Luật sư Vietinbank không đồng ý bồi thường thay Huyền Như

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Ngày 25/12, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ Huyền Như tiếp tục phần tranh luận của các luật sư với nhiều nội dung gay cấn.

Với các chứng cứ được đưa ra và lời khai tại Tòa đã chứng tỏ Huỳnh thị Huyền Như đã có ý định chiếm đoạt tiền ngay từ đầu. Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn
Với các chứng cứ được đưa ra và lời khai tại Tòa đã chứng tỏ Huỳnh thị Huyền Như đã có ý định chiếm đoạt tiền ngay từ đầu. Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn

Có một chi tiết bất ngờ trong ngày trước đó là Viện Kiểm sát, cơ quan giữ quyền công tố tại Tòa đưa đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm cho tội chiếm đoạt tài sản, trả hồ sơ điều tra lại hành vi tham ô của Như đối với 1.085 tỷ đồng. Đề nghị VietinBank hoàn trả toàn bộ số tiền này cho 5 doanh nghiệp hương Đông, An Lộc, Toàn Cầu, SBBS, Hưng Yên.

Mặc dù vậy, trong phần tranh luận, luật sư của ACB và Navibank tỏ thái độ không đồng tình với việc luận tội của công tố  ngày hôm qua (24/12). Luật sư của luật sư thậm chí đã đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại theo hướng có hành vi tham ô 200 tỷ đồng là tài sản của ViettinBank thay vì lừa đảo 4 nhân viên Navibank, buộc Vietinbank trả lại 4 nhân viên Navibank 200 tỷ đồng tiền gốc và tiền lãi là số tiền gửi hợp pháp, hợp lệ của khách hàng.

Luật sư của hai công ty An Lộc (bị chiếm đoạt 170 tỉ), Phương Đông (380 tỉ đồng) đều cho rằng bản án sơ thẩm liên quan đến hai công ty có sai sót nên đề nghị cần hủy phần này để điều tra lại xét xử lại.

Trong khi đó, đại diện công ty SBBS dù đồng tình với kết luận của công tố tại phiên tòa về việc Công ty SBBS không phải là bị hại của Huyền Như nhưng yêu cầu sửa án tuyên buộc trách nhiệm VietinBank trả ngay gốc và lãi trong bản án phúc thẩm chứ không phải huỷ án. 

Trong khi đó, Luật sư của bị cáo Huyền Như khẳng định Huyền Như không có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, tài sản Huyền Như chiếm đoạt không thuộc quyền quản lý nên không phạm tội tham ô tài sản. VietinBank chưa có văn bản nào quy định trưởng phòng giao dịch phải quản lý tài sản của khách hàng.

Theo luật sư, đề nghị của VKS hủy án điều tra thêm tội tham ô với Như là bất lợi cho bị cáo, điều này không đúng với quy định vì sau phiên xử sơ thẩm, Huyền Như đã chấp nhận mức án được phán quyết không có kháng cáo, đồng thời cũng không có kháng nghị liên quan đến tội danh của bị cáo.

Còn về phía Vietinbank, luật sư của ngân hàng này đã tham gia tranh luận với nội dung phản bác ý kiến của các luật sư và nội dung kháng cáo của ACB, các nhân viên ACB yêu cầu VietinBank trả ACB 718 tỷ đồng và tiền lãi phát sinh; phản bác ý kiến của Luật sư và nội dung kháng cáo của Công ty CP Chứng khoán Saigonbank-Berjaya (SBBS) yêu cầu VietinBank bồi thường 210 tỷ đồng, phản bác ý kiến của vị đại diện VKS cho rằng có dấu hiệu của Tội tham ô đối với khoản chiếm đoạt 210 tỷ đồng; phản bác nội dung kháng cáo của bà Lê Thị Ngọc Nga và ý của đại diện bà Lê Thị Ngọc Nga yêu cầu VietinBank bồi thường cho bà Lê Thị Ngọc Nga 146 tỷ và tiền lãi phát sinh (tải toàn bộ nội dung phần tranh luận của luật sư bảo vệ quyền lợi VietinBank tại đây).

Theo luật sư của VietinBank, trong trường hợp của ACB, với con “mồi lãi suất cao“ và tiền % cho Ngọc, Như đã thực hiện có tính toán tiếp theo các thủ đoạn gian dối, dẫn dụ Ngọc và các nhân viên ACB làm mọi việc theo sự sắp đặt của Như, trong đó có cả các việc làm trái quy định, tắc trách, vô trách nhiệm và Như đã lợi dụng sự sai phạm, tắc trách này để chiếm đoạt trót lọt 718 tỷ đồng của ACB.

Tương tự như vậy, với các chứng cứ được đưa ra và lời khai tại Tòa đã chứng tỏ Huỳnh thị Huyền Như đã có ý định chiếm đoạt tiền ngay từ đầu, khi thoả thuận với Vũ Thị Mỹ Linh- Kế toán trưởng SBBS về việc huy động tiền của SBBS với lãi suất cao. Và thực chất vấn đề ở đây là, SBBS đã lợi dụng hệ thống thanh toán của VietinBank để làm phương tiện thực hiện thỏa thuận ngầm - giao dịch bất hợp pháp với cá nhân Như nhằm mục đích kiếm lời bất chính.

Theo luật sư VietinBank: "Đây là quan hệ lừa đảo và trong quan hệ lừa đảo, người lừa đảo phải hoàn trả tài sản đã chiếm đoạt cho người bị lừa đảo; người bị lừa đảo có quyền đòi kẻ lừa đảo phải bồi thường theo quy định tại Khoản 1 Điều 42 Bộ luật hình sự. Vì vậy, Bản án số 46/2014/HSST ngày 27/01/2014 của TAND TP HCM với nội dung tuyên Huỳnh Thị Huyền Như phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Nam Việt, Công ty Chứng khoán SaigonBank Beryaja, Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Thương mại và Đầu tư Hưng Yên, Công ty Chứng khoán Phương Đông, Công ty Đầu tư và Thương mại An Lộc và buộc Huỳnh Thị Như phải bồi thường cho các đơn vị này toàn bộ số tiền mà Như đã chiếm đoạt của họ theo khoản 1 Điều 42 BLHS là hoàn toàn có căn cứ và đúng pháp luật”.

"Tôi khẳng định rằng NHCT không có trách nhiệm bồi thường số tài sản mà Huỳnh Thị Huyền Như đã lừa đảo chiếm đoạt của 7 đơn vị trên"

Phiên tòa sẽ tiếp tục làm việc.