Mối quan hệ giữa kế toán quản trị và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp
Vai trò quan trọng của kế toán quản trị với việc đánh giá hiệu quả hoạt động là công cụ hữu hiệu để quản lý các hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất. Bài viết, phân tích làm rõ mối quan hệ giữa kế toán quản trị và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, Luật Kế toán số 88/2015/QH13 đã nhấn mạnh, vai trò của kế toán quản trị (KTQT) là nguồn cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, đúng yêu cầu phục vụ cho công tác quản lý khi nhà quản trị muốn đưa ra quyết định và cho biết trình tự nhận diện thông tin KTQT trong các tổ chức. KTQT thực hiện quy trình như kế toán tài chính bắt đầu từ việc tìm kiếm, thu nhận rồi truyền tải thông tin tới nhà quản trị nội bộ doanh nghiệp.
Hiệu quả hoạt động (HQHĐ) là một phạm trù phản ánh trình độ sử dụng các nguồn lực cuả doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh sao cho hao phí nguồn lực, tài lực là thấp nhất với lợi ích mang lại là cao nhất; lợi ích mang lại bao gồm lợi ích cho bản thân doanh nghiệp và lợi ích cho cả xã hội.
Hiệu quả hoạt động được biểu hiện dựa trên việc so sánh giữa nguồn lực mà doanh nghiệp đã chi ra với những lợi ích đạt được và ngược lại đồng thời phải được xem xét trong điều kiện thời gian và không gian cụ thể.
Bản chất của HQHĐ là hiệu quả của nguồn lực, lao động xã hội được xác định bằng cách so sánh lượng kết quả hữu ích cuối cùng thu được với hao phí nguồn lực, lao động xã hội. Vì vậy, thước đo HQHĐ là sự tiết kiệm hao phí nguồn lực, lao động xã hội và tiêu chuẩn của HQHĐ là việc tối đa hóa kết quả hoạt động đạt được hoặc tối thiểu hóa chi phí bỏ ra dựa trên điều kiện nguồn lực, tài lực sẵn có.
Khi đánh giá HQHĐ của doanh nghiệp, kế toán quản trị (KTQT) tiến hành so sánh giữa thực tế và kế hoạch về số lượng, chủng loại từng loại nguyên vật liệu (NVL) thu mua; tính đồng bộ NVL thu mua, so sánh lượng thu mua thực tế với lượng thu mua theo kế hoạch đã xây dựng một cách khoa học dựa vào định mức chi phí và dự toán của doanh nghiệp có mức hoàn thành kế hoạch số lượng cung ứng thấp nhất.
Muốn vậy, trong khâu thu mua, cần phải quản lý tốt về mặt khối lượng, quy cách, chủng loại, chất lượng, thời gian thu mua NVL sao cho phù hợp với nhu cầu sản xuất, bán hàng, cần phải tìm được nguồn thu mua NVL với giá cả hợp lý so với mặt bằng chung giá cả trên thị trường, đồng thời chi phí thu mua thấp nhất. Điều này góp phần giảm thiểu chi phí, hạ thấp giá thành.
Để cung cấp thông tin cho nhà quản trị đánh giá hiệu quả sử dụng chi phí, KTQT đưa ra các chỉ tiêu đồng thời so sánh giữa thực tế và kế hoạch về chi phí tiền lương trả cho nhân viên bán hàng, nhân viên quản lý; vật liệu, dụng cụ phục vụ cho việc bán hàng, quản lý doanh nghiệp; chi phí dịch vụ mua ngoài, chi phí quảng cáo, tiếp thị, bảo hành sản phẩm, chi phí khấu hao tài sản cố định (TSCĐ).
Để phục vụ cho nhà quản lý đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư, KTQT cung cấp thông tin sau: các khoản đầu tư (chi tiết theo từng đối tượng, thời hạn, tính chất đầu tư); các khoản cổ tức, lợi nhuận được chia tương ứng với các khoản đầu tư.
Việc đánh giá thường được tiến hành bằng cách so sánh giữa thực tế và kế hoạch về kết quả đầu tư cổ phiếu (so sánh với các DN cùng ngành nghề, các chỉ tiêu tài chính được công khai trên thị trường chứng khoán để thấy được hiệu quả kinh doanh thực sự của các doanh nghiệp như thế nào), kết quả đầu tư bất động sản (so sánh giá trị của từng loại bất động sản giữa kỳ này với kỳ trước hoặc kỳ thực hiện so với kỳ kế hoạch để thầy được quy mô và tốc độ tăng giảm từ đó thấy được ảnh hưởng của các nhân tố tới quy mô và hiệu quả đầu tư bất động sản), kết quả đầu tư góp vốn (căn cứ vào giá đầu tư và lợi nhuận được chia), kết quả đầu tư khác (đối tượng cho vay, thời hạn vay…).
Sự tồn tại KTQT trong mỗi doanh nghiệp xuất phát từ nhu cầu thông tin cùa các nhà quản trị doanh nghiệp. Các nhà quản trị doanh nghiệp cần nhận thức đúng đắn về vai trò của thông tin kế toán, đặc hiện là thông tin KTQT cung cấp phục vụ cho việc đánh giá hiệu quả hoạt động. Khi đó, các nhà quản trị sẽ có những định hướng đúng đắn và cần thiết cho việc xây dựng KTQT trong hoạt động quản lý, điều hành hàng ngày tại doanh nghiệp.
Để việc áp dụng KTQT với việc đánh giá hiệu quả hoạt động trong doanh nghiệp đạt hiệu quả, các nhà quản trị doanh nghiệp cần chú trọng và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất kinh doanh; xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng sản xuất kinh doanh theo các phương pháp quản trị mới.
Tổ chức bộ máy quản lý phải đảm bảo yêu cầu tinh giảm, gọn nhẹ, hiệu quả. Tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng nhân sự kế toán với định hướng đa dạng hóa nghiệp vụ và sử dụng thành thạo các công cụ xử lý thông tin hiện đại. Chú trọng đầu tư nguồn lực tài chính cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động KTQT.