Mặt hàng nông sản nào hưởng lợi từ FTA Việt Nam - Hàn Quốc
(Taichinh) - Thủy sản, hoa quả, đồ gỗ, mật ong, khoai lang, gừng… là những mặt hàng dự báo sẽ được hưởng lợi lớn từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) vừa được ký kết. Tuy nhiên, từ “hưởng lợi” cho tới “chiếm lĩnh” được thị trường này là khoảng cách không hề nhỏ.
Thông tin Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho thấy, Hàn Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của ngành gỗ Việt Nam, đặc biệt là dăm gỗ. Tuy nhiên, trong quý I/2015, sản phẩm này giảm khá mạnh. “Trước đây, Hàn Quốc nhập khẩu nhiều viên nén nhiên liệu, có thời điểm lên tới 150 USD/tấn, nhưng trong quý I/2015, xuất khẩu của Việt Nam vào quốc gia này giảm tới 29%”, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Viforest cho biết.
Dù vậy, với việc VKFTA được ký kết, Viforest kỳ vọng, đồ gỗ Việt Nam vào Hàn Quốc sẽ có giá rẻ hơn, nhờ đó sức cạnh tranh sẽ được nâng cao hơn.
Tương tự, các doanh nghiệp thủy sản cũng đang kỳ vọng lớn vào VKFTA. Từ năm 2014, Việt Nam đã vượt Trung Quốc, trở thành nhà cung cấp tôm lớn nhất của Hàn Quốc. Hàn Quốc hiện cũng là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 5 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản, EU và Trung Quốc.
Hiện thuế nhập khẩu tôm vào Hàn Quốc là 20%. Tuy nhiên, sau khi VKFTA được ký kết, Hàn Quốc sẽ miễn thuế cho Việt Nam với lượng hạn ngạch 10.000 tấn tôm/năm và tăng dần trong 5 năm đến mức 15.000 tấn/năm. Cần phải nhắc lại rằng, hiện Việt Nam chỉ được hưởng 2.500 tấn tôm miễn thuế mỗi năm trong tổng số 5.000 tấn/năm Hàn Quốc dành cho 10 nước ASEAN. Điều này sẽ khiến xuất khẩu tôm vào Hàn Quốc tăng mạnh, bởi với VKFTA, tôm Việt Nam có lợi thế hơn hẳn nhiều đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan…
Ngoài ra, theo các doanh nghiệp thủy sản, thị hiếu tiêu dùng tôm của người Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng với Nhật Bản – đối tác quen thuộc của Việt Nam – do đó, các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng tận dụng được cơ hội mở rộng thị trường này.
Ngoài thủy sản và đồ gỗ, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu sang Hàn Quốc là cua, cá, hoa quả nhiệt đới và nhiều sản phẩm hết sức nhạy cảm với Hàn Quốc, trước đây bị đánh thuế cao (từ 241 - 420%) như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang...
Tuy vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia thị trường, Hàn Quốc là thị trường khó tính, yêu cầu chất lượng cao, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, để có thể tận dụng được cơ hội từ thị trường này không hề đơn giản.
Tại một hội thảo cách đây không lâu, đại diện Công ty Sunhill Fisheries - một trong những công ty nhập khẩu nhiều thuỷ sản nhất của Hàn Quốc cho biết, năm 2015, Công ty sẽ tăng nhập khẩu tôm của Việt Nam. Tuy nhiên, công ty này cũng phàn nàn về một số vấn đề từng gặp phải như: tôm bị bơm tạp chất, trọng lượng thật của hàng hóa không đúng và hàng mẫu không giống nhau do lượng đá quá nhiều. Đây là những vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu nhập khẩu nông sản của Hàn Quốc liên tục tăng. Các doanh nghiệp Hàn Quốc không chỉ nhập khẩu để tiêu dùng trong nước, mà còn để xuất khẩu ra nước ngoài. Nếu đáp ứng được tiêu chuẩn của nước bạn, nông sản Việt sẽ không lo về đầu ra. Tuy nhiên, yêu cầu về chất lượng nông sản, thực phẩm nhập khẩu của Hàn Quốc cũng sẽ ngày càng khắt khe hơn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khuyến cáo, để tận dụng được cơ hội của VKFTA, các doanh nghiệp xuất khẩu phải đặc biệt chú trọng vấn đề chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá thành. Bên cạnh đó, nông dân và doanh nghiệp phải siết lại quy trình sản xuất, nhất là trong sử dụng kháng sinh, chất bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu...
Rõ ràng, VKFTA là cơ hội vàng, song không phải là cây đũa thần. Nếu không có chiến lược tăng cường năng lực sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu... mà sa vào lối làm ăn chụp giật, VKFTA vẫn chỉ là cơ hội nằm trên giấy.