Lượng hóa chỉ tiêu đo lường hiệu quả đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo

Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Cù Thu Thủy - Học viện Tài chính

Khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo là chìa khóa để các quốc gia phát triển kinh tế. Việc đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đang được thực hiện có hiệu quả. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp nhà nước chưa được phép đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo bởi tính tin cậy của loại hình doanh nghiệp này chưa được thực chứng và được xếp vào lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro và chưa có một bộ chỉ tiêu nào cho việc đánh giá hiệu quả của loại hình doanh nghiệp này được ban hành. Nghiên cứu này được thực hiện qua việc đánh giá các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và kinh nghiệm quốc tế để đưa ra các chỉ tiêu đo lường hiệu quả đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo ở Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mở đầu

Gần đây khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo thu hút được sự quan tâm của mọi quốc gia. Doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo được cho là sẽ tạo ra đột phá và nhiều cơ hội, nhiều công việc mới cho người lao động, từ đó cắt giảm chi phí sản xuất, nâng cao tỷ suất lợi nhuận, góp phần vào việc thúc đẩy kinh doanh. Các DN đầu tư vào khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo sẽ tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và góp phần chuẩn mực thị trường trong nước theo tiêu chuẩn toàn cầu hóa.

Theo báo cáo của BambuUP (nền tảng kết nối đổi mới - sáng tạo Việt Nam), năm 2021 là năm bùng nổ của nền kinh tế khởi nghiệp toàn cầu. Tổng quỹ bảo hiểm trên thế giới là 669 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm 2020; Số "kỳ lân" tăng gấp 3,5 lần năm 2020. Đến năm 2022, khởi nghiệp toàn cầu có dấu hiệu hạ nhiệt, song làn sóng "khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo" vẫn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia phát triển. Theo Startup Blink, năm 2022 các quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp tốt nhất thế giới là: Mỹ (1), Anh (2), Isarel (3), Singapore (7); Trung Quốc (10). Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì Singapore (1); Trung Quốc (3); Ấn độ (4); Nhật Bản (5); Hàn Quốc (6); Indonesia (9); Malaysia (10). Theo Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB (2022), “kỳ lân” khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tiếp theo của châu Á - Thái Bình Dương có thể đến từ Việt Nam. Chỉ số Toàn cầu hệ thống khởi nghiệp kỹ thuật số của ADB (xem xét mức độ số hóa trên 8 phương diện: Văn hóa, thể chế, điều kiện thị trường, hạ tầng, vốn con người, tri thức, tài chính, mạng lưới) đã xếp Việt Nam ở vị trí 63/113 quốc gia, thấp hơn Thái Lan (59), cao hơn Indonesia (71), Ấn Độ (75) và Philippines (79). Chỉ số đổi mới - sáng tạo năm 2020 đã xếp Việt Nam đứng thứ 42/131 quốc gia, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập. Năm 2021, Việt Nam được xếp thứ 44.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và chương trình hỗ trợ DN đổi mới - sáng tạo để bắt kịp xu thế phát triển. Tuy nhiên, mức chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của DN Việt Nam chỉ chiếm 1,6% doanh thu hằng năm, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Lào (14,5%); Philippines (3,6%) và Malaysia (2,6%). Tỷ lệ chi cho khoa học và công nghệ, bao gồm cả khu vực nhà nước và tư nhân chiếm khoảng 0,44% GDP, đứng sau Singapore (2,22%); Malaysia (1,44%) và Thái Lan 0,78%... Ở Việt Nam, nhận thức về đổi mới - sáng tạo của các DN còn hạn chế, nhận thức của đội ngũ lãnh đạo khác với nhân viên có sự phân hóa theo vị trí, lĩnh vực, ngành nghề công tác.

