Mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến ứng dụng công nghệ mới nổi tại hệ thống bán lẻ Việt Nam
Trong ngành bán lẻ, sự xuất hiện của các công nghệ mới nổi đang tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp bán lẻ. Để hiểu rõ hơn về tác động của các nhân tố đến việc áp dụng các công nghệ này, một mô hình nghiên cứu mới được đề xuất, bao gồm các nhân tố: công nghệ, tổ chức, môi trường và một nhóm mới là các nhân tố cản trở. Nghiên cứu này kết hợp mô hình chấp nhận công nghệ (TAM), lý thuyết hành vi có kế hoạch (TPB) và mô hình các nhân tố ảnh hưởng (TOE) vào nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến ứng dụng công nghệ mới nổi tại hệ thống bán lẻ Việt Nam. Kết quả nghiên cứu này cung cấp góc nhìn sâu sắc hơn về cách thức giúp các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam có thể tận dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và tăng tính cạnh tranh trong kỷ nguyên số.
Giới thiệu
Ngành bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ với nhiều đổi mới công nghệ, đặc biệt là sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đại dịch đã thúc đẩy quá trình số hóa và làm gia tăng nhu cầu đối với các giải pháp công nghệ mới nổi. Công nghệ mới nổi không chỉ là yếu tố cải thiện hiệu quả quản lý và tối ưu hóa quy trình kinh doanh mà còn là điều kiện cần để tồn tại và phát triển trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt (Sapo, 2023).
Sự đa dạng của hệ thống bán lẻ tại Việt Nam từ chợ truyền thống đến các nền tảng bán lẻ trực tuyến cho thấy, nhu cầu phát triển và áp dụng công nghệ mới là vô cùng cấp bách. Để các doanh nghiệp có thể chủ động áp dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, cần có sự hiểu biết sâu rộng về các yếu tố tác động đến quyết định này, bao gồm cả mặt lợi ích và thách thức mà công nghệ mang lại. Bài viết này hướng tới mục đích tổng hợp các nhân tố ảnh hưởng đến việc ứng dụng công nghệ mới nổi vào hệ thống bán lẻ từ các nghiên cứu trước đây, từ đó, đề xuất khung phân tích cho vấn đề nghiên cứu trong bối cảnh Việt Nam.
Cơ sở lý thuyết
Công nghệ mới nổi
Công nghệ mới nổi được định nghĩa là một công nghệ mới và phát triển tương đối nhanh được đặc trưng bởi một mức độ mạch lạc nhất định tồn tại theo thời gian và có khả năng tạo ra tác động đáng kể đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Các công nghệ mới nổi, thường được gọi là công nghệ đột phá, liên quan đến việc phát triển công nghệ mới hoặc cải tiến đáng kể so với công nghệ hiện có (Ghauri và cộng sự., 2021) và do đó, tạo ra những cơ hội và thách thức cho cả doanh nghiệp và xã hội nói chung. Trong bối cảnh doanh nghiệp bán lẻ, mối quan tâm sâu sắc đến các công nghệ mới nổi như: thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo (AI), học máy, chuỗi khối, đám mây, internet vạn vật (IoT) và các tiến bộ công nghệ khác thường xuất phát từ mong muốn có được lợi thế cạnh tranh (Mirzaei Abbasabadi, Soleimani, 2021; Rangarajan và cộng sự., 2021).
Hệ thống bán lẻ
Hệ thống bán lẻ được hiểu là một mạng lưới các hoạt động và quá trình kinh doanh bao gồm việc bán hàng hóa và dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng cuối cùng cho mục đích cá nhân. Hệ thống này không chỉ gồm các nhà bán lẻ mà còn bao gồm cả các nhà cung cấp, nhà phân phối và công nghệ hỗ trợ, nhằm tối ưu hóa hiệu quả từ việc sản xuất đến tiêu dùng (Levy, Weitz, 2021).
Hệ thống bán lẻ đóng một vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng hàng hóa vì nó trực tiếp quyết định điểm cuối cùng mà hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Nó không chỉ ảnh hưởng đến luồng phân phối sản phẩm mà còn đến chiến lược giá, quảng cáo, và trải nghiệm khách hàng. Sự hiệu quả của hệ thống bán lẻ có thể giúp giảm thiểu chi phí lưu thông, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của người tiêu dùng (Berman, Evans, 2020).
