Môi trường pháp lý về kế toán - cơ sở trình bày báo cáo tài chính các doanh nghiệp niêm yết


Báo cáo tài chính là hệ thống báo cáo được lập theo chuẩn mực và chế độ kế toán hiện hành, phản ánh các thông tin kinh tế tài chính tổng hợp về tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh và lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp. Báo cáo tài chính là nguồn thông tin quan trọng để nhà đầu tư đánh giá thực trạng tài chính của doanh nghiệp và ra quyết định đầu tư.

Hệ thống chuẩn mực kế toán chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) đã đạt được những thành quả nhất định
Hệ thống chuẩn mực kế toán chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) đã đạt được những thành quả nhất định

Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán ngày càng phát triển, theo đó các quy định về pháp lý liên quan ngày càng được bổ sung hoàn thiện, đặc biệt là các quy định liên quan đến lập, trình bày và công bố thông tin trên báo cáo tài chính.

Môi trường pháp lý cho việc trình bày báo cáo tài chính doanh nghiệp

Môi trường pháp lý cho việc lập, trình bày và công bố thông tin trên báo cáo tài chính (BCTC) của các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) hiện nay bao gồm: Hệ thống pháp luật, chuẩn mực và chế độ kế toán.

Một môi trường pháp lý đầy đủ, rõràng là đảm bảo bao quát các vấn đề liên quan đến việc lập, trình bày và công bố thông tin trên BCTC của các DNNY trên thị trường chứng khoán (TTCK). Ngoài ra, một môi trường pháp lý hoàn thiện đòi hỏi vừa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, vừa phải cập nhật để phù hợp với xu thế phát triển, dễ vận dụng vào thực tiễn.

Nếu các quy định và hướng dẫn chưa phù hợp hoặc không phù hợp với thực tế dẫn đến việc các DNNY và các kiểm toán viên có những cách hiểu và áp dụng không thống nhất đối với cùng một vấn đề sẽ làm hạn chế đến tính minh bạch BCTC. Hơn nữa, chế tài xử phạt và trách nhiệm của các bên liên quan cũng là yếu tố quan trọng giúp cho môi trường pháp lý hoàn thiện.

Riêng đối với các DNNY trên TTCK thì thông tin trên BCTC có rất nhiều đối tượng quan tâm, do vậy một chế tài xử phạt đủ tính răn đe và quy định rõtrách nhiệm pháp lý cho các bên liên quan sẽ đảm bảo được quyền lợi cho những đối tượng sử dụng thông tin đặc biệt là nhà đầu tư giúp cho TTCK ngày càng minh bạch và hiệu quả.

Thực trạng môi trường pháp lý về kế toán

Về chuẩn mực kế toán:

Hệ thống chuẩn mực kế toán CMKT Việt Nam (VAS) đã đạt được những thành quả nhất định. Việt Nam đã hình thành một hệ thống các chuẩn mực phản ánh tương đối đầy đủ các giao dịch cơ bản của DN; Đồng thời, đã tạo dựng được sự nhận thức của xã hội về CMKT. Các bên liên quan đến BCTC đều ý thức ở mức độ nhất định về vai trò của CMKT trong công tác lập và trình bày BCTC. Bên cạnh những kết quả tích cực, thực tiễn cũng còn một số tồn tại như sau:

Thứ nhất, về phạm vi chi phối của Hệ thống CMKT Việt Nam (VAS): Hệ thống VAS hiện nay được ban hành áp dụng chung cho tất cả DN thuộc các ngành, các thành phần kinh tế, không phân biệt DN niêm yết và không niêm yết. Riêng DN nhỏ và vừa được phép không phải áp dụng CMKT và các nội dung của các CMKT theo quy định của Thông tư số 133/2016-BTC về chế độ kế toán DN áp dụng cho các DN nhỏ và vừa.

Thứ hai, tính tuân thủ của các DN trong việc áp dụng VAS còn hạn chế. Việc tuân thủ CMKT trong thực tiễn của các DN nói chung và DNNY nói riêng còn hạn chế và hiện trạng cho thấy, các DN khi thực thi chính sách kế toán chưa tuân thủ đúng mức đến các điều kiện ghi nhận, phương pháp đánh giá và đặc biệt là trình bày và công bố thông tin theo yêu cầu CMKT, làm giảm tính minh bạch của thông tin trên BCTC.

Thứ ba, cùng với sự thay đổi về thể chế kinh tế trong nước cũng như thay đổi trong hệ thống Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) giai đoạn hiện nay, VAS đã bộc lộ nhiều tồn tại, đặc biệt là những giao dịch của nền kinh tế thị trường mới phát sinh chưa được giải quyết thấu đáo như: Việc ghi nhận và đánh giá tài sản, nợ phải trả theo giá trị hợp lý, ghi nhận tổn thất tài sản, kế toán các công cụ tài chính phái sinh cho mục đích kinh doanh và phòng ngừa rủi ro… chưa có hướng dẫn cụ thể.

