanh nghiệp Nhà nước cần được chuyển hóa vào các phần tương ứng trong dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Do vậy, đại biểu Phạm Huy Hùng (TP Hà Nội) cho rằng nên bỏ toàn bộ chương quy định về DN nhà nước trong dự thảo luật này. Quy định về DN nhà nước nên được thiết kế và đề cập đầy đủ, chặt chẽ trong Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên cũng có một số đại biểu tán thành với dự án Luật về việc có chương riêng điều chỉnh hoạt động đối với doanh nghiệp Nhà nước và cho rằng, thực tế có một số không nhỏ doanh nghiệp hoạt động yếu kém thời gian qua đặt ra yêu cầu cấp thiết cần quy định rõ và chặt chẽ hơn về quản trị doanh nghiệp đối với doanh nghiệp Nhà nước.