Mỗi cán bộ thuế phải quản lý đến 300 người nợ thuế
Tại các thành phố lớn, bình quân một cán bộ làm công tác quản lý nợ phải quản lý khoảng 200 - 300 người nợ thuế khiến cho áp lực công việc rất lớn, trong khi nguồn nhân lực lại hạn chế. Đây là một trong những khó khăn của công tác thu hồi nợ thuế.
Thông tin trên được ông Đoàn Xuân Toản - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) cho biết về những khó khăn trong công tác thu hồi nợ thuế.
Theo ông Toản, công tác thu hồi nợ thuế thời gian qua mặc dù được các cục thuế chú trọng, số nợ thuế có khả năng thu giảm so với cùng kỳ, xong công tác này vẫn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu cán bộ. Tại những thành phố lớn, mỗi cán bộ thuế phải quản lý từ 200 đến 300 người nợ thuế.
Ngoài việc thiếu cán bộ, một khó khăn nữa trong công tác thu hồi nợ thuế, đó là trình độ, năng lực giữa các công chức không đồng đều. Nhiều nơi, bộ phận quản lý nợ tập trung những công chức lớn tuổi, có công chức chuẩn bị nghỉ chế độ.
Một số chi cục thuế không có bộ phận quản lý nợ riêng (quản lý nợ thuộc đội kiểm tra thuế hoặc đội kê khai), dẫn đến việc hướng dẫn, đào tạo và chỉ đạo công tác quản lý nợ gặp không ít khó khăn, đặc biệt là việc tiếp cận và sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác chuyên môn.
Ngoài nguyên nhân chủ quan trên, thực tế cho thấy một bộ phận người nộp thuế chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về thuế, chây ỳ, không nộp thuế đúng hạn, nợ thuế kéo dài, cơ quan thuế xử phạt, tính tiền chậm nộp dẫn đến khoản tiền phạt chậm nộp tăng lên.
Một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh thua lỗ đã tự giải thể, bỏ khỏi địa chỉ sản xuất, kinh doanh, còn nợ thuế, không làm thủ tục khai báo lại cho cơ quan thuế, thông báo nợ thuế không gửi đến được với người nộp thuế thường bị trả lại cơ quan thuế gây khó khăn cho công tác đôn đốc nộp thuế. Thực tế này đã gặp phải ở không ít địa phương, khiến cho cơ quan thuế, đặc biệt là những cán bộ làm công tác thu hồi nợ phải bó tay, ngao ngán.
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Trưởng phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Cục Thuế tỉnh Quảng Nam) cho biết, khi tiến hành xác minh những DN nợ thuế, thì nhiều DN không tồn tại theo địa chỉ kinh doanh. Vì thế cơ quan thuế không thể tiếp cận được với DN, không thể thực hiện các biện pháp thông báo cũng như cưỡng chế để thu hồi nợ thuế.
“Qua xác minh, nhiều DN không còn tồn tại theo địa chỉ đăng ký kinh doanh, hoặc tài sản DN vẫn có tại địa chỉ đăng ký, nhưng cơ quan thuế không thể tiếp cận được với chủ DN. Vì thế cơ quan thuế không thể gửi thông báo nợ thuế cũng như thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định”, ông Sơn cho biết.