Đề xuất mô hình nghiên cứu
Cơ sở đề xuất lý thuyết nền tảng cho nghiên cứu
Các nghiên cứu về việc ứng dụng công nghệ đã áp dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau, từ việc sử dụng trực tiếp các lý thuyết có sẵn như: Mô hình chấp nhận công nghệ (TAM), Lý thuyết khuếch tán đổi mới (DOI), Mô hình các nhân tố ảnh hưởng (TOE) và Lý thuyết thống nhất về chấp nhận và sử dụng công nghệ (UTAUT) đến việc kết hợp và mở rộng các mô hình này như: TOE với UTAUT, TOE với Lý thuyết hành vi có kế hoạch (TPB), TOE với DOI và TOE với TAM, DOI. Việc áp dụng công nghệ được mô tả theo nhiều cách khác nhau, với hầu hết các nghiên cứu tập trung vào phân tích mối quan hệ giữa các yếu tố ảnh hưởng đến việc áp dụng công nghệ, như ý định sử dụng công nghệ hay việc chấp nhận và sử dụng công nghệ.
Trong quá trình nghiên cứu các lý thuyết về chấp nhận công nghệ, tác giả nhận thấy TOE có những ưu điểm vượt trội so với các mô hình khác do tích hợp các yếu tố cần thiết từ các mô hình trước đó. Mô hình TOE được hỗ trợ mạnh mẽ bởi các nghiên cứu đa dạng để hiểu sự hình thành của việc áp dụng đối với nhiều đổi mới ở cấp độ công ty (Tornatzky, Fleischer, 1990). Mô hình TAM đề xuất tính hữu ích nhận thức (PU) và nhận thức dễ sử dụng (PEOU) là các yếu tố quyết định cơ bản của việc áp dụng công nghệ. Ý định sử dụng một ứng dụng của một cá nhân được giải thích và dự đoán bởi nhận thức của họ về tính hữu ích của công nghệ và tính đơn giản của nó.
Việc ứng dụng công nghệ mới trong một tổ chức là một quyết định quan trọng có sự tham gia của nhiều đối tượng, do đó, sẽ có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng trong mô hình nghiên cứu và việc lựa chọn mô hình thích hợp là hết sức cần thiết. Hình 2, mô hình nghiên cứu tác giả đề xuất dựa trên cơ sở tích hợp các cấu trúc của TAM và TPB vào TOE và thêm các yếu tố cản trở, trong đó, nhân tố lợi ích nhận thức (PB) được thay thế cho PU và lợi thế tương đối (RA) được thay thế cho PEOU (Awa và cộng sự., 2015a) của TAM trong TOE và nhân tố sự sẵn sàng của tổ chức (OR) sẽ được thay thế cho chuẩn mực chủ quan và kiểm soát hành vi nhận thức (PBC) để giải thích nhận thức về sự dễ dàng hoặc khó khăn khi thực hiện một hành động do những hạn chế về nguồn lực (Awa và cộng siwj., 2015a).
Mô hình và giả thuyết về nhân tố ảnh hưởng đến ứng dụng công nghệ mới nổi tại hệ thống bán lẻ Việt Nam
Hình 2: Mô hình nhân tố ảnh hưởng đến ứng dụng công nghệ tại hệ thống bán lẻ
Khung nghiên cứu được đề xuất từ việc kế thừa và phát triển mô hình lý thuyết nền dùng trong ứng dụng công nghệ trên cơ sở tích hợp 03 mô hình TOE, TAM và TPB. Trong quá trình tổng quan nghiên cứu và nghiên cứu sâu hơn về các thang đo nghiên cứu, tác giả nhận thấy có nhiều nhân tố của mô hình TAM có cùng ý nghĩa với những biến trong mô hình TOE, do vậy, những nhân tố phản ánh tương tự bản chất được tác giả loại bỏ hoặc thay thế để tránh hiện tượng tự tương quan khi tiến hành khảo sát và chạy kiểm định.