Thế giới đang ở trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng các nhà máy ở Việt Nam hầu hết ở mức 1.0; 2.0. Nền công nghiệp của Việt Nam chưa bắt kịp với sản xuất hiện đại, còn 20% sản xuất thủ công; 70% sử dụng máy móc do con người điều khiển; 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính; 1% sử dụng công nghệ tiên tiến như Robot, sản xuất đắp lớp 3D. Trong bảng xếp hạng đổi mới - sáng tạo toàn cầu (GII) do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 48/132 quốc gia về nền kinh tế, giảm 4 bậc so với năm 2021, đứng thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp và còn có hạn chế về chỉ số con người. Về vốn đầu tư mạo hiểm, năm 2021, Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD và tăng gấp 3 lần so với năm trước…

Trong thập kỷ qua, Việt Nam có nhiều thành tựu trong đổi mới - sáng tạo, được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và được nhận định là giai đoạn vàng của sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo . Để nắm bắt thời cơ và phát huy được lợi thế của khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến tính bền vững, xuyên suốt hành trình để đảm bảo sự trưởng thành của DN khởi nghiệp, trong đó chú trọng đến vai trò của DNNN trong dẫn dắt khoa học công nghệ và khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo.

Tuy nhiên, ở Việt Nam DNNN chưa được phép đầu tư vào DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo. Một mặt, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, không nhiều quốc gia cho phép DNNN đầu tư vào khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, mặt khác với các nước khác nhau thì mục tiêu cũng như các hình thức đầu tư cũng khác nhau. Hơn nữa, đầu tư vào DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo được cho là tiềm ẩn nhiều rủi ro và chưa có các tiêu chí đo lường, đánh giá hiệu quả của loại hình DN này.

Vì vậy, bài viết đưa ra một hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả đầu tư vào DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và một số mô hình dự kiến được thực hiện dựa trên kinh nghiệm nghiên cứu cũng như các chỉ số đo lường hiệu quả DN đang được sử dụng ở Việt Nam. Nghiên cứu sẽ là căn cứ để các DN xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh cũng như để các cơ quan quản lý, nhà đầu tư nói chung, DNNN nói riêng có thang đo đánh giá khả năng đầu tư vào DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo ở Việt Nam.

Một số mô hình nghiên cứu và tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo

Michael Song và cộng sự (2008) thực chứng từ 11.259 DN khởi nghiệp công nghệ Hoa Kỳ từ năm 1991 đến 2000 và chỉ ra, khởi nghiệp công nghệ là chìa khóa để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tỷ lệ sống của loại hình DN này thấp, sau 4 năm chỉ còn 36%, sau 5 năm chỉ còn 21,9% DN hoạt động với hơn 5 nhân viên toàn thời gian. Nghiên cứu kế thừa từ 31 nghiên cứu khác và xem xét 24 nhân tố tác động đến thành công của DN thu được kết quả: Có 8 nhân tố có tác động tích cực đối với thành công gồm: (1) Tích hợp chuỗi cung ứng; (2) Phạm vi thị trường; (3) Tuổi công ty; (4) Quy mô của nhóm sáng lập; (5) Nguồn tài chính; (6) Kinh nghiệm marketing của người sáng lập; (7) Kinh nghiệm trong ngành của người sáng lập; (8) Sự tồn tại của bằng sáng chế.

Miloud T. và cộng sự (2012) nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của các DN mới khởi nghiệp hoặc dự án kinh doanh mới. Các tác giả sử dụng phương pháp ước lượng là OLS và GLS trên dữ liệu của 102 công ty liên doanh mới trong 18 ngành công nghiệp không thuộc lĩnh vực tài chính bảo hiểm của Pháp, có tuổi dưới 5 năm, vào thời điểm nhận vốn đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1998 đến ngày 31/12/2007. Nghiên cứu sử dụng khái niệm định giá một công ty trước khi gọi vốn bằng mức định giá đã công bố trừ đi số tiền đầu tư vào vòng cấp vốn (Gompers, 1995) và đề xuất mô hình với tám giả thuyết dựa trên các khía cạnh: Cấu trúc ngành, người sáng lập, nhóm quản lý chủ chốt và các mối quan hệ bên ngoài của một dự án mới để định giá quỹ đầu tư mạo hiểm.

