Thỏa thuận hạt nhân dân sự Mỹ - Ấn Độ:

Mở đường cho đối tác chiến lược mới

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kết thúc chuyến thăm Ấn Độ ngày 27/1. Trong khuôn khổ chuyến công du kéo dài 3 ngày, ông Obama cùng Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi đã đạt bước đột phá khi khai thông bế tắc trong hợp tác hạt nhân dân sự giữa hai nước 6 năm qua, mở đường cho việc thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài giữa Mỹ - Ấn Độ.

 Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đón Tổng thống Mỹ Barack Obama tại New Delhi. Nguồn: WSJ
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đón Tổng thống Mỹ Barack Obama tại New Delhi. Nguồn: WSJ
Lễ đón tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng Đệ nhất phu nhân Michelle Obama thăm Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh an ninh được thắt chặt tại thủ đô New Delhi, với sự hiện diện của hàng nghìn nhân viên an ninh, trong đó có 1.000 lính bắn tỉa cảnh giới cùng khoảng 15.000 camera giám sát an ninh. Đây là lần thứ hai Obama đến Ấn Độ trên cương vị Tổng thống Mỹ, trong khi trước đó chưa từng có ông chủ Nhà Trắng nào hai lần đến quốc gia Nam Á này khi còn tại nhiệm.

Dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm chuyến thăm lần này của Tổng thống Obama đến Ấn Độ. Việc Tổng thống Obama tham dự các sự kiện kỷ niệm Ngày Cộng hòa của Ấn Độ không giống bất kỳ sự kiện nào mà nhà lãnh đạo này từng tham gia trong các chuyến công du nước ngoài trước đây. Obama đã dành khoảng hai giờ trên khán đài ngoài trời để theo dõi lễ diễu hành đẹp mắt, nhằm phô trương bản sắc văn hóa cũng như tiềm lực quân sự của Ấn Độ. Đây là thời lượng dài bất thường dành cho hoạt động ngoài trời của Tổng thống Mỹ trong các chuyến công tác nước ngoài, xét trong bối cảnh có nhiều lo ngại trong việc bảo đảm an toàn cho Obama.

Lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dành cho Tổng thống Mỹ Obama, với tư cách khách mời đặc biệt, tham dự lễ diễu hành kỷ niệm ngày Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Ấn Độ đã khiến Nhà Trắng bất ngờ. Giới chức Mỹ nhiệt liệt hoan nghênh nỗ lực của ông Modi nhằm củng cố quan hệ với Washington, bất kể rạn nứt cũ trong quan hệ cá nhân giữa nhà lãnh đạo này với Mỹ. Năm 2005, Mỹ từng từ chối cấp thị thực cho ông Modi, sau 3 năm kể từ khi xảy ra cuộc bạo loạn tôn giáo làm ít nhất 1.000 người Hồi giáo thiệt mạng ở bang Gujarat của Ấn Độ, nơi ông Modi làm Thủ hiến bang khi đó.

Thành tựu lớn nhất trong chuyến thăm thứ hai của Tổng thống Mỹ Obama đến ấn Độ là việc Washington - New Delhi đạt thỏa thuận hạt nhân dân sự, phá vỡ thế bế tắc kéo dài 6 năm qua liên quan đến hợp tác song phương trong lĩnh vực này. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Obama tại thủ đô New Delhi ngày 25/1 vừa qua, Thủ tướng Modi cho biết, thỏa thuận hạt nhân dân sự là vấn đề trọng tâm trong hợp tác song phương Mỹ - Ấn Độ. Về phần mình, Tổng thống Obama nhấn mạnh, đây là bước đi quan trọng cho thấy hai bên có thể hợp tác nhằm nâng cao quan hệ song phương. Ông Obama còn cho hay, Washington và New Delhi sẽ thảo luận sâu rộng về việc tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực quan trọng khác như quốc phòng, kinh tế, thương mại và biến đổi khí hậu.

Năm 2008, Ấn Độ và Mỹ đã đạt một thỏa thuận mang tính lịch sử, cho phép quốc gia Nam Á này tiếp cận các công nghệ hạt nhân dân sự. Tuy nhiên, thỏa thuận bị ngưng trệ do sự quan ngại của Mỹ liên quan tới các điều khoản nghiêm ngặt của Ấn Độ quy định các nhà cung cấp thiết bị hạt nhân phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong trường hợp xảy ra sự cố hạt nhân.

Mặc dù còn nhiều cuộc đàm phán tiếp tục diễn ra nhằm hoàn thiện các điều khoản về trách nhiệm sở hữu hạt nhân dân sự của Ấn Độ, song việc khai thông thỏa thuận hạt nhân dân sự là bước khởi đầu thành công cho chuyến công du được kỳ vọng đạt nhiều kết quả đột phá của Tổng thống Obama đến Ấn Độ lần này. 

Bên cạnh thỏa thuận trên, một số kết quả lớn khác đạt được trong chuyến công du là việc hai nước ký kết Hiệp định khung quốc phòng mới 10 năm tới, nhằm thay thế Hiệp định khung hiện hành được ký kết năm 2005; việc hai nhà lãnh đạo Obama và Modi cam kết hợp tác trong vấn đề biến đổi khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu sắp tới, sẽ diễn ra ở Paris, Pháp.

Các nhà phân tích cho rằng, chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Obama lần này đánh dấu bước chuyển lớn trong quan hệ hai nước, khép lại thời kỳ sóng gió trong quan hệ song phương, nhất là sau vụ Mỹ bắt giữ Phó tổng Lãnh sự của Ấn Độ tại Washington Devyani Khobragade, làm nổ ra tranh cãi ngoại giao giữa hai nước vào cuối năm 2013. Tầm quan trọng của chuyến thăm này đã được khẳng định sau khi Thủ tướng Modi đã vượt qua nghi thức ngoại giao, đích thân ra đón và tiễn ông Obama tại sân bay quân sự Palam.

Hiện, Mỹ xem Ấn Độ là thị trường lớn và là đối trọng đầy tiềm năng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc tại châu Á. Ấn Độ còn trở thành nhân tố chủ chốt trong chiến lược quân sự và thương mại của Mỹ. Đối với Ấn Độ, New Delhi muốn xích lại gần hơn với Washington, nhằm tiếp cận dễ dàng hơn các hàng hóa công nghệ cao của Mỹ, phục vụ cho các mục đích dân sự và quân sự. Tháng 9/2014, Tổng thống Obama và Thủ tướng Modi đã thống nhất nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 500 tỷ USD, gấp 5 lần so với hiện nay.