Luật Doanh nghiệp sửa đổi: Không phải đăng ký ngành nghề kinh doanh

Theo laodong.com.vn

(Tài chính) Trong quá trình cải cách kinh tế ở Việt Nam, Luật Doanh nghiệp (DN) đóng vai trò quan trọng trong cải thiện môi trường kinh doanh. Mỗi lần Luật DN sửa đổi, cộng đồng DN luôn thể hiện sự quan tâm đặc biệt với kỳ vọng những sửa đổi sẽ tạo ra động lực kinh doanh mới, thúc đẩy DN phát triển. Theo TS. Nguyễn Đình Cung - quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - nhu cầu cải cách Luật DN là rất lớn.

Luật DN sửa đổi nếu được thông qua sẽ hướng tới những DN đang hoạt động kinh doanh. Nguồn: internet
Luật DN sửa đổi nếu được thông qua sẽ hướng tới những DN đang hoạt động kinh doanh. Nguồn: internet

Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục

Mặc dù, Luật DN đã được chỉnh sửa nhiều lần tuy nhiên đến hiện nay môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn được xếp ở nửa phía dưới của bảng xếp hạng như tiêu chí gia nhập thị trường đứng thứ 106/180 quốc gia còn đánh giá môi trường kinh doanh tổng thể xấp xỉ 100.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, tại dự thảo Luật DN sắp được trình Quốc hội thông qua, cải cách hướng tới giảm điều kiện, thủ tục đối với DN khi gia nhập thị trường. Theo đó, hồ sơ và nội dung được giảm và đơn giản hóa hơn trước đây.

Dự thảo luật cũng tách bạch hoạt động thành lập DN để kinh doanh với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo quy định hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu phải có một số giấy phép, chứng chỉ hành nghề với hoạt động kinh doanh có điều kiện ngay từ khi thành lập DN.

Như vậy giúp DN giảm thủ tục không cần thiết, chi phí cho DN. Một bước tiến nữa trong cải cách gia nhập thị trường là áp dụng thủ tục thành lập DN có vốn đầu tư nước ngoài tương tự như đối với DN vốn trong nước, tách biệt việc thành lập DN với thủ tục đầu tư.

Trước đây, Luật DN yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư thì cơ quan quản lý mới cấp giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy phép đăng ký kinh doanh (ĐKKD). Với cách làm này đã gây không ít phiền toái cho DN cũng như cơ quan quản lý khi giấy chứng nhận đầu tư chỉ cho 1 dự án trong khi DN lại có nhiều hoạt động, nhiều dự án ở địa phương khác nhau.

“Trước là sinh con rồi mới sinh cha thì nay Luật DN sửa đổi thuận theo đúng lẽ tự nhiên là sinh cha rồi mới đến các con” – ông Cung bình luận.

Hết thời đăng ký ngành nghề kinh doanh

Không chỉ đơn giản hóa các thủ tục đối với điều kiện gia nhập thị trường của DN mới mà những sửa đổi tại dự thảo Luật DN tới đây còn hướng tới những DN đang hoạt động kinh doanh. Theo đó, nếu được Quốc hội thông qua thủ tục đăng ký ngành nghề kinh doanh sẽ được loại bỏ.

TS. Nguyễn Đình Cung đánh giá đây là bước tiến lớn trong sửa đổi Luật DN bởi lẽ việc đăng ký ngành nghề kinh doanh đem lại nhiều rủi ro cho DN. Rủi ro thứ nhất là DN kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không có trong giấy ĐKKD sẽ là vi phạm và xử lý hành chính hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự, mặc dù DN được phép kinh doanh những gì pháp luật không cấm.

Rủi ro tiếp thuộc về phía đối tác, nếu hợp đồng hợp tác được ký mà DN không đăng ký kinh doanh thì rất dễ bị tuyên vô hiệu khi xảy ra tranh chấp.

Ngoài ra, trong thực tế triển khai nhiều ngành nghề kinh doanh không có trong danh mục của cơ quan quản lý nhà nước dẫn tới việc DN phải xin ý kiến bộ ngành liên quan mất rất nhiều thời gian, tiền bạc để có thể đăng ký. Thậm chí có DN phải đăng ký ngành nghề kinh doanh không đúng với thực tế hoạt động.

Việc sửa đổi Luật DN theo hướng đơn giản hóa, thông thoáng hơn cũng nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Một số đánh giá lo ngại sự thông thoáng trong ĐKKD tạo thuận lợi cho một số đối tượng lợi dụng, thành lập DN nhằm mục đích lừa đảo, trốn thuế, mua bán khống hóa đơn.

Còn từ phía cơ quan đăng ký kinh doanh ngần ngại nhà nước sẽ mất định hướng quản lý vì không biết có bao nhiêu DN kinh doanh gì và vốn bao nhiêu. Giải đáp những lo ngại này, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng vi phạm pháp luật là 1 vế trong thực thi luật pháp nói chung chứ không chỉ có Luật DN. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý là tìm cách hạn chế các vi phạm này chứ không phải ngăn cản người dân tham gia kinh doanh.

“Chúng ta cần coi quyền tự do kinh doanh là quyền cơ bản của người dân, chứ không phải dành cho một bộ phận nào đó của xã hội”- ông Cung chia sẻ.

Còn thông tin từ ĐKKD hiện nay, ông Cung cho rằng cũng không chính xác vì nhiều DN đăng ký cả ngành nghề không kinh doanh để dự phòng. Còn để thu thập thông tin hiện nay có rất nhiều cách như thống kê DN hằng năm của Tổng cục Thống kê.