Cotei C.và Farhat, J. (2017) kiểm chứng các giả thuyết: H1(a): Trong giai đoạn khởi nghiệp, tiền tiết kiệm cá nhân và nợ cá nhân của chủ sở hữu là nguồn tài chính quan trọng nhất; H1(b): Theo thời gian, tầm quan trọng của vốn chủ sở hữu và nợ cá nhân trong tổng tài chính sẽ giảm, trong khi tầm quan trọng của nợ kinh doanh và tín dụng thương mại trong tổng tài trợ sẽ tăng lên; H2: Các đặc điểm cá nhân của doanh nhân ảnh hưởng đến loại hình cấp vốn trong các DN khởi nghiệp; H3: Các DN khởi nghiệp có thông tin minh bạch thấp hơn sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào vốn chủ sở hữu nội bộ và nợ cá nhân hơn là nợ kinh doanh; H4: Các DN khởi nghiệp có nhiều lựa chọn tăng trưởng như có hoạt động R&D sâu rộng hoặc hoạt động sở hữu quyền sở hữu trí tuệ sẽ dựa nhiều hơn vào nguồn vốn nội bộ và vốn từ bên ngoài và có nợ tài chính ít hơn.

Nghiên cứu sử dụng nguồn dữ liệu từ Kauffman Firm Survey (KFS), một cuộc khảo sát lớn nhất của Mỹ, thu thập thông tin từ năm 2004 đến 2011 về tình trạng và hiệu suất kinh doanh của 4.928 DN khởi nghiệp; Chọn biến phụ thuộc là tỷ lệ cấp vốn khác nhau trong tổng giá trị tài chính của cá nhân, DN và vốn chủ sở hữu, tổng nợ và tài trợ thương mại (Personal Debt, Business debt và Equity, total debt và trade finance); Chọn các biến độc lập gồm: Hoạt động R&D; Rủi ro rín dụng; Tài sản hữu hình; doanh thu; Lợi nhuận; Sở hữu (chủ sở hữu là cá nhân hay là của một nhóm); Thông tin về chủ sở hữu (kinh nghiệm làm việc, trình độ, giới tính, tuổi); Sử dụng các phương pháp phân tích đa biến như mô hình tăng trưởng tiềm ẩn (Latent growth modeling), mô hình tuyến tính phân cấp (hierarchical linear modeling (HLM) hiệu ứng ngẫu nhiên (random effect) và hiệu ứng cố định (fixed effect), mô hình Tobit.

Islam, M. và cộng sự (2018) sử dụng mô hình Logit nghiên cứu về sự tương tác giữa tài trợ công và tư cho các DN khởi nghiệp dựa trên 3 giả thuyết: H1: Các DN khởi nghiệp trong một lĩnh vực mới nổi nhận sự hỗ trợ của cơ quan công quyền có nhiều khả năng nhận được vốn đầu tư mạo hiểm hơn so với các công ty khác; H2: Giá trị tín hiệu được tạo ra bởi sự hỗ trợ của một cơ quan chính phủ khi quỹ đầu tư mạo hiểm (QĐTMH) tài trợ tiếp theo sẽ rõ rệt nhất trong khoảng thời gian ngay sau khi nhận được tín hiệu đó; H3: Các lợi ích báo hiệu liên quan đến sự hỗ trợ của cơ quan công quyền sẽ rõ ràng hơn đối với những DN khởi nghiệp có ít bằng sáng chế hoặc không có bằng sáng chế so với nhóm có nhiều bằng sáng chế.

Dữ liệu được lấy theo quý từ cơ sở dữ liệu Energy Acuity's Power Database về các DN thuộc lĩnh vực năng lượng sạch của Mỹ (U.S. clean energy sector), là lĩnh vực nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Chính phủ từ việc đầu tư phòng thí nghiệm quốc gia đến tự do hóa thị trường năng lượng và tài trợ nghiên cứu trực tiếp cho các DN khởi nghiệp. Các biến nghiên cứu gồm: Biến phụ thuộc là các biến nhị phân nhận giá trị 1 nếu một DN khởi nghiệp nhận được bất kỳ khoản tài trợ từ nguồn QĐTMH (a) trong 2 quý đầu tiên, (b) giữa quý thứ 3 và 4, hoặc (c) giữa quý thứ 5 và thứ 6 so với phần đầu tiên, ngược lại nhận giá trị là 0. Biến độc lập: Biến thể hiện DN khởi nghiệp nhận trợ cấp trong quý (có phân biệt nhận trợ cấp từ chính phủ); số lượng bằng sáng chế của DN; dấu hiện nhận biết DN có nhận tiền QĐTMH ở giai đoạn trước và số tiền QĐTMH nhận được; tuổi của DN; lĩnh vực chuyên sâu của DN.

