Tháng 10: Nhiều tín hiệu tích cực về cải cách kinh tế
Tháng 10 là tháng đầy ắp các tin tức tốt về những tiến bộ trong tự do hóa thương mại, cải tổ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và lập kế hoạch ngân sách. Trọng tâm sự chú ý hiện nay đều dồn vào các cuộc cải cách của nền kinh tế.
Đây là đánh giá từ Báo cáo về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10 vừa được ngân hàng HSBC công bố.
Theo báo cáo, trong khi nền kinh tế tiếp tục hoạt động mạnh, mối quan tâm hiện nay đang chuyển sang các hoạt động cải cách với ba điểm nhấn là: Hiệp định TPP vừa được ký kết; Chính phủ thông báo kế hoạch thoái vốn ở một số DNNN lớn; Bộ Tài chính có thể lấy lại sự linh động trong phát hành trái phiếu.
Cải cách DNNN: Tập trung vào chất lượng là hướng đi đúng
Việc Việt Nam và 11 nước khác thông qua Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một dấu ấn quan trọng. Việt Nam có khả năng sẽ gặt hái lợi ích thương mại đáng kể nhờ việc cắt giảm thuế và việc tiếp cận các thị trường lớn, đặc biệt là Mỹ. Thêm nữa, các thành viên trong TPP đã tăng sức hấp dẫn của Việt Nam như là một trung tâm sản xuất, thúc đẩy hoạt động đầu tư của nước ngoài.
Dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam đã tăng trong vài năm qua nhằm đón đầu Hiệp định TPP và các hiệp định thương mại tự do khác. Các nhà phân tích của HSBC kỳ vọng đến năm 2020, Việt Nam sẽ giải ngân vượt mức 20 tỷ USD nguồn vốn FDI.Quan trọng nhất là Hiệp định TPP mang ý nghĩa thỏa thuận hỗ trợ các hoạt động cải cách cần thiết trong nước, đặc biệt là đối với các DNNN.
Hiện tại, Chính phủ đang chịu nhiều áp lực để đẩy mạnh quá trình cải cách các DNNN để hoàn tất Hiệp định TPP. Tuy nhiên, “trong khi quá trình cổ phần hóa DNNN đang được thực hiện chậm hơn kế hoạch, chúng tôi nghĩ rằng thật sai lầm khi tập trung vào số lượng”, báo cáo của HSBC viết. Thay vào đó, thử nghiệm thực tế là Chính phủ sẵn sàng tư nhân hóa ở mức độ như thế nào và cho phép sở hữu nước ngoài đến đâu.
Một bước tiến mới đã được thực hiện khi ngày 14/10, Chính phủ thông báo sẽ thực hiện việc thoái vốn Nhà nước tại 10 DNNN, bao gồm các DN đã niêm yết như Vinamilk và FPT. Mặc dù thời hạn cho việc thoái vốn chưa rõ, nhưng HSBC cho rằng “việc tập trung nỗ lực cải tổ DNNN chú trọng chất lượng hơn số lượng là một bước đi đúng hướng”.
Ngân hàng Nhà nước có thể tăng lãi suất vào quý 3/2016
Đánh giá về tình hình lạm phát, lãi suất trong thời gian tới, HSBC cho rằng mặc dù lạm phát hiện ở mức thấp, lạm phát toàn phần tháng 10 không thay đổi (0%) so với cùng kỳ, nhưng lo ngại về giảm phát “đang bị thổi phồng”.
Nguyên nhân chính của lạm phát chậm lại là do giá năng lượng giảm, và giá thực phẩm cũng chỉ tăng nhẹ 0,8% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, HSBC dự đoán lạm phát sẽ quay đầu trong những tháng tới và sẽ tăng trở lại ở mức 3,3% vào cuối nửa đầu năm 2016 so với cùng kỳ. Ví dụ, giá vận chuyển sẽ không còn giảm thêm trong năm sau, ngay cả khi giá dầu thô toàn cầu giữ nguyên.
Ngoài ra, với hiện tượngEl Nino gây khô hạn khắp miền Trung, giá thực phẩm có khả năng tăng chứ không giảm. Trong bối cảnh tăng trưởng mạnh mẽ hơn và tiền lương có thể tăng sẽ là áp lực với lạm phát cơ bản vào năm 2016.
Tin tốt lành là với giá dầu còn yếu, nhu cầu nội địa vẫn được lạm phát thấp hỗ trợ tốt. Các hoạt động trong nước cũng được thúc đẩy do sự phục hồi ổn định của tăng trưởng tín dụng. Dự kiến, tăng trưởng tín dụng đạt mức 17% trong năm 2015 (so với mức 14,2% trong năm 2014) khi các ngân hàng tăng hoạt động cho vay những tháng cuối năm.
Cho đến thời điểm này, lạm phát thấp và triển vọng thuận lợi đối với giá cả năng lượng toàn cầu sẽ cho phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ lãi suất ổn định. Nhưng một khi áp lực giá cả tăng lên trong năm tới, nhiều khả năng NHNN sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% trong quý III/2016, đưa mức lãi suất thị trường mở từ 5% hiện nay lên 5,5%./.