Mối quan hệ giữa giáo dục tài chính và bảo vệ người tiêu dùng tài chính


Bài viết phân tích mối quan hệ phụ thuộc và bổ sung lẫn nhau của bảo vệ người tiêu dùng tài chính và giáo dục tài chính. Bài viết cũng đưa ra một số giải pháp nhằm đưa vấn đề bảo vệ người tiêu dùng tài chính ở Việt Nam hoàn thiện và phát triển.

Đặt vấn đề

Một trong những ưu tiên hàng đầu của các quốc gia đang phát triển và các nước thị trường mới nổi hiện nay là phát triển tài chính toàn diện. Để phát triển tài chính toàn diện, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng tài chính và giáo dục tài chính được xem là những giải pháp quan trọng.

Tại Việt Nam, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng tài chính còn có nhiều hạn chế. Trong bối cảnh thị trường tài chính liên tục phát triển dựa trên nền tảng ưu việt của công nghệ thông tin, các sản phẩm tài chính trở nên vô cùng đa dạng, phức tạp, thì vấn đề bảo vệ người tiêu dùng tài chính càng cấp thiết. Tuy vậy, để có thể đẩy mạnh bảo vệ người tiêu dùng tài chính, chất xúc tác cần thiết chính là giáo dục tài chính.

Giáo dục tài chính

Giáo dục tài chính đóng vai trò vô cùng quan trọng đối công cuộc phát triển tài chính toàn diện nói chung và bảo vệ người tiêu dùng tài chính nói riêng.

Người tiêu dùng dịch vụ tài chính có kiến thức, kĩ năng, thái độ và sự tự tin sẽ đưa ra các quyết định tài chính tốt và đạt được lợi ích cao nhất cho mình. Tuy vậy, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, có nhiều người tiêu dùng dịch vụ tài chính chưa có đủ kiến thức và sự hiểu biết khi tham gia giao dịch, đặc biệt là khi các sản phẩm dịch vụ tài chính ngày càng trở nên đa dạng, phức tạp.

Chính vì vậy, vấn đề nâng cao năng lực tài chính hay kiến thức tài chính, hiểu biết tài chính đang được sự quan tâm của các quốc gia và các cơ quan quản lý. Giáo dục tài chính giúp phát triển tài chính toàn diện phát triển vì 2 lý do chính: (1) Giúp giảm bớt việc tiêu dùng các sản phẩm tài chính phi chính thức; (2) Giúp người tiêu dùng giảm bớt rủi ro.

Bảo vệ người tiêu dùng

Bảo vệ người tiêu dùng tài chính có liên quan đến các điều luật, quy định, phương thức cung ứng dịch vụ tài chính được đặt ra nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính khi tham gia các giao dịch tài chính (World Bank).

Về bản chất, các sản phẩm tài chính ngày càng đa dạng và phức tạp, sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin và sự sáng tạo của các đơn vị cung ứng dịch vụ đã tạo ra các sản phẩm tài chính mới, sáng tạo, áp dụng công nghệ cao.

Các sản phẩm mới ra đời có thể chưa được điều tiết hoặc chịu sự điều tiết và giám sát chưa đủ chặt chẽ của các cơ quan giám sát có thể dẫn đến nhiều rủi ro cho người tiêu dùng, nguyên nhân là do việc thiết kế sản phẩm đôi khi xuất phát từ quyền lợi của nhà cung cấp chứ không phải quyền lợi của người tiêu dùng.

Một sản phẩm có thể mang lại lợi ích nhất định nào đó cho người tiêu dùng nhưng điều đó không có nghĩa quyền lợi của người tiêu dùng cũng được bảo vệ nếu không có những chế tài cụ thể.

Bên cạnh đó, nếu người tiêu dùng không được cung cấp đầy đủ thông tin và có sự hiểu biết nhất định về sản phẩm và tiêu dùng dịch vụ tài chính, cả trước và sau khi giao dịch, thì quyết định tham gia giao dịch cũng có thể gặp phải những rủi ro.

Chính vì vậy, các chế tài có liên quan đến bảo đảm quyền lợi và cung cấp thông tin cho người tiêu dùng tài chính ngày càng được đặt ra là một vấn đề cấp thiết.

Vai trò của bảo vệ người tiêu dùng tài chính ngày càng gia tăng, nhận thấy điều này, Ngân hàng Thế giới đã giới thiệu Bộ quy tắc thực hành tốt 2017 về vấn đề bảo vệ người tiêu dùng tài chính.

Trong bộ quy tắc này, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra những chuẩn mực về bảo vệ người tiêu dùng cho từng loại sản phẩm, dịch vụ, bao gồm: Các sản phẩm dịch vụ tiền gửi và tín dụng; bảo hiểm; quỹ hưu trí; chứng khoán. Các tiêu chí chính cần quan tâm để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đó là:

- Khung pháp lý và giám sát về bảo vệ người tiêu dùng: mỗi quốc gia cần có khung pháp lý, bao gồm luật và các quy định dưới luật về quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, cần có các cơ quan chuyên trách, ban hành các quy định và giám sát việc thực hành các quy định về đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

- Vấn đề công bố thông tin về sản phẩm, dịch vụ và tính minh bạch: Ngân hàng Thế giới cho rằng, các tổ chức cung ứng dịch vụ cần xây dựng bộ quy tắc về công bố thông tin về sản phẩm, dịch vụ mà họ cung ứng, bao gồm vấn đề định giá, đặc tính của sản phẩm, điều khoản và điều kiện, những rủi ro liên quan khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ.

Đối với các sản phẩm tài chính, điều này vô cùng quan trọng bởi vì các sản phẩm tài chính rất đa dạng, phức tạp. Điều này không chỉ hàm ý đối với các dịch vụ tài chính bởi chúng có tính vô hình, không thể chuyển giao, không thể nhờ bên thứ 3 có chuyên môn thẩm định như các sản phẩm thông thường khác.

Các quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng chỉ phát sinh khi sản phẩm tài chính được tiêu dùng và điều này lại phụ thuộc vào rất nhiều tiêu chí khác, bao gồm cả tiêu chí về môi trường, kinh tế, xã hội.

Nếu các đơn vị cung ứng dịch vụ không cung cấp đầy đủ thông tin hoặc minh bạch về quy trình cung ứng hay việc xác định quyền lợi, nghĩa vụ, định giá… người tiêu dùng có thể đưa ra các quyết định không mang lại lợi ích cao nhất cho họ.

Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh vào tính khách quan, nhất quán, sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, không gây hiểu nhầm, chuẩn hoá và tính kịp thời của thông tin.

- Cư xử công bằng và đạo đức kinh doanh: Do vấn đề thông tin không cân xứng, nhà cung ứng luôn ở vị thế có lợi về thông tin: sản phẩm/dịch vụ là do họ thiết kế, do đó người tiêu dùng luôn ở vị thế yếu khi sử dụng dịch vụ.

Câu nói “người mua có thể không biết chất lượng sản phẩm nhưng người bán thì luôn biết rõ” rất đúng.

Nếu nhà cung ứng không xây dựng văn hoá ứng xử công bằng với người tiêu dùng và kinh doanh có đạo đức thì quyền lợi người tiêu dùng khó được đảm bảo.

- Bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng và tính riêng tư của họ: Đây là điều tối quan trọng trong các giao dịch tài chính. Các vấn đề tài chính là những vấn đề vô cùng riêng tư và cần được bảo mật tối đa.

Bên cạnh đó, vấn đề lộ lọt thông tin của người dùng là vô cùng nguy hiểm, thông tin lộ lọt có thể bị lợi dụng để thực hiện các giao dịch không mong muốn cho người dùng.

Thêm vào đó, thông tin bị lộ lọt dễ làm cho các tài khoản của người dùng bị đánh cắp số dư, gây không ít thiệt hại cho người tiêu dùng.

- Cơ chế giải quyết khiếu nại giữa hai bên: Theo Ngân hàng Thế giới, cơ chế giải quyết mâu thuẫn, khiếu nại của người tiêu dùng cần được xây dựng và công bố một cách rõ ràng, minh bạch, người sử dụng cần được biết các thông tin này trước khi kí kết hợp đồng sử dụng dịch vụ tài chính.

- Bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng khi họ rơi vào hoàn cảnh mất khả năng thanh toán: Theo Ngân hàng Thế giới, đây là vấn đề mang tính nhân văn, khi người tiêu dùng rơi vào hoàn cảnh khó khăn, cần có cơ chế giải quyết quyền lợi và nghĩa vụ của họ một cách công bằng, đảm bảo có cơ hội giải quyết nợ nần và thực hiện nghĩa vụ, tránh tình trạng vòng xoáy nợ nần cho người tiêu dùng.

Bảo vệ người tiêu dùng tài chính đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển tài chính toàn diện ở các quốc gia, đặc biệt từ phía cầu.

Một cơ chế bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả là chìa khoá để đảm bảo các chiến lược tài chính toàn diện được thành công trong dài hạn. Có thể cụ thể hoá vai trò của bảo vệ người tiêu dùng tài chính đối với sự phát triển của tài chính toàn diện như sau:

Một cơ chế bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả làm tăng tính chủ động của khách hàng, đặc biệt là những đối tượng yếu thế trong xã hội, giúp họ tích cực và chủ động tham gia vào các giao dịch tài chính nhằm đáp ứng các nhu cầu của bản thân.

Cụ thể: (1) Bảo vệ người tiêu dùng giúp khách hàng có đầy đủ thông tin để kịp thời đưa ra những quyết định chính xác và tốt nhất cho chính mình; (2) Bảo vệ người tiêu dùng giúp khách hàng được đối xử công bằng và bình đẳng trong việc tiếp cận và thực hiện các giao dịch tài chính;

(3) Bảo vệ người tiêu dùng tài chính tạo ra một cơ chế khiếu nại, phản hồi thông tin hiệu quả từ khách hàng tới các tổ chức cung ứng dịch vụ.

Khi người tiêu dùng tài chính được bảo vệ, niềm tin, sự tự tin của họ vào một thị trường tài chính sẽ gia tăng, kéo theo việc gia tăng sự chủ động trong tiếp cận dịch vụ tài chính.

Mối quan hệ giữa bảo vệ người tiêu dùng tài chính và giáo dục tài chính

Giữa bảo vệ người tiêu dùng tài chính và giáo dục tài chính có mối quan hệ chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau. Nếu người tiêu dùng có kiến thức, họ sẽ biết rõ ràng về quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia vào một giao dịch.

Bên cạnh đó, họ cũng biết những rủi ro tiềm ẩn khi tham gia giao dịch đó. Từ đó, sẽ tránh được những gì làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Nếu có phát sinh những mâu thuẫn hay xung đột, họ biết cần làm những gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Cụ thể, có thể xem xét từng khía cạnh của bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính với kiến thức tài chính như sau:

- Về vấn đề khung pháp lý và giám sát: Đây là các vấn đề mang tính vĩ mô và có tác động nhiều hơn đến nhà cung ứng. Tuy vậy, nếu người tiêu dùng có kiến thức và am hiểu, họ sẽ hợp tác cùng các đơn vị cung ứng thực hiện các quy định một cách chuẩn mực.

- Vấn đề minh bạch và công bố thông tin: Khi các nhà cung cấp minh bạch về giá, đặc tính sản phẩm, điều khoản và điều kiện, những rủi ro của sản phẩm sẽ cho phép khách hàng ra quyết định mua sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu của họ.

Tuy vậy, các đặc tính sản phẩm tài chính không phải là các kiến thức đơn thuần, do đó, nếu người tiêu dùng có kiến thức tài chính sẽ dễ dàng hiểu được và hiểu đúng về sản phẩm.

Nếu các nhà cung cấp sản phẩm minh bạch về thông tin mà người tiêu dùng không có đủ kiến thức để hiểu thì tính minh bạch cũng không được phát huy tác dụng.

- Bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng: Thời gian qua, vấn đề lộ lọt thông tin của người dùng gây ra khá nhiều tổn thất không chỉ cho người dùng, do họ bị đánh cắp số dư hay bị mất tiền trên tài khoản.

Ngoài nguyên nhân từ hạn chế trong khâu bảo mật, do tội phạm công nghệ cao tấn công,… thì điều đáng nói là nguyên nhân gây lộ lọt thông tin lại từ chính người dùng.

Khi người dùng không được trang bị các kiến thức về sản phẩm, dịch vụ, bao gồm cả kiến thức về việc tự bảo vệ thông tin cho mình, có thể chính họ lại tự làm lộ lọt thông tin, gây rủi ro cho chính mình. Cho nên, sự kết hợp giữa vấn đề bảo vệ người tiêu dùng và kiến thức tài chính là mối quan hệ song hành, hỗ trợ lẫn nhau.

- Cơ chế giải quyết khiếu nại giữa hai bên: Nếu người tiêu dùng có kiến thức tài chính để đưa ra những quyết định phù hợp, những sự việc đáng tiếc có thể gây ra khiếu nại cũng sẽ giảm đi.

Trong trường hợp có khiếu nại, quy trình giải quyết khiếu nại cũng nhanh chóng, giảm được chi phí cho cả hai bên. Đặc biệt, khi người tiêu dùng biết được khi cần khiếu nại nên làm gì, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm giải quyết,… sẽ giúp ích rất nhiều cho họ.

- Bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng khi bị rơi vào hoàn cảnh mất khả năng thanh toán: Người tiêu dùng có kiến thức tài chính trong hoàn cảnh mất khả năng thanh toán, và biết quyền lợi của mình vẫn được bảo vệ, sẽ có nhiều cơ hội để hồi phục và tránh rơi vào vòng xoáy nợ nần.

Một số đề xuất nhằm phát triển hiệu quả việc bảo vệ người tiêu dùng tài chính

Dựa trên những phân tích trên đây có thể thấy, mối quan hệ chặt chẽ và bổ sung cho nhau giữa giáo dục tài chính và bảo vệ người tiêu dùng tài chính.

Cụ thể, khi người tiêu dùng có kiến thức tài chính, việc bảo vệ quyền lợi cho họ sẽ hiệu quả hơn, ít tốn kém chi phí và thời gian cho các bên tham gia giao dịch.

Ngược lại, khi bảo vệ người tiêu dùng tài chính tốt, người tiêu dùng sẽ có môi trường tốt và tự tin khi tham gia các giao dịch tài chính với kiến thức của mình. Tài chính toàn diện sẽ phát triển hơn nếu cùng lúc người tiêu dùng được bảo vệ và có kiến thức.

Do đó, trong khuôn khổ bài viết này, xin đề xuất một số giải pháp bảo vệ người tiêu dùng tài chính như sau:

(1) Thành lập cơ quan chuyên trách chịu trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng tài chính và cơ quan giám sát tuân thủ

Hiện nay, tại Việt Nam, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trong các vấn đề về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung. Tuy nhiên, Cục Quản lý cạnh tranh của Bộ này quản lý đối với tất cả các lĩnh vực ngành nghề và không có một bộ phận riêng chịu trách nhiệm quản lý giám sát đối với bảo vệ người tiêu dùng tài chính, dẫn đến việc bảo vệ người tiêu dùng tài chính chưa được thực hiện một cách hiệu quả.

Ngành Tài chính là một lĩnh vực đặc thù, liên quan đến sự lưu thông tiền tệ quốc gia. Khi lĩnh vực này có những diễn biến không tốt ngay lập tức có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế và các chính sách kinh tế vĩ mô.

Chính vì vậy, nhu cầu cần có một cơ quan chuyên trách, chịu trách nhiệm về bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực này thực sự cần thiết.

Để thực sự có quyền năng thực thi việc bảo vệ người tiêu dùng tài chính, cơ quan này cần phải có thẩm quyền nhất định, hoạt động khách quan và độc lập, có đủ quyền lực, nguồn lực và năng lực trong việc giám sát và chịu trách nhiệm đề xuất các chính sách về bảo vệ người tiêu dùng tài chính.

Bên cạnh đó, cơ quan này nên có quyền hợp tác với các cơ quan giám sát dịch vụ tài chính quốc tế để thường xuyên nắm bắt và cập nhật được những vấn đề mới của thị trường tài chính, từ đó đi đầu trong việc điều chỉnh các quy định ở trong nước cho phù hợp hoặc giúp điều tiết các giao dịch tài chính mang tính quốc tế hoặc xuyên biên giới một cách thuận lợi. Cơ quan chuyên trách này sẽ chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống các quy định, cơ chế bảo vệ người tiêu dùng tài chính phù hợp.

(2) Thành lập Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng tài chính

Việt Nam có Hội bảo vệ người tiêu dùng mới được thành lập năm 2018 - được tách ra từ Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Đây là một tổ chức chính trị xã hội, được thành lập nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng nói chung trong tất cả các lĩnh vực.

Ngoài Hội này, Việt Nam cũng nên thành lập Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng tài chính hoạt động độc lập; để thực hiện các mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực này.

Hiệp hội này vừa có thể là tổ chức cung cấp các kiến thức tài chính đến người tiêu dùng, giúp nâng cao giáo dục tài chính cho người tiêu dùng, đồng thời cũng là kênh đầu tiên tiếp nhận thông tin về những rủi ro của người tiêu dùng tài chính mang tính thời sự.

(3) Thiết lập khung pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng tài chính

Khung pháp lý liên quan bảo vệ người tiêu dùng tài chính của các nước trên thế giới gồm Luật Bảo vệ người tiêu dùng tài chính và các văn bản hướng dẫn kèm theo.

Khi xây dựng Luật Bảo vệ người tiêu dùng tài chính, một số vấn đề quan trọng cần lưu ý như sau:

Một là, cần có quy định về cơ chế giải quyết khiếu nại đối với người tiêu dùng tài chính. Các quy định pháp lý cần đảm bảo rằng người tiêu dùng có quyền truy cập vào các cơ chế xử lý khiếu nại của tổ chức tài chính và các khiếu nại cần được giải quyết đầy đủ. Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính cần xây dựng các cơ chế xử lý khiếu nại và công khai với khách hàng.

Hai là, cần có quy định về trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính trong vấn đề bảo mật thông tin khách hàng trước bên thứ ba. Thông tin tài chính và cá nhân của người tiêu dùng cũng cần được bảo vệ bởi một cơ chế quản lý chặt chẽ.

Cần xác định rõ mục đích của việc thu thập, xử lý, lưu trữ và sử dụng dữ liệu hay công khai cho bên thứ ba và người tiêu dùng cũng có quyền được thông báo về việc dữ liệu của mình được chia sẻ, tiếp cận, chỉnh sửa hoặc xoá bỏ các thông tin không chính xác.

Ba là, có chế tài yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện các cam kết về đối xử công bằng và bình đẳng, công khai và minh bạch thông tin với mọi đối tượng người tiêu dùng tài chính.

Bốn là, khung pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng tài chính cần nhấn mạnh và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ tài chính hoạt động có trách nhiệm. Điều này không chỉ giúp bảo vệ người tiêu dùng tài chính khỏi các gian lận và rủi ro đạo đức mà còn giúp chính bản thân các tổ chức tài chính phát triển bền vững.

Để đạt hiệu quả và thống nhất trong toàn hệ thống tài chính, vấn đề hoạt động có trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính cần được thường xuyên giám sát bởi các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Theo OECD (2019), tại Bồ Đào Nha, Ngân hàng Trung ương yêu cầu các tổ chức tài chính trong suốt giai đoạn trước khi kí hợp đồng, thông tin cung cấp cho khách hàng phải đầy đủ kịp thời qua kênh internet hoặc mạng di động.

Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha có cơ chế giám sát thường xuyên để xác định cơ chế cung cấp thông tin tới khách hàng có đầy đủ và hiệu quả, đánh giá quy trình ký hợp đồng trên các kênh kỹ thuật số so với các phương tiện khác để làm rõ những nghi ngờ và thắc mắc của khách hàng. Các công cụ hỗ trợ khách hàng có thể là những cảnh báo, ghi chú, các hỏi-đáp (FAQs), hỗ trợ điện thoại miễn phí, chatbox.

(4) Tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính xây dựng các quy định nội bộ về việc công khai minh bạch thông tin với khách hàng.

Các nhà cung cấp dịch vụ tài chính cần cung cấp cho người tiêu dùng tài chính các thông tin chính, quan trọng liên quan đến lợi ích, rủi ro và các điều khoản của sản phẩm.

Cụ thể, cần cung cấp các thông tin trọng yếu của sản phẩm trước khi kí hợp đồng, trong suốt giai đoạn khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính của tổ chức cung cấp, bất cứ khi nào có sự thay đổi, phát sinh mới, tổ chức tài chính phải cung cấp thông tin cần thiết và kịp thời cho khách hàng.

Tất cả các tài liệu quảng cáo về các sản phẩm tài chính phải chính xác, trung thực, dễ hiểu, không gây hiểu lầm. Việc cung cấp thông tin giúp cho khách hàng đánh giá được những lợi ích và rủi ro đi kèm khi kí kết hợp đồng, đảm bảo khách hàng có những biện pháp chấp nhận rủi ro nếu kí hợp đồng.

Kết luận

Bài nghiên cứu đã cho thấy mối quan hệ cùng chiều của bảo vệ người tiêu dùng tài chính và giáo dục tài chính nhằm mục tiêu phát triển tài chính toàn diện.

Khi người tiêu dùng tài chính có kiến thức tài chính và đặc biệt được bảo vệ quyền lợi đầy đủ khi tham gia các giao dịch sẽ chủ động và tự tin tham gia vào các giao dịch tài chính hơn - làm tăng khả năng tiếp cận tài chính của người tiêu dùng.

Dựa trên thực trạng về bảo vệ người tiêu dùng tài chính trên thế giới và Việt Nam, bài nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc bảo vệ người tiêu dùng tài chính tại Việt Nam.

Trong đó, quan trọng là các giải pháp như thành lập cơ quan chuyên trách bảo vệ người tiêu dùng tài chính, thành lập Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Đây là hai cơ quan quan trọng, địa chỉ tin cậy người tiêu dùng tài chính có thể tìm đến khi cần thông tin và yêu cầu bảo vệ.

Các đề xuất khác liên quan đến thành lập khung pháp lý phù hợp và khuyến khích các tổ chức tài chính xây dựng, công bố chính sách bảo vệ và giải quyết tranh chấp, khiếu nại cho các khách hàng tham gia giao dịch.

Tài liệu tham khảo:

- Campbell và cộng sự (2011), ‘Financial consumer protection’, Journal of Economic Perspectives-Volume 25, Number 1-Winter 2011-Pages 91-114.

- Gallup Blog (2018), Mobile tech Spurs financial Inclusion in Developing Nations, truy cập ngày 28/5/2020 từ: https://news.gallup.com/opinio...

- Global Findex Database (2017), truy cập ngày 16/3/2020: <https:="" databank.worldbank.org...<="" a>="" inclusion#.="">

- GPFI (2010), G20 Principles for Innovative Financial Inclusion.

- Hoàng T.T.Hiền, Nguyễn T. Vân (2020), Bảo vệ người tiêu dùng tài chính trong bối cảnh phát triển tài chính toàn diện, Tạp chí Khoa học và Đào tạo ngân hàng.

- Bank (2017), Good practices for Financial Consumer Protection, The World Bank Group, 1818 H Street NW, Washington, DC 20433, USA.

- World Bank (2018), Global Financial Inclusion and Consumer Protection Survey 2017, The World Bank Group, 1818 H Street NW, Washington, DC 20433, USA.

- World Bank Group (2017), Global Findex Database 2017 Measuring Financial Inclusion and The Fintech Revolution, 1818 H Street NW, Washington, DC 20433.

- World Babk (2020), truy cập tại: https://responsiblefinance.wor... protection

Theo TS. Hoàng Thị Thu Hiền/thitruongtaichinhtiente.vn