Môi giới bất động sản: Đừng đẩy thị trường 4.0 về 0.4
Theo góc nhìn của chuyên gia, phần lớn nhân viên môi giới bất động sản tại Việt Nam chưa chuyên nghiệp, thiếu hiểu biết về thị trường bất động sản và kiến thức pháp luật.
Làm môi giới dễ như... trở bàn tay?
Tại Hội thảo “Nhận diện nghề môi giới bất động sản” diễn ra mới đây, hầu hết các đại biểu đều thừa nhận vai trò quan trọng của nghề môi giới, bên cạnh việc giúp thị trường vận động linh hoạt hơn thì môi giới còn là cầu nối giữa người mua và người bán.
Theo thống kê, hiện trên cả nước có khoảng 33.000 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và khoảng 80% bất động sản giao dịch thành công thông qua môi giới.
Có thể thấy nhóm này đã góp phần không nhỏ trong việc giải phóng một lượng lớn bất động sản tồn kho trong giai đoạn 2014 - 2018, thúc đẩy nhanh quá trình “phá băng” bất động sản của giai đoạn 2009 - 2014, giúp thị trường phát triển ổn định và lành mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Trần Minh Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam: "Nhìn chung môi giới bất động sản ở Việt Nam có trình độ ở mức thấp, thiếu chuyên nghiệp và còn thiếu quan tâm đến các quy định của pháp luật".
Một trong những nguyên nhân được vị này đề cập tới là do hoạt động đào tạo, bài bản chuyên sâu cho người hành nghề chưa thực sự được quan tâm ở Việt Nam.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Đức Lập, Viện nghiên cứu và đào tạo Bất động sản Đà Nẵng cho rằng hiện đang chưa có một giáo trình hoàn chỉnh cho công tác đào tạo chứng chỉ hành nghề.
Sự thiếu bài bản, thiếu một quy trình cụ thể đã khiến thị trường môi giới bất động sản trở nên "nhộm nhoạm" và khó kiểm soát khi mà ai cũng có thể trở thành chuyên gia về môi giới, ai cũng có thể làm sale bất động sản.
Các điều kiện để được cấp chứng chỉ môi giới bất động sản được đánh giá là còn đơn giản, lỏng lẻo.
Để tìm kiếm các thông tin về môi giới bất động sản, chỉ bằng 1 cú click đã cho ra hơn 90 triệu kết quả trong vòng 0,7s với những bí quyết kiếm hàng tỷ đồng bằng nghề môi giới, các địa chỉ, đơn vị tự nhận mình là "môi giới bất động sản uy tín"...
Hay khi tìm kiếm thông tin về chứng chỉ bất động sản, kết quả đem lại cũng rất khả quan với danh sách dài những cơ sở tổ chức thi và cấp chứng chỉ cho người có nhu cầu với giá từ 1 đến vài triệu đồng.
Vậy để thấy trở thành một nhân viên môi giới bất động sản không hề khó, đặc biệt là trong giai đoạn thị trường đang vận động mạnh mẽ, các dự án mới, các dự án đang triển khai còn rất nhiều và nhu cầu bán cao, các sàn môi giới, chủ đầu tư liên tục tuyển dụng nhân viên môi giới.
Chỉ cần đảm bảo các điều kiện: Có hành vi năng lực dân sự đầy đủ, tốt nghiệp THPT trở lên và đã nộp hồ sơ cũng như phí dự thi, vậy là bạn đã cầm chắc trong tay 80% chứng chỉ môi giới bất động sản, còn gì đơn giản hơn?
Đừng đẩy thị trường 4.0 về 0.4
Có một thực tế không thể chối bỏ là hiện các Sàn giao dịch bất động sản khi tuyển nhân viên môi giới đều không đòi hỏi bằng cấp chuyên môn liên quan đến kỹ năng nghề nghiệp mà lại chú trọng đến kinh nghiệm bán hàng, nhiều đơn vị thậm chí không yêu cầu các kinh nghiệm, kiến thức về bất động sản mà chỉ cần "đam mê làm giàu, dám thử, dám đánh đổi"...