Về chế độ kế toán:

Từ kết quả khảo sát kết hợp với phỏng vấn chuyên sâu, chế độ kế toán hiện hành tồn tại một số bất cập sau: Hiện nay, quy định về việc trình bày thông tin BCTC chỉ thể hiện số liệu của 2 năm (năm trước và năm hiện tại). Quy định này gây hạn chế về thông tin mang tính so sánh và không giúp nhà đầu tư đánh giá được xu hướng hoạt động của công ty.

Trong khi đó, đa phần các BCTC của các công ty trên TTCK quốc tế hiện nay trình bày 3 năm liên tục, năm hiện tại và 2 năm liền trước đó. Bên cạnh đó, trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, chỉ tiêu doanh thu tài chính và chi phí tài chính được gộp chung vào kết quả hoạt động kinh doanh của DN khiến người đọc thông tin BCTC dễ nhầm lẫn và gây ra sự không rõ ràng về kết quả kinh doanh chính của DN với kết quả hoạt động kinh doanh từ hoạt động đầu tư tài chính.

Sự không rõ ràng này cũng là nguyên nhân góp phần tạo nên sự thiếu minh bạch về thông tin trên BCTC được công bố. Cách làm này gây khó khăn cho quá trình phân tích thông tin của nhà đầu tư.

Hệ thống chuẩn mực kế toán CMKT Việt Nam (VAS) đã đạt được những thành quả nhất định. Việt Nam đã hình thành một hệ thống các chuẩn mực phản ánh tương đối đầy đủ các giao dịch cơ bản của DN; Đồng thời, đã tạo dựng được sự nhận thức của xã hội về CMKT. Các bên liên quan đến BCTC đều ý thức ở mức độ nhất định về vai trò của CMKT trong công tác lập và trình bày BCTC.

Một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện môi trường pháp lý về kế toán

Với sự phát triển ngày càng cao của nền kinh tế thị trường, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế cũng đã cónhiều thay đổi.

Hệ thống pháp luật kế toán Việt Nam được sửa đổi bổ sung theo hướng tiệm cận với chuẩn mực kế toán quốc tế. Nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật kế toán thời gian tới cần chú trọng một số nội dung như sau:

Một là, hoàn thiện hệ thống CMKT Việt Nam - cơ sở đánh giá việc lập và trình bày BCTC của DNNY.

Chất lượng và độ tin cậy của thông tin trên BCTC phụ thuộc rất lớn vào hệ thống CMKT và các chính sách tài chính. Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, BCTC DN được minh bạch với chất lượng cao, phù hợp với thông lệ, chuẩn mực kế toán (CMKT) quốc tế là nền tảng cho một nền kinh tế và hệ thống tài chính vận hành hiệu quả.

Đến nay, Việt Nam đã được ban hành 26 CMKT theo 5 đợt từ năm 2001 đến năm 2005. Theo CMKT quốc tế thì tất cả 26 CMKT Việt Nam đã được bổ sung, sửa đổi đồng thời có các CMKT quốc tế mới ban hành gồm 2 loại: CMKT quốc tế (IAS) và Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS).

Các CMKT Việt Nam đến nay được đánh giá là chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế tại Việt Nam, cũng như chưa phù hợp với CMKT quốc tế. Việc hoàn thiện hệ thống CMKT Việt Nam cần theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế, xây dựng CMKT Việt Nam còn thiếu so với CMKT quốc tế. Việc tiếp cận và áp dụng thông lệ quốc tế giúp cho tăng khả năng so sánh của thông tin tài chính, giúp Việt Nam hội nhập quốc tế sâu hơn.

Năm 2020, Bộ Tài chính đã ban hành Đề án áp dụng chuẩn mực BCTC tại Việt Nam (theo Quyết định số 345/QĐ-BTC ngày 16/3/2020). Theo Đề án này, lộ trình áp dụng chuẩn mực BCTC quốc tế vào Việt Nam qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2022-2025 là giai đoạn tự nguyện áp dụng IFRS; Giai đoạn 2 sau năm 2025 là giai đoạn bắt buộc. Trong đó, giai đoạn tự nguyện áp dụng cho công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn từ năm 2022.

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm áp dụng IFRS của giai đoạn 1, Bộ Tài chính cần quy định rõđối tượng bắt buộc và đối tượng tự nguyện áp dụng IFRS theo từng nhóm DN cụ thể, để phù hợp với tình hình thực tiễn tại thời điểm đó. Để Đề án áp dụng hiệu quả, Bộ Tài chính sẽ chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện Đề án, đảm bảo hỗ trợ các DN bắt đầu áp dụng IFRS từ năm 2022 như: Ban hành Thông tư hướng dẫn việc áp dụng IFRS và công bố bản dịch IFRS từ tiếng Anh sang tiếng Việt; Xây dựng và ban hành các tài liệu hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ thực hiện IFRS; Bổ sung, sửa đổi và ban