Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016: Góp phần nội luật hóa các cam kết quốc tế

PV.

Sáng ngày 5/10/2016, Bộ Tài chính tổ chức Họp báo chuyên đề ''Hướng dẫn thực hiện Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu” dưới sự chủ trì của ông Phạm Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế. Tham dự buổi Họp báo còn có đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính và các cơ quan thông tấn báo chí.

Toàn cảnh buổi Họp báo.
Toàn cảnh buổi Họp báo.

Tại buổi Họp báo, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, Luật Thuế XNK số 107/2016/QH13 ngày 06/4/2016 được Quốc Hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/9/2016. việc ban hành Luật thuế lần này đã đảm bảo tính kế thừa những quy định của Luật thuế XNK số 45/2005/QH11 đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn, đồng thời bổ sung các quy định mới nhằm đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới, cải cách thủ tục hành chính, phù hợp với các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập quốc tế.

Luật Thuế XNK số 107/2016/QH13 đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật với các văn bản có liên quan đã được ban hành mới hoặc sửa đổi như Hiến pháp năm 2013, Luật Đầu tư, Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan…; tạo môi trường pháp lý, thủ tục hành chính đơn giản, thuận lợi cho đối tượng thi hành Luật và góp phần thực hiện tốt công tác quản lý thuế.

Đặc biệt, những nội dung mới được quy định tại Luật Thuế XNK số 107/2016/QH13 góp phần khắc phục các vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện Luật thuế XNK thời gian qua, nhất là đối với các quy định về: đối tượng chịu thuế; khung thuế suất; thời hạn nộp thuế và địa bàn, lĩnh vực cần được khuyến khích phát triển trên cơ sở thực hiện chính sách ưu đãi như miễn thuế, hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Để phù hợp với việc thực hiện các cam kết cắt giảm thuế xuất khẩu trong khuôn khổ một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) như: TPP, Việt Nam – EU, Luật Thuế XNK số 107/2016/QH13 cũng quy định: “Trường hợp hàng hóa XK sang nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi về thuế XK trong quan hệ thương mại với Việt Nam thì thực hiện theo các thỏa thuận này”.

Những quy định tại Luật thuế sửa đổi được tách bạch rõ ràng, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, các cam kết liên quan đến thuế XK và tạo điều kiện cho việc thực hiện các cam kết thuế quan mà Việt Nam tham gia.

Luật thuế XNK đã đổi mới toàn diện hơn về phương thức quản lý và chính sách thuế XK, thuế NK phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế theo hướng ổn định, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Theo đó, thuế suất ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu trong quan hệ thương mại với Việt Nam hoặc hàng hóa từ khu phi thuế quan NK vào thị trường trong nước đáp ứng quy tắc xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế NK trong quan hệ thương mại với Việt Nam.

Ông Phạm Tuấn Anh chia sẻ, để thực hiện cam kết về thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam, phù hợp với cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do, phù hợp với quy định của Luật Thuế XNK (2005) và Danh mục hài hoà mô tả và mã số hàng hoá xuất nhập khẩu ASEAN phiên bản 2012 (AHTN 2012). Đa số các Thông tư có hiệu lực đến ngày 31/12/2018 (trừ Thông tư ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ASEAN - Nhật Bản, Việt Nam - Nhật Bản có hiệu lực đến hết ngày 31/3/2019, và Việt Nam – Chi lê có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2016). 

Theo đó, nội dung các Thông tư được xây dựng với nguyên tắc kế thừa các quy định hiện hành, không làm thay đổi các điều kiện ưu đãi, thuế suất ưu đãi cụ thể, điều chỉnh phần tên gọi và mô tả hàng hoá cho phù hợp với Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam nhằm đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện và góp phần cải cách thủ tục hành chính.