Máy bay cũ của Vietnam Airlines được “xẻ thịt” làm móc chìa khóa, bán hết veo hàng nghìn chiếc với giá 25-70 USD

Theo nhipsongkinhte.toquoc.vn

Một trong 5 tàu bay Airbus A321CEO cũ của Vietnam Airlines rao bán năm 2019 đã được mua lại, tái chế thành đồ lưu niệm và bán ra thị trường.

Móc chìa khóa làm từ vỏ máy bay cũ của Vietnam Airlines.
Móc chìa khóa làm từ vỏ máy bay cũ của Vietnam Airlines.

Trang Planetags của Moto Art (một công ty chuyên mua lại máy bay đã ngưng hoạt động, rã phụ tùng, sau đó làm đồ lưu niệm) đang đăng bán hàng nghìn móc chìa khóa – hành lý làm từ thân vỏ chiếc A321CEO, mang mã hiệu VN-347.

Đây là một trong 5 tàu bay từng được sở hữu bởi hãng hàng không quốc gia Việt Nam, thuộc đội 50 chiếc A321-200.

Moto Art cho biết đã tạo ra 7.500 chiếc móc khóa như vậy, giá bán thấp nhất 25 USD, cao nhất lên tới 70 USD. Đây là còn chưa tính đến bộ móc khóa đặc biệt đã nhanh chóng hết hàng.

Triết lý của Moto Art là muốn mang một phần lịch sử của ngành hàng không đến với nhiều người, những món đồ lưu niệm được hồi sinh từ những chiếc máy bay cũ.

Tàu bay Vietnam Airlines cũ được Moto Art phá lấy vỏ.
Tàu bay Vietnam Airlines cũ được Moto Art phá lấy vỏ.

Những năm gần đây, Vietnam Airlines có kế hoạch đổi mới đội tàu bay thông qua việc thay thế dần những tàu trên 12 năm tuổi bằng những tàu công nghệ mới hơn, qua đó tiết kiệm chi phí và khai thác ổn định.

Những chiếc A321-200 CEO được Vietnam Airlines nhận về và khai thác từ những năm 2004, tính đến nay đã tròn 16 năm hoạt động và hết hạn khấu hao.

Trong năm nay, ngành hàng không chịu cú sốc nặng nề từ COVID-19, bản thân Vietnam Airlines cho biết dù rất khỏe trước đại dịch nhưng sẽ khó lòng có thể vượt qua nếu không có sự hỗ trợ kịp thời, mà đặc biệt từ Chính phủ trong vai trò cổ đông lớn nhất.

Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu Vietnam Airlines đạt 24.000 tỷ đồng, chỉ bằng 42% cùng kỳ; trong khi đó, mức lỗ ròng hợp nhất 10.750 tỷ đồng, tương đương 71% kế hoạch. Các chặng bay quốc tế chiếm phần lớn doanh thu của hãng vẫn chưa thể hoạt động, trong khi đó khách nội địa phục hồi nhanh nhưng giá bán hiện tại chưa thể giúp Vietnam Airlines hòa vốn.

Những khó khăn về dòng tiền khiến Vietnam Airlines phải nhanh chóng triển khai các biện pháp cơ cấu tài sản. Một trong số đó là kế hoạch bán 9 tàu ba A321 CEO sản xuất năm 2007 (trong đó 3 chiếc bán sớm), được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên tháng 7. Đây là 9 chiếc đã trả hết nợ vay và thuộc sở hữu của Vietnam Airlines.

Theo ban lãnh đạo công ty, có nhiều đối tác có nhu cầu mua tàu bay cũ, danh sách này có thể gồm các hãng hàng không giá rẻ, bay thuê chuyến, hay thậm chí mua tách bán động cơ, phụ tùng…