Chính vì vậy, đa phần nhân viên môi giới hiện đang thiếu những kiến thức cơ bản của một môi giới bất động sản chuyên nghiệp như: Pháp luật, hợp đồng, trách nhiệm của người đại diện…
Nếu như lời hứa của doanh nghiệp là sẽ đào tạo sau khi nhận việc thì e rằng, đây là lời hứa khó tin nhất bởi sau khi ký hợp đồng, công việc mỗi môi giới cần quan tâm nhất chính là doanh số, là mải miết tìm kiếm khách hàng tiềm năng thay vì được tham gia các khóa học bài bản về nghiệp vụ.
Các sàn bất động sản mọc lên như nấm và liên tục tuyển dụng với yêu cầu thấp đã khiến cho thị trường môi giới trở nên loãng và kém chất lượng.
Ông Phan Trọng Hiếu, Giám đốc sàn Bất động sản 5 sao Hải Phòng chia sẻ: "Hiện tại, thị trường bất động sản Việt Nam nói chung đang thiếu các nhà môi giới tư vấn chuyên nghiệp. Môi giới hiện nay gần như không có bằng cấp, chỉ bám theo thông tin, không hiểu thế nào là bất động sản, thế nào là dòng tiền... khiến thị trường yếu, không phát triển ổn định và không giúp nhà đầu tư có được quyết định chính xác".
Còn theo Luật sư Phan Mạnh Thăng, Văn phòng luật Long Phan, Hội luật sư TP.HCM: "Đội ngũ môi giới hiện đang là "điểm chết" về tọa độ pháp lý. Có thể thấy quá trình thành lập hay cấp chứng chỉ cho đơn vị môi giới hầu như là chưa được xem xét".
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết hành lang pháp lý trong lĩnh vực môi giới bất động sản liên tục được cập nhật và chỉnh sửa cho phù hợp.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, vẫn còn nhiều bất cập tồn tại như quy định cá nhân không bắt buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được dự thi lấy chứng chỉ môi giới bất động sản. Bên cạnh đó, chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi hành nghề môi giới khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề chưa đủ sức răn đe, đồng thời, bản thân các môi giới bất động sản cũng không coi trọng việc tham gia các khóa đào tạo.
"Giá trị pháp lý của chứng chỉ hành nghề môi giới cần rút ngắn thời hạn còn từ 1 - 3 năm thay vì 5 năm như hiện tại", ông Hưng cho hay.
Trước tình trạng đó, ông Nguyễn Đức Lập, Viện nghiên cứu và đào tạo bất động sản Đà Nẵng đề xuất nên áp dụng chung 1 bộ ngân hàng câu hỏi sát hạch cho môi giới trên toàn quốc và tổ chức thi, giám sát trên máy tính.
Ở vị trí là "người trong cuộc", ông Phan Trọng Hiếu cho rằng nhà đầu tư nên tự trang bị kiến thức cho mình, hiểu rõ về bất động sản, chu kỳ bất động sản. Nếu không có thời gian thì nên tìm nhà tư vấn chuyên nghiệp, bởi trước tình trạng thông tin nhiều chiều, nhà bán hàng thì chỉ muốn bán được sản phẩm của mình, khách hàng rất dễ lạc vào ma trận về giá, về dự án…
Vừa qua, batdongsan.com.vn - một trang thông tin về bất động sản đã ra báo cáo dựa trên con số thống kê và công nghệ AI xử lý thông tin để đưa ra cái nhìn đa chiều và tổng quan nhất về thị trường bất động sản cho người dân cũng như môi giới. Bước đi này đã đánh dấu những nét mới trong hoạt động môi giới và trở thành công cụ tra cứu thông tin cho người mua.
Trong khi nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ 4.0 hay các yếu tố hỗ trợ khác về công nghệ để đưa thông tin tới thị trường thì đâu đó vẫn còn những mô hình hoạt động với chuyên gia "tự phong" và môi giới viên chưa được đào tạo bài bản.
Có thể thấy, với sự phát triển của nền kinh tế và nhu cầu chung, môi giới bất động sản đã và sẽ là một phần không thể thiếu của thị trường. Tuy nhiên, nếu tiếp tục vận động theo tình trạng thiếu kiểm soát cả về số lượng và chất lượng như hiện nay thì e rằng môi giới sẽ trở thành vùng xám trong quá trình vận động của thị trường bất động sản.