Do vậy, mô hình nghiên cứu được đề xuất bao gồm 4 nhóm nhân tố với các biến độc lập gồm 9 biến trích xuất từ mô hình TOE (đối chiếu với TAM), 3 biến thuộc nhóm nhân tố cản trở (nhóm yếu tố mới đề xuất của tác giả) và 1 biến trung gian được trích xuất từ mô hình TBP (ý định ứng dụng). Biến phụ thuộc là quyết định ứng dụng công nghệ mới nổi tại hệ thống bán lẻ. Mô hình nghiên cứu được đề xuất bao gồm: 4 nhóm biến độc lập, 1 biến trung gian và 1 biến phụ thuộc (Hình 2).
- Lợi ích nhận thức (PB): Các nhà nghiên cứu đã xác định rằng việc ứng dụng công nghệ trong quản lý chuỗi cung ứng (SC) tại hệ thống bán lẻ mang lại nhiều lợi ích, bao gồm khả năng chia sẻ thông tin nhanh chóng, giảm chi phí và cải thiện khả năng theo dõi và truy xuất sản phẩm. Điều này không chỉ đơn giản hóa các quy trình mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động (R. Roy, Babakerkhell và cộng sự., 2022).
Giả thuyết 1: Lợi ích nhận thức có tác động tích cực đến ý định ứng dụng công nghệ.
- Chi phí (C): Chi phí liên quan đến việc áp dụng công nghệ mới nổi bao gồm nhiều khoản phát sinh trong quá trình triển khai như cập nhật hệ thống công nghệ, đào tạo nhân viên và mua sắm thiết bị cùng phần mềm mới (Clohessy và cộng sự., 2018). Tuy nhiên, đối với nhiều công ty đã áp dụng công nghệ từ trước đó cho rằng, việc nâng cấp lên công nghệ mới nổi tích hợp như Blockchain, BDA… có thể mang lại lợi ích tài chính nhờ vào việc giảm chi phí cần thiết cho các bước nâng cấp công nghệ, do đã có sẵn cơ sở hạ tầng tương thích (R. Roy, Chekuri và cộng sự., 2022).
Giả thuyết 2: Chi phí có tác động tích cực đến ý định ứng dụng công nghệ.
- Lợi thế tương đối (RA): Trong ứng dụng công nghệ, lợi thế tương đối được hiểu là mức độ mà một đổi mới được cảm nhận là tốt hơn so với các phương án thay thế mà nó thay thế, trong bối cảnh của các tổ chức sử dụng nó (Mukherjee và cộng sự., 2021). RA được đánh giá qua các yếu tố như tiết kiệm thời gian, công sức, tăng lợi nhuận, giảm chi phí và cải thiện năng suất. Trong nhiều nghiên cứu, việc áp dụng công nghệ mới nổi được xem là cải thiện hiệu suất của các chuyên gia trong hệ thống bán lẻ, mang lại tính minh bạch và hiệu quả cho hệ thống hiện hữu (Mendling và cộng sự., 2018).
Giả thuyết 3: Lợi thế tương đối có tác động tích cực đến ý định ứng dụng công nghệ.
- Hỗ trợ từ nhà quản lý (TMS): Hỗ trợ từ nhà quản lý là một nhân tố quan trọng quyết định việc một công nghệ mới nổi có được áp dụng thành công hay không, phản ánh mức độ hiểu biết và nắm bắt của các nhà quản lý cấp cao về khả năng công nghệ của đổi mới đó (Maroufkhani và cộng sự., 2022). Sự hỗ trợ này không chỉ liên quan đến việc hiểu các khía cạnh kỹ thuật, mà còn bao gồm việc thiết lập một môi trường khả thi để đổi mới có thể được triển khai hiệu quả (Abbasi và cộng sự., 2022).
Giả thuyết 4: Hỗ trợ từ nhà quản lý có tác động tích cực đến ý định ứng dụng công nghệ.
- Sự sẵn sàng của tổ chức (OR): OR đánh giá liệu một tổ chức có đủ nguồn lực tài chính, kiến thức kỹ thuật và sự hỗ trợ từ quản lý cấp cao để đầu tư vào và triển khai thành công các công nghệ đổi mới hay không (Tashkandi, Al-Jabri, 2015). Một tổ chức chỉ có thể áp dụng thành công công nghệ mới khi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt tài chính, nguồn nhân lực và chiến lược.
Giả thuyết 5: Sẵn sàng của tổ chức có tác động tích cực đến ý định ứng dụng công nghệ.