Jeong và cộng sự (2020) nghiên cứu ảnh hưởng của QĐTMH đến sự tăng trưởng bền vững và hiệu quả của các DN khởi nghiệp thông qua đánh giá mối liên hệ giữa khoản đầu tư QĐTMH ban đầu vào 5 giai đoạn khác nhau và sự tăng trưởng bền vững của các DN khởi nghiệp.

Nghiên cứu đã lựa chọn biến như sau:

Biến phụ thuộc là hiệu suất của các DN khởi nghiệp đo bằng chỉ số Tobin's Q - giá trị thị trường của một DN khởi nghiệp chia cho giá trị tài sản ròng của nó. Khi Tobin's Q có giá trị lớn hơn 1, nghĩa là thị trường đánh giá cao khả năng sinh lời DN khởi nghiệp; Tobin's Q bằng 1, nghĩa là thị trường kỳ vọng và đánh giá nội bộ của một DN khởi nghiệp là bằng nhau; Tobin's Q nhỏ hơn 1, nghĩa là DN khởi nghiệp được định giá thấp trên thị trường. Việc sử dụng Tobin's Q phân tích hiệu suất của DN so với kỳ vọng của thị trường và cho phép đánh giá cả bên trong và bên ngoài của các công ty.

Biến độc lập gồm:

Các biến mô tả 5 giai đoạn của DN khởi nghiệp và mỗi giai đoạn xem xét sự khác biệt giữa DN có nhận tiền đầu tư và ngược lại.

Các biến mô tả hiệu quả sử dụng vốn của DN Start-up (Moderators) gồm hai biến đó là chi phí phát triển cho đến khi IPO và số lượng bằng sáng chế mà các DN khởi nghiệp nắm giữ tại thời điểm IPO.

Biến liên quan đến DN đầu tư QĐTMH: Số tiền đầu tư trung bình trong 05 năm của các dự án tham gia, số trung bình quỹ đầu tư, số lượng DN đã đầu tư, số tiền đầu tư và tuổi của các DN QĐTMH.

Biến kiểm soát: Số lượng nhân viên, số năm hoạt động, tổng vốn đầu tư, tổng chi phí cho tài sản vô hình, tỷ lệ đòn bẩy, tỷ suất lợi nhuận trên tài sản và lĩnh vực kinh doanh.

Mẫu dữ liệu nguồn Thomson One. Second và Wharton Data Research Service (Mỹ) của 363 DN đã hoàn thành IPO từ năm 2000 đến năm 2007. Nghiên cứu đã chỉ ra các DN khởi nghiệp hoạt động tốt hơn khi họ nhận được khoản đầu tư QĐTMH ở giai đoạn đầu.

Anurak Binnui (2020) xác định các yếu tố chính của DN có ảnh hưởng đến tăng trưởng trong dài hạn của các DN công nghệ cao trẻ tuổi của Thái Lan. Mẫu dữ liệu thu thập qua các cuộc phỏng vấn CEO/chủ sở hữu của 521 DN khởi nghiệp được phân theo bốn loại hình thành lập DN, đó là (1) DN được thành lập bằng cách sáp nhập với một DN lớn hơn, (2) Các DN được thành lập bằng cách sáp nhập với một DN tương tự, (3) Các DN được thành lập độc lập và (4) Các DN khác (không thuộc 3 loại đầu tiên). Sử dụng mô hình hồi quy Poisson và Probit đánh giá tác động lên tăng trưởng của DN trong dài hạn qua các loại hình thành lập DN và 8 yếu tố bao gồm: (1) Hình thức sở hữu, quản trị và nhân khẩu học; (2) Đặc điểm sản phẩm/dịch vụ và thị trường; (3) Đổi mới; (4) Quốc tế hóa; (5) Địa điểm sản xuất; (6) Nguồn tài chính; (7) Đội ngũ quản lý; (8) Các chỉ số hoạt động. Nghiên cứu chỉ ra rằng khả năng cạnh tranh của các công ty dựa trên công nghệ sẽ được tăng cường và do đó hỗ trợ xây dựng, thực hiện các chiến lược phù hợp hơn, hiệu quả hơn.

