Mở cửa lại nền kinh tế: Cơ chế, chính sách phải được khai thông
Cuộc họp trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính với cộng đồng các doanh nghiệp trong cả nước diễn ra vào ngày 26/9 đã làm nức lòng các doanh nghiệp. Người đứng đầu Chính phủ đã thổi bùng “khát vọng Việt Nam” chiến thắng đại dịch COVID-19 bằng chính truyền thống văn hóa, lịch sử và lòng tự hào dân tộc. Đây chính là sức mạnh, động lực để Việt Nam tự tin mở cửa nền kinh tế theo tinh thần “sống chung” với đại dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Cần cơ chế hỗ trợ vốn
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dịch bệnh COVID-19 đã tác động sâu sắc đến nền kinh tế và làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất - kinh doanh, sinh kế của nhiều lao động nghèo.
Trong 8 tháng năm 2021, cả nước chỉ có khoảng 114.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường, giảm 7,25% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, có hơn 85.500 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Trong đó, 43.165 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, 30.147 doanh nghiệp tạm ngừng chờ giải thể và 12.196 doanh nghiệp đã giải thể.
Đối với tỉnh Bạc Liêu, tuy chưa có con số thống kê doanh nghiệp đã giải thể do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng qua phản ánh của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của tỉnh đã ngưng hoạt động rất nhiều. Riêng số doanh nghiệp đăng ký mới đến nay cũng chỉ dừng ở con số 220 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký kinh doanh trên 6.000 tỷ đồng và giảm 15% so với cùng kỳ.
Điều đáng quan tâm, đằng sau mỗi doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động hoặc phá sản chính là thu nhập, sinh kế của hàng ngàn lao động bị mất việc làm. Cộng với thực hiện giãn cách xã hội và cắt giảm 70% lao động đã đẩy nhiều lao động vào cảnh rất khó khăn.
Tuy nhiên, có một điều đáng phấn khởi hiện nay là sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự lãnh đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, các doanh nghiệp đã sẵn sàng bước vào giai đoạn khôi phục và điều mà các doanh nghiệp cần hiện nay chính là sự tiếp sức ngay từ các ngân hàng.
Ông Nguyễn Chí Luận - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần du lịch Hồ Nam Bạc Liêu, phản ánh: “Hiện nay công ty vẫn chưa thể mở cửa hoạt động trở lại vì gặp rất nhiều khó khăn về vốn. Đó là vốn phục vụ cho đầu tư cải tạo, nâng cấp lại các trang thiết bị hư hỏng trong thời gian dài thực hiện giãn cách và cả vốn đầu tư trong việc sử dụng cho mục đích lưu động, trả lương cho nhân viên”.
Còn theo ông Lê Chí Tôn - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bạc Liêu: “Vốn là nhu cầu lớn nhất của doanh nghiệp lúc này để khôi phục lại sản xuất - kinh doanh sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng điều mà cộng đồng doanh nghiệp ở Bạc Liêu cần hơn vốn chính là lãnh đạo tỉnh có ngay các giải pháp về cơ chế, chính sách.
Bởi thực tế trong những năm qua cho thấy, vốn từ các ngân hàng hay Quỹ bảo lãnh, hỗ trợ doanh nghiệp không thiếu, nhưng cái khó chính là nhiều doanh nghiệp của tỉnh lại không tiếp cận được vốn do cơ chế, chính sách và nhiêu khê về thủ tục hành chính”.
Phải nói không với giấy phép con
Để ứng phó với đại địch COVID-19, thời gian qua các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã ban hành nhiều giải pháp ứng phó, trong đó có mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến” trong giai đoạn thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Thế nhưng, theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc áp dụng phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến” đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến hàng thủy sản xuất khẩu. Đó là điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho công nhân và cả tâm lý, an sinh của người lao động khi họ bị tách khỏi gia đình quá lâu; vấn đề tăng chi phí của doanh nghiệp vừa phải lo xét nghiệm, tiêm vắc-xin, vừa phải lo phụ cấp tiền lương, ăn ở cho người lao động.
Cùng với đó, thời gian bắt buộc áp dụng phương châm “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến” kéo dài đã dẫn đến các bất ổn trong nội bộ doanh nghiệp, gây cạn kiệt nguồn lực của doanh nghiệp, cũng như tạo ra hàng loạt các áp lực và mâu thuẫn. Như nhà máy có những giai đoạn không có nguyên liệu chế biến, nhưng cứ phải giữ chân công nhân vì “3 tại chỗ”. Ngược lại, khi nông dân báo có tôm cần thu hoạch gấp thì không thể đưa lao động đi thu hoạch, vì địa phương đó đang áp dụng Chỉ thị 16.
Ông Trần Tuấn Khanh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH chế biến và xuất khẩu Trang Khanh (TP. Bạc Liêu), đề xuất: “Để doanh nghiệp xuất khẩu “sống chung” được với COVID-19, khu vực nào có dịch thì khoanh lại điểm đó, chứ không nhất thiết áp dụng phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” cho tất cả các doanh nghiệp và ưu tiên vắc-xin cho doanh nghiệp”.
Một bất cập khác nữa cũng được các doanh nghiệp phản ánh và rất bức xúc là Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia lưu thông hàng hóa, nhằm giúp nông dân tiêu thụ hàng nông - thủy sản; song các địa phương lại tự “đẻ ra” hàng loạt giấy phép con gây khó cho doanh nghiệp. Nào là kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19; phương án khi có trường hợp mắc COVID-19, thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 trực thuộc công ty… và doanh nghiệp phải chờ mới xin được địa phương cấp cho cái giấy phép thông hành.
Với quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19 và mở cửa lại nền kinh tế thì những “nút thắt” hay những “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách phải được khai thông vì doanh nghiệp vừa mới trải qua một giai đoạn đầy khó khăn. Do vậy, việc tiếp sức và tập trung thực hiện tốt các giải pháp, chính sách hỗ trợ mà Chính phủ đã ban hành vừa qua chính là sự cổ vũ và tiếp thêm nguồn động lực to lớn để các doanh nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn, thi đua làm nên những kỳ tích mới.