- Kiến thức công nghệ (TK): Trong hệ thống bán lẻ, TK được định nghĩa là trải nghiệm và hiểu biết của nhân viên trong việc áp dụng công nghệ mới tại các tổ chức (Kamble và cộng sự., 2018). Kiến thức công nghệ có vai trò chính yếu trong việc triển khai thành công các công nghệ mới, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thích ứng và hiệu suất sử dụng công nghệ trong tổ chức (Chiu và cộng sự., 2017).
Giả thuyết 6: Kiến thức công nghệ có tác động tích cực đến ý định ứng dụng công nghệ.
- Áp lực cạnh tranh (CP): Trong hệ thống bán lẻ, CP trong ngành là một yếu tố quan trọng thúc đẩy các công ty tìm kiếm đổi mới để giành lợi thế và đối phó với sự cạnh tranh gia tăng (Oliveira và cộng sự., 2014). Khi các doanh nghiệp phát hiện sự gia tăng cạnh tranh trong ngành, họ sẽ cố gắng đầu tư vào đổi mới như một phản ứng đương nhiên. Với việc áp dụng công nghệ mới nổi trong bán lẻ, các doanh nghiệp hưởng lợi từ hiệu quả hoạt động cao hơn, giảm chi phí hơn, giao tiếp với khách hàng tốt hơn, tiếp cận thông tin dễ dàng hơn và tạo mô hình kinh doanh hiệu quả (Reinartz, Kumar, 2012).
Giả thuyết 7: Áp lực cạnh tranh có tác động tích cực đến ý định ứng dụng công nghệ.
- Môi trường pháp lý (RE): Đối với hệ thống bán lẻ, RE bao gồm các chính sách, quy định và luật pháp mà các tổ chức phải tuân theo khi áp dụng các công nghệ mới. Các quy định có thể khác nhau tùy theo quốc gia hoặc thị trường, ảnh hưởng đến cách thức các công nghệ mới được triển khai và sử dụng trong mỗi khu vực (Kevin và cộng sự., 2006).
Giả thuyết 8: Môi trường pháp lý có tác động tích cực đến ý định ứng dụng công nghệ.
- Hỗ trợ từ chính phủ (GS): Đối với hệ thống bán lẻ các nước, hỗ trợ của chính phủ (GS) được xem là yếu tố then chốt cho các doanh nghiệp trong việc áp dụng các công nghệ mới nổi. Oliveira và cộng sự (2014) nhấn mạnh rằng, sự hỗ trợ từ chính phủ có thể bao gồm các ưu đãi như giảm thuế, cung cấp hướng dẫn thực tiễn và tư vấn trong quá trình triển khai công nghệ mới.
Giả thuyết 9: Hỗ trợ từ chính phủ có tác động tích cực đến ý định ứng dụng công nghệ.
- Bảo mật và quyền riêng tư (SAP): Trong mối quan hệ với khách hàng, các thách thức về quyền riêng tư thường xuyên nổi lên, buộc các nhà bán lẻ phải cẩn thận tuân thủ luật pháp và đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong việc sử dụng dữ liệu cá nhân. Sự phát triển của thương mại điện tử và mạng xã hội đã tạo ra lượng lớn dữ liệu, mở ra cơ hội để phân tích xu hướng thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều hạn chế về cách thu thập, lưu trữ và chia sẻ thông tin nhạy cảm (de Vass và cộng sự., 2021; Liu, Shi, 2015). Đồng thời, việc bảo mật thông tin trong các mối quan hệ B2B và B2C cũng cần được chú trọng, đòi hỏi việc tăng cường các biện pháp an ninh mạng để quản lý thông tin một cách hiệu quả (Elnaim, 2019).
Giả thuyết 10: Bảo mật và quyền riêng tư có tác động tích cực đến ứng dụng công nghệ.
- Năng lực ứng dụng công nghệ (TAC): Trong bối cảnh của công nghiệp 4.0, việc áp dụng các công nghệ mới tại các công ty bán lẻ đòi hỏi sự thay đổi lớn và đào tạo kỹ lưỡng cho nhân viên ở mọi cấp độ (Sun, Zhao, 2017). Đào tạo này không chỉ dành cho nhân viên mà còn cho cả khách hàng, giúp họ nhận thức được giá trị mới mà nhà bán lẻ cung cấp, từ đó tăng cường sự chấp nhận của họ đối với những thay đổi và cải tiến trong dịch vụ (Novotny và cộng sự, 2015).