Gianni Onesti và cộng sự (2022) đánh giá hiệu quả hoạt động của các DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; phân tích kế toán tài chính bằng cách đề xuất chỉ số hiệu suất tổng hợp SP-score để đánh giá năng suất của nhân viên và lợi nhuận của DN trong giai đoạn đầu tiên của vòng đời; Xem xét mức độ ảnh hưởng của các yếu tố địa phương, khu vực đến hiệu quả hoạt động và so sánh hiệu suất của các DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo.

Để xây dựng thang điểm SP-score, nghiên cứu dựa trên ba khía cạnh hiệu quả tài chính là: (i) Khả năng sinh lời (Lợi nhuận sau thuế/Tổng tài sản; Lợi nhuận sau thuế/Vốn chủ sở hữu; Lợi nhuận sau thuế/Doanh thu thuần; Thu nhập ròng/Chi phí đầu tư,..); (ii) Năng suất (Doanh thu trên mỗi nhân viên; Giá trị gia tăng trên mỗi nhân viên; Doanh thu/chi phí nhân viên); (iii) Quy mô (Giá trị sản xuất; Doanh thu bán hàng và dịch vụ). Các tác giả kiểm định 2 giả thuyết dựa trên dữ liệu của các DN khởi nghiệp ở Ý, đó là:

H1: Các công ty khởi nghiệp được luật định nghĩa là “sáng tạo” đạt được lợi nhuận và năng suất của nhân viên cao hơn so với các DN không đáp ứng các yêu cầu của luật (SP-score cao hơn).

H2: Hiệu quả và năng suất của nhân viên (SP-score) của các DN khởi nghiệp được luật định nghĩa là “sáng tạo” (ISP) chịu sự tác động các yếu tố khu vực địa lý. Nghiên cứu thu thập dữ liệu về khu vực địa lý: Dân số vùng/tổng dân số quốc gia; Số DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo /Tổng số DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo quốc gia; Số DN khởi nghiệp-ST/Tổng số DN TNHH mới.

Từ những lược khảo về kinh nghiệm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo của các nước và kết quả nghiên cứu của các tác giả, căn cứ vào tình hình thực tiễn ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu đề xuất hệ thống chỉ tiêu định lượng đánh giá hiệu quả đầu tư vào DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo trong phần dưới đây.

Đề xuất hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo

Chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh và phát triển

Sử dụng nhóm chỉ tiêu tỷ suất sinh lời của DN:

Tobin's Q = Giá trị thị trường/Giá trị tài sản ròng.

EDITDA/Doanh thu = (Biên độ hoạt động và khấu hao Lợi nhuận sau thuế + Lãi vay + Thuế + Khấu hao)/Doanh thu;

BEP = (Lợi nhuận trước thuế - Lãi vay phải trả)/Tổng tài sản bình quân;

ROA = Lợi nhuận sau thuế/Tổng tài sản bình quân;

ROS = Lợi nhuận sau thuế/Doanh thu thuần;

ROE = Lợi nhuận sau thuế/Vốn CSH bình quân;

ROI = Thu nhập ròng/Chi phí đầu tư.

Sử dụng nhóm chỉ tiêu hiệu suất hoạt động của DN:

Vòng quay tổng tài sản AT = Doanh thu thuần/Tổng tài sản bình quân;

Vòng quay vốn lưu động CAT = Doanh thu thuần/Vốn LĐ bình quân;

Vòng quay hàng tồn kho IT = Giá vốn hàng bán hàng tồn kho bình quân;

Doanh thu trên mỗi nhân viên = Doanh thu/Số lao động;

Giá trị gia tăng trên mỗi nhân viên = Giá trị gia tăng/Số lao động;

Doanh thu/Chi phí nhân viên = Doanh thu/Lương thưởng của nhân viên

Đây là các chỉ tiêu được sử dụng cho các DN. Đối với DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo cần có thêm các tiêu chí định giá khác phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Chỉ tiêu đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và phát triển

Nhóm 1: Thông tin liên quan đến DN đầu tư vào DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo (Chỉ sử dụng nhóm thông tin này đối với khoản đầu tư được nhận từ các DN)

- 5 DN thực hiện đầu tư vào DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo;

- Mục tiêu đầu tư;

- Hình thức đầu tư: Góp vốn mua cổ phần, mua bán, sáp nhập, cho vay - Đổi thành vốn góp, hình thức khác với 3 hình thức đã liệt kê;

