MB dành 20% room tín dụng cho vay lĩnh vực bất động sản

Tuấn Thủy

Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) vẫn dành khoảng 20% room tín dụng để tài trợ cho lĩnh vực bất động sản (BĐS), theo Tổng giám đốc MB Phạm Như Ánh.

Ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc MB cho biết, 6 tháng đầu năm nhà băng này cho vay bất động sản 147.000 tỷ đồng. Ảnh: NHNN
Ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc MB cho biết, 6 tháng đầu năm nhà băng này cho vay bất động sản 147.000 tỷ đồng. Ảnh: NHNN

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc MB cho biết, trong nửa đầu năm, tổng dư nợ lĩnh vực BĐS tại MB ước đạt 147.000 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, 80% dư nợ BĐS là cho vay khách hàng cá nhân (KHCN) mua nhà, tương đương 115.400 tỷ đồng. MB đã cho vay khoảng 38.000 khách hàng, chiếm 21,5% tổng dư nợ nhà băng này. Còn lại 20% dư nợ BĐS là tài trợ khách hàng doanh nghiệp (KHDN), với giá trị khoảng 31.600 tỷ đồng cho 165 khách hàng, chiếm xấp xỉ 6% tổng dư nợ MB.

“Chúng tôi cũng xác định, ngành BĐS vẫn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến các ngành, nghề khác, do đó MB vẫn dành room tín dụng để tài trợ cho lĩnh vực này, khoảng ~20%”, Tổng giám đốc MB chia sẻ.

Theo ông Phạm Như Ánh, thị trường BĐS đang có nhiều biến động. Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc họp, đưa ra nhiều nghị quyết, nghị định để hỗ trợ thị trường này. Các nghị định của Chính phủ đã tạo ra một hành lang pháp lý cho các địa phương, hỗ trợ các quỹ đầu tư hoàn thiện thủ tục pháp lý, giúp cho khách hàng có được hành lang để tiếp tục cho vay, hỗ trợ thị trường BĐS.

NHNN cũng đã ban hành nhiều văn bản quy định, thông tư hướng dẫn để hỗ trợ thị trường BĐS: Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; Thông tư số 11/2022/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng; Điều hành hạ mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ thị trường BĐS phát triển…

Về phía MB, ngân hàng xây dựng định hướng tiếp cận tín dụng cụ thể đối với từng loại hình BĐS, trong đó BĐS nhà ở tập trung phân khúc trung bình, phục vụ nhu cầu để ở của người dân. Đẩy mạnh tiếp cận đối với BĐS khu công nghiệp, khu chế xuất, tạo tiền đề để phát triển các ngành công nghiệp, sản xuất chế biến với hàm lượng công nghệ cao.

“Nhờ có chính sách điều hành linh hoạt của NHNN, giao hạn mức tăng trưởng tín dụng sớm đã tạo điều kiện thúc đẩy tiếp cận tín dụng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, MB không gặp tình trạng thiếu room tín dụng đối với khách hàng”, ông Phạm Như Ánh cho biết.

Mặc dù đã có chỉ đạo sát sao của Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, nhưng theo ông Ánh, tiến độ giải quyết còn chậm, đặc biệt về việc định giá đất, phê duyệt quy hoạch còn gặp các vướng mắc về thẩm quyền, trình tự, phương pháp tính tại các địa phương.

Đối với KHDN là chủ đầu tư gặp khó khăn, không hoàn thiện được dự án theo tiến độ dự kiến do vướng mắc pháp lý, khó khăn về nguồn vốn triển khai, áp lực nợ và trái phiếu đến hạn lớn, sụt giảm doanh thu, người mua nhà gây áp lực trả lại sản phẩm.

Trong khi đó, KHCN mua nhà, ngoài việc suy giảm nguồn thu để trả nợ, các vướng mắc pháp lý của dự án cũng gây mất niềm tin cho người mua nhà, trì hoãn việc trả nợ, ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng của ngân hàng.

Theo ông Ánh, mặc dù đã có một số chuyển biến tích cực, trong 6 tháng cuối năm 2023 và năm 2024, thị trường BĐS dự kiến vẫn còn nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro lớn, các dự án vẫn đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý chủ đầu tư chưa hoàn thiện xây dựng, bàn giao sản phẩm theo đúng kế hoạch.

Niềm tin của người mua nhà suy giảm ảnh hưởng trực tiếp tới: nhu cầu vay vốn, tuân thủ cam kết thanh toán theo hợp đồng mua bán với chủ đầu tư và cam kết trả nợ vay với ngân hàng.