Giả thuyết 11: Năng lực ứng dụng công nghệ có tác động tích cực đến ứng dụng công nghệ.
- Tích hợp công nghệ (TI): Sự tích hợp và tương tác của công nghệ trong bán lẻ đang trở thành một thách thức lớn cả từ quan điểm của khách hàng lẫn các nhà bán lẻ và tổ chức của họ. Việc áp dụng các công nghệ như dữ liệu lớn trong kết hợp với chiến lược kinh doanh được nhấn mạnh như một yếu tố then chốt để hỗ trợ quyết định hiệu quả và thiết kế rõ ràng (Aversa et al., 2021).
Giả thuyết 12: Tích hợp công nghệ có tác động tích cực đến ứng dụng công nghệ.
- Ý định ứng dụng công nghệ (I): Ý định áp dụng là một khái niệm quan trọng, mô tả nhận thức của các công ty về việc họ có ý định sử dụng một đổi mới hay không. Điều này được xem là động lực thiết yếu cho việc sử dụng đổi mới trong thực tế. Nghiên cứu cho thấy ý định áp dụng công nghệ có thể có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hành vi thực tế của các tổ chức, trong việc triển khai các đổi mới khác nhau.
Giả thuyết 13: Ý định ứng dụng công nghệ có tác động tích cực đến ứng dụng công nghệ.
Kết luận
Trên cơ sở tổng quan tài liệu nghiên cứu và phân tích các mô hình liên quan đến ứng dụng công nghệ mới nổi tại hệ thống bán lẻ, bài viết này đã phát triển một khung lý thuyết để đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến việc hệ thống bán lẻ tại Việt Nam chấp nhận ứng dụng công nghệ mới nổi. Trong khuôn khổ nghiên cứu, bài viết đã đóng góp vào việc xây dựng 4 nhóm thang đo để đánh giá các nhân tố ảnh hưởng này, bao gồm: bối cảnh công nghệ, bối cảnh tổ chức, bối cảnh môi trường và các nhóm nhân tố cản trở. Đây là những đóng góp quan trọng giữa bối cảnh các ứng dụng công nghệ mới nổi đang liên tục phát triển và ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động tại hệ thống bán lẻ Việt Nam và là cơ sở quan trọng để đề xuất các giải pháp và quản lý khi triển khai ứng dụng các công nghệ mới nổi tại hệ thống bán lẻ Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
- Abbasi, G., Abdul Rahim, N., Wu, H., Iranmanesh, M., Keong, B. (2022), Determinants of SME’s Social Media Marketing Adoption: Competitive Industry as a Moderator. SAGE Open, January-March, 1–19;
- Baral, M., Chittipaka, Dr. V., Pal, D.-S., Mukherjee, S., Shyam, dr. hari shankar, Manish, ©, Baral, M., Shankar, H. (2023), Investigating the factors of blockchain technology influencing food retail supply chain management: A study using TOE framework. Statistics in Transition New Series, 24, 129–146;
- Berman, B., Evans, J. R. (2020), Retail Management: A Strategic Approach (13th ed.). Pearson Education Canada;
- Bhattacharjya, J., Ellison, A., Tripathi, S. (2016), An exploration of logistics-related customer service provision on Twitter: The case of e-retailers. International Journal of Physical Distribution & Logistics Management, 46, 659–680;
- Chiu, C.-Y., Chen, S., Chen, C.-L. (2017), An integrated perspective of TOE framework and innovation diffusion in broadband mobile applications adoption by enterprises. https://www.semanticscholar.org/paper/An-integrated-perspective-of-TOE-framework-and-in-Chiu-Chen/09303922240862e00d7d99dfc96d7d7f2eab2c4c;
- Chukwuma, O. I. (2023, April), Doctoral thesis_investigating the challenges in the implementation of big data analytics solutions to influence the retail business models_osita Ikenna Chukwuma_2023.pdf. https://typeset.io/library/notebooks-dg7ei6oq/doctoral-thesis-investigating-the-challenges-in-the-20kv4uh2.