- Giai đoạn DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo nhận đầu tư của DN (Giai đoạn thử nghiệm, tiền khả thi; Giai đoạn phát triển, giới thiệu; Giai đoạn tăng trưởng, phát triển);

- Tỷ lệ nắm giữ vốn sau đầu tư tại DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo;

- Tổng vốn đầu tư vào DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo;

- Phương án quản lý vốn của DN tại DN được đầu tư trong 05 năm tiếp theo (Thoái vốn; IPO; Nắm giữ lâu dài nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; Phương án khác);

- Dân số vùng nơi DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo thành lập/Tổng dân số quốc gia;

- Số DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo ở vùng/Tổng số DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo quốc gia;

- Số DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo của vùng/Tổng số DN TNHH mới.

Nhóm 2: Thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo

- Khả năng thanh toán;

- Quy mô và tốc độ tăng trưởng;

- Chỉ tiêu về dòng tiền;

- Nhóm chỉ tiêu cơ cấu tài sản;

- Nhóm nhân tố về nguồn nhân lực;

Ngoài các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính, một số số liệu khác của DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo cũng được thu thập, cụ thể như sau:

- Số tiền nhận đầu tư từ DN hay tổ chức;

- Số lượng bằng sáng chế sở hữu;

- Chi phí cho hoạt động R&D;

- Chi phí hoạt động phát triển kinh doanh và Marketing;

- Số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ;

- Tổng số khách hàng.

Nhóm 3: Các yếu tố mô tả công tác quản trị, quản lý của DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo

- Sử dụng chỉ số SP-score (Gianni Onesti và cộng sự (2022).

Từ dữ liệu khảo sát có thể xây dựng mô hình kinh tế lượng nhằm đánh giá hiệu quả của vốn đầu tư vào DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo. Mô hình có thể áp dụng để đánh giá cho một DN cụ thể khi có dữ liệu trong nhiều năm (dữ liệu chuỗi thời gian - time series data) hoặc đánh giá cho nhiều DN trong nhiều năm (dữ liệu bảng - panel data). Các chỉ tiêu đưa ra cần được thực chứng, thực nghiệm và điều chỉnh để từng bước làm căn cứ và cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động cũng như dòng tiền đầu tư đối với loại hình DN này.

Như vậy, căn cứ vào kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về quản lý nhà nước trong thúc đẩy đầu tư khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; các nghiên cứu có ứng dụng các mô hình định lượng trong đánh giá hiệu quả đầu tư vào DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu đã đề xuất hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả đầu tư vào DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo ở Việt Nam bao gồm: (1) Chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh và phát triển của DN dựa các chỉ tiêu tỷ suất sinh lời của DN và nhóm chỉ tiêu hiệu suất hoạt động của DN. (2) Chỉ tiêu đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và phát triển của DN gồm: Thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và các yếu tố mô tả công tác quản trị, quản lý của DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo. Hệ thống các tiêu chí định lượng này sẽ là căn cứ đánh giá tiền nghiệm, hậu nghiệm hiệu quả đầu tư vào các DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, cũng như là cơ sở để điều chỉnh các chủ trương chính sách phù hợp trong đầu tư DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo nhằm phát huy tối đa tiềm năng của các DN, đặc biệt là DNNN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các quốc gia.

Tài liệu tham khảo:

  1. BambuUP (2022), Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới Sáng tạo Mở Việt Nam năm 2022, https://report.bambuup.com/2022;
  2. BambuUP (2021), Báo cáo Toàn cảnh Đổi mới Sáng tạo Mở Việt Nam năm 2021, https://report.bambuup.com/2021;
  3. Anurak Binnui (2020), “Entrepreneurial Determinants of Growth of Thai Technology Firms”. International Journal of Innovation, Creativity and Change, www.ijicc.net Vol. 13, Iss. 8, pp 850-871;
  4. Cotei, C., and Farhat, J. (2017), "The Evolution of Financing Structure in U.S. Startups". The Journal of Entrepreneurial Finance, Vol. 19, Iss. 1, pp. -. Available at: https://digitalcommons.pepperdine.edu/jef/vol19/iss1/4;
  5. Islam, M., Fremeth, A., and Marcus, A. (2018), “Signaling by Early-stage startups: US government research grants and venture capital funding”. Journal of Business Venturing, 33(1), pp.35–51.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 9/2023