Mối quan hệ mật thiết giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Indonesia
Indonesia luôn là một đối thủ "đáng gờm" với Việt Nam trong bóng đá mặc dù các chuyên gia luôn nhận xét Việt Nam ở tầm cao hơn so với nước bạn. Tuy nhiên khi so sánh giữa 2 nền kinh tế, liệu Việt Nam có được đánh giá cao hơn Indonesia hay không?
Hai nền kinh tế năng động của khu vực ASEAN
Kinh tế Indonesia là một nền kinh tế thị trường nhưng lại có hơn 164 công ty sở hữu quốc doanh, hoạt động kinh doanh các mặt hàng cơ bản như dầu mỏ, gạo, và điện lực.
Tính riêng trong quý 4 năm 2018, nền kinh tế nước này tăng 5,18%, đưa tốc độ tăng trưởng cả năm 2018 đạt 5,17%.
Bất chấp những bất ổn trên các thị trường tài chính do tình trạng các dòng vốn "chảy" khỏi thị trường Indonesia, thâm hụt ngân sách năm 2018 của Indonesia ước vào khoảng 1,72% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thấp hơn mức dự tính ban đầu của chính phủ nước này là 2,19% GDP. Đây cũng là mức thâm hụt ngân sách trên GDP thấp nhất kể từ năm 2012.
Trong năm 2018, Indonesia lần đầu tiên kể từ năm 2011 đạt thặng dư ngân sách cơ bản 4.100 tỷ rupiah (khoảng 283,25 triệu USD).
Nhìn chung, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Indonesia vẫn ổn định và chủ yếu là các sản phẩm công nghiệp. Đứng đầu vẫn là nhóm mặt hàng khoáng sản đạt 22,5 tỷ USD, chiếm 15,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Mặc dù được cho là mức tăng đáng khích lệ nhưng Indonesia cũng thừa nhận mức tăng trưởng của năm 2018 không đạt được mục tiêu kế hoạch phát triển trung hạn quốc gia. Trong kế hoạch ngân sách nhà nước Indonesia năm 2018, chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho cả năm ở mức 5,4%.
Trong khi đó ở Việt Nam, từ 2002 đến 2018, hơn 45 triệu người đã thoát nghèo, tỉ lệ nghèo giảm mạnh từ hơn 70% xuống còn dưới 6% (3,2 USD/ngày theo sức mua ngang giá). GDP đầu người tăng 2,5 lần, đạt trên 2.500 USD năm 2018.
Sau khi chạm đỉnh ở mốc 7,1% năm 2018, tăng trưởng GDP thực được dự báo giảm nhẹ trong năm 2019, do sức cầu bên ngoài giảm và do duy trì thắt chặt chính sách tín dụng và tài khóa. Tăng trưởng GDP thực được dự báo vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao, xoay quanh mức 6,5% trong các năm 2020 và 2021.
Hiện tại, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu điện thoại và linh kiện, hàng dệt may, máy vi tính và sản phẩm điện tử, các mặt hàng nông thủy sản, giày dép, gỗ và sắt thép các loại…
Kết thúc một nữa chặng đường của năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 243,48 tỷ USD, tăng 8,0% (tương ứng tăng 18,1 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 122,53 tỷ USD, tăng 7,2% và nhập khẩu đạt 120,94 tỷ USD, tăng 8,9%.
Trong tháng 6/2019, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,93 tỷ USD. Kết quả này đã góp phần đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa của cả nước trong nửa đầu năm 2019 đạt thặng dư 1,59 tỷ USD.
Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Indonesia
Việt Nam và Indonesia thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30/12/1955. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Indonesia được xây dựng trên nền tảng vững chắc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno gây dựng, được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp, xây dựng, phát triển.
Việt Nam và Indonesia có nhiều điểm tương đồng, cùng là thành viên ASEAN, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và nhiều tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế khác.
Với Việt Nam, Indonesia là đối tác quan trọng, giàu tiềm năng. Ngược lại, Indonesia đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam, là một trong những nước có ảnh hưởng lớn trong ASEAN. Hai nước đã ký nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực. Nhiều cơ chế hợp tác giữa hai bên đã được thiết lập như: Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế; Ủy ban hợp tác song phương cấp Bộ trưởng Ngoại giao.
Những năm gần đây, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Indonesia đã có những bước phát triển đáng khích lệ. Kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều tăng từ 4,6 tỷ USD trong năm 2012 lên 5,6 tỷ USD trong năm 2016, đạt trên 6,5 tỷ USD trong năm 2017 và 7 tháng đầu năm 2018 đạt 4,7 tỷ USD.
Hai bên phấn đấu đạt mốc 10 tỷ USD vào năm 2020. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia chủ yếu gồm: gạo, dầu thô, xi măng, linh kiện điện tử, hàng nông sản. Việt Nam nhập khẩu từ Indonesia các mặt hàng phân bón, xăng dầu, bao bì, thiết bị máy móc, vải sợi, giấy và bánh kẹo.
Về đầu tư, tháng 6/1989, hai nước chính thức mở đường hàng không Việt Nam – Indonesia. Nhiều tập đoàn lớn của Indonesia đã vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Tính đến tháng 6/2018, Indonesia tiếp tục đứng thứ 5 trong ASEAN và thứ 30/126 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 71 dự án trị giá 514 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, khai thác than, ngân hàng, khách sạn, chế biến xuất khẩu gỗ, sản xuất sợi và may mặc.
Một số dự án đầu tư lớn gồm: Khu đô thị Nam Thăng Long - Ciputra (2,1 tỷ USD), Liên doanh khách sạn Horizon - Pullman Hà Nội (66 triệu USD). Hiện Việt Nam có 13 dự án đầu tư sang Indonesia với số vốn 54,7 triệu USD trong các lĩnh vực dầu khí và khai khoáng.