Mexico thoát thuế quan của Mỹ, nhưng áp lực mới bắt đầu
Mexico đã tránh được việc bị Mỹ áp thuế quan lên hàng hóa xuất khẩu sang nước láng giềng phía Bắc này sau khi hai bên đạt được thỏa thuận về vấn đề di cư. Thế nhưng sức ép dường như mới chỉ bắt đầu khi mà ông Trump sẽ chính thức khởi động chiến dịch tái tranh cử của mình trong tháng này.
Theo thỏa thuận đạt được vào thứ Sáu, Mexico sẽ sử dụng phần lớn Lực lượng Vệ binh quốc gia mới thành lập tới khu vực biên giới phía Nam giáp Guatemala để ngăn chặn dòng người di cư Trung Mỹ, cũng như tiếp nhận những người di cư chờ xin tị nạn vào Mỹ. Ngoài ra, Mexico cũng sẽ triển khai một chương trình tạo việc làm và bảo vệ quyền con người đối với những người di cư trong quá trình đợi xét duyệt đơn xin tị nạn tại Mỹ.
Đổi lại, phía Mỹ cam kết ủng hộ Kế hoạch Phát triển tổng thể đối với khu vực phía Nam Mexico và các nước thuộc tam giác phía Bắc Trung Mỹ, gồm Guatemala, El Salvador và Honduras.
Hai bên cũng đồng ý có thể hành động nhiều hơn nếu trong vòng 90 ngày, các biện pháp không có kết quả mong muốn là giảm mạnh số lượng người di cư không có giấy tờ đến biên giới Hoa Kỳ từ mức cao hơn một thập kỷ. Chỉ tính riêng tháng trước, đã có 132.000 người di cư bị chính quyền Hoa Kỳ bắt giữ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhấn mạnh thỏa thuận di cư Mỹ-Mexico đã đáp ứng được các mục tiêu của Tổng thống Trump nhằm giải quyết vấn đề người di cư tại biên giới phía Nam của nước Mỹ, song Tổng thống Mỹ vẫn có quyền áp thuế nếu Mexico không thực thi được thỏa thuận.
Trong khi cựu Chủ tịch WTO Pascal Lamy đã gọi cách tiếp cận của Trump để ép buộc người hàng xóm và đồng minh của mình như là “bắt giữ con tin”, cho thấy những lo ngại đang lan rộng ở Mexico rằng Tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục đưa ra nhiều đe dọa hơn nhằm đạt được sự nhượng bộ lớn hơn.
Những nỗi lo đó không phải là không có căn cứ khi mà ông Trump đã nhiều lần sử dụng “con bài” Mexico kể từ khi khởi động chiến dịch tổng thống lần đầu của ông vào năm 2015. Hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy ông có thể tập trung vào vấn đề nhập cư và biên giới trong chiến dịch tái tranh cử của ông, chính thức được khởi động vào ngày 18/6 tới.
“Chúng tôi nghĩ rằng các mối đe dọa, yêu cầu và lời tweet của Trump chống lại Mexico sẽ tiếp tục, đặc biệt là vì tất cả những điều này đều gắn liền với cuộc bầu cử năm 2020”, Gabriel Siller - một nhà kinh tế tại Ngân hàng Banco Base của Mexico nói.
Vicente Fox - cựu Tổng thống Mexico, một trong những nhà phê bình gay gắt Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador - đã tweet rằng, bằng cách cho phép Mỹ ép buộc như vậy, ví dụ như Mexico phải sử dụng lực lượng an ninh của mình, chính phủ đã nhượng bộ.
Quan điểm đó cũng đã được lặp lại bởi chính trị gia trung tả Angel Avila, người đã gọi thỏa thuận này là một sự “đầu hàng”. “Mexico không nên quân sự hóa biên giới phía nam của mình”, Avila - người đứng đầu Đảng Cách mạng Dân chủ cho biết.
Tuy nhiên, những người khác cho rằng Lopez Obrador có rất ít sự lựa chọn ngoài việc đưa ra một số nhượng bộ trong các cuộc đàm phán, bởi vì mối đe đọa thuế quan sẽ gây ra sự tàn phá kinh tế ở Mexico, vốn đã bị thu hẹp trong quý đầu năm nay.
Francisco Labastida - một cựu ứng cử viên tổng thống cho biết, quy mô của cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay cũng là một mối đe dọa đối với chính Mexico và hành động là cần thiết, bất kể sức ép từ phía ông Trump.
“Mexico phải thay đổi chính sách di cư của mình vì lý do an ninh quốc gia của chính mình”, ông nói và cho rằng con số di cư hiện tại là không thể quản lý được.
Carlos Pascual - cựu đại sứ Mexico tại Mỹ cũng ca ngợi thỏa thuận này là thích hợp hơn với “vòng xoáy đi xuống” của một cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng. Nhưng ông cũng thừa nhận nó khiến Mexico có thể chịu nhiều áp lực hơn nữa. “Mexico yếu hơn về mặt kinh tế và nó luôn luôn dễ bị tổn thương nếu Hoa Kỳ sử dụng chính sách kinh tế để thực thi chính sách an ninh quốc gia”, ông nói.