Mô hình tăng trưởng đang đi đúng hướng
Những kết quả gần đây về tăng trưởng cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng. Tuy nhiên cần phải quyết tâm cải cách mạnh mẽ hơn nữa, để có thể tạo ra một giai đoạn tăng trưởng mới, nhanh hơn và bền vững hơn.
Báo cáo của Chính phủ về kết quả 3 năm (2013-2015) triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh đã nhận định như vậy.
Theo đó, Chính phủ vẫn tiếp tục kiên trì thực hiện chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa thận trọng, linh hoạt và hiệu quả; nhờ đó, kinh tế vĩ mô ổn định và tiếp tục được củng cố vững chắc hơn. Về cơ bản, đã hạn chế và ngăn chặn được mô hình tăng trưởng thiên về chiều rộng, tăng trưởng do gia tăng số lượng đầu tư và số lượng tín dụng. Những giải pháp cơ cấu lại tín dụng theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả tín dụng đã trở nên rõ nét.
Chính phủ nhận định: Nhờ kiên trì thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời từng bước khắc phục những khiếm khuyết của hệ thống tài chính, ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước mà nền kinh tế dần đi vào ổn định, đà tăng trưởng dần được phục hồi.
Tốc độ tăng trưởng GDP xuống mức thấp nhất ở mức 5,2% vào năm 2012 và dần phục hồi trong năm 2013 và 2014 với tốc độ tăng trưởng lần lượt là 5,42% và 5,98%. Dự báo năm 2015 tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt 6,5%. Đây là dấu hiệu tích cực của sự hồi phục đà tăng trưởng của nền kinh tế. Quá trình suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế đã được chặn đứng và đổi chiều. Những chỉ dấu này cho thấy quá trình điều chỉnh cơ cấu kinh tế ở nước ta mặc dù còn nhiều điều bất cập nhưng đang đi đúng hướng và đã có những kết quả đáng khích lệ.
Gần đây Ngân hàng Thế giới đã dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2015 ít nhất đạt khoảng 6,0% - 6,2%, điều chỉnh tăng thêm 0,6 điểm phần trăm so với dự báo của chính tổ chức này vào tháng 1/2015.
Tương tự Ngân hàng phát triển ADB vào tháng 9 đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2015 đạt khoảng 6,5% điều chỉnh tăng thêm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo vào tháng 1/2015. Sự tăng tốc trong tăng trưởng kinh tế trong hai năm gần đây đều vượt dự báo của Ngân hàng Thế giới, điều này cho thấy các điều kiện thị trường đang phản ứng tích cực hơn dự kiến.
Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 dự kiến chỉ đạt khoảng 5,8%, thấp hơn rất nhiều tốc độ tăng trưởng bình quân 7,5% của giai đoạn 1990-2010. Điều này cho thấy, cần phải quyết tâm cải cách mạnh mẽ hơn nữa, xóa bỏ những yếu kém đã được nhận diện rõ ràng trong thời kỳ điều chỉnh vừa qua để có thể tạo ra một giai đoạn tăng trưởng mới, nhanh hơn và bền vững hơn.
Báo cáo gửi đến Quốc hội vào đầu kỳ họp của Chính phủ cho thấy: Tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng tăng nhanh sau từng Quý. GDP Quý I tăng 6,12%, Quý II tăng 6,47% và Quý III tăng 6,81%, cao hơn mức tăng cùng kỳ 4 năm trước (Quý III/2011: 6,21%; Quý III/2012: 5,39%; Quý III/2013: 5,54%; Quý III/2014: 6,07%). Dự báo cả năm tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 6,5% là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua.
Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm vẫn đạt mức 6,5% (so với cùng kỳ 2014). Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vẫn giữ nguyên dự báo từ đầu năm về mức tăng trưởng GDP 6,5% của năm 2015. Theo cơ quan này, động lực chính cho tăng trưởng là ngành công nghiệp và xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Tăng trưởng (GDP) khu vực công nghiệp và xây dựng 9 tháng đầu năm 2015 ở mức 9,57%, cao gần gấp đôi mức tăng của cùng kì 2014 (5,75%); trong khi, tăng trưởng của khu vực dịch vụ hầu như không tăng và của khu vực nông-lâm-ngư nghiệp giảm so với cùng kì 2014 (giảm từ 2,94% xuống 2,08%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 10 tháng đầu năm 2015 tăng 9,7%, cao hơn nhiều so với mức 6,9% của cùng kỳ năm 2014; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10% (so với mức 8,4% của cùng kì 2014). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng loại bỏ yếu tố mùa vụ có xu hướng chậm lại, tháng 9, chỉ số PMI lần đầu tiên giảm dưới 50 điểm (49,5 điểm) sau 25 tháng liên tiếp duy trì mức điểm trên 50. Cầu của các nước trong khu vực còn yếu phần nào tác động tới tình trạng sản xuất trong nước, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm tháng thứ 4 liên tiếp.
Trong báo cáo mới đây, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia nhận định, tháng 10, xuất khẩu tăng trưởng khá. Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2015 tăng 8,5% so với cùng kỳ 2014, cao hơn nhiều mức tăng xuất khẩu ước tính cho năm 2015 của thế giới (5,1%) cũng như của ASEAN-5 (8,0%) và Trung Quốc (6,8%). Tuy nhiên, xuất khẩu tăng trưởng khá là nhờ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài khi xuất khẩu của khu vực trong nước 10 tháng đầu năm 2015 giảm 3,3% so với (cùng kì 2014, cùng kì 2014 tăng 12,9%). Tính chung 10 tháng, tỷ lệ nhập siêu/tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ở mức 3,1%, tỷ lệ này có xu hướng giảm dần so với các tháng trước đó và thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra của Quốc hội là 5%.
Tin vui là tình hình doanh nghiệp tiếp tục cải thiện. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng đầu năm 2015 tăng 29,2% về lượng và 37,9% về vốn (so với cùng kỳ 2014). Trong khi đó, số doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2014. Đầu tư tư nhân/GDP 9 tháng đầu năm 2015 ở mức 12,1%, cao hơn mức 11,8% cùng kì 2014.
Nhận định về hoạt động phát triển doanh nghiệp 9 tháng đầu năm, Chính phủ cho rằng, đã có những dấu hiệu tích cực, nhất là trong Quý III khi Luật Doanh nghiệp bắt đầu có hiệu lực (01/7/2015), số doanh nghiệp và số vốn đăng ký thành lập mới tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: số doanh nghiệp thành lập mới tăng 44,5% và số vốn đăng ký tăng 54,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 17,8% về số doanh nghiệp thành lập mới và tăng 1,9% về số vốn đăng ký).
GDP năm 2015 cao nhất trong 5 năm qua
Tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra (6,2%); bình quân 5 năm đạt khoảng 5,9%/năm, trong đó công nghiệp, xây dựng tăng 6,74%/năm, nông lâm thủy sản tăng 3,01%/năm, dịch vụ tăng 6,31%/năm. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng; GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD, bình quân đầu người 2.228 USD (tính theo sức mua ngang giá là trên 5.600 USD).
(Trích Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 5 năm (2011-2015) của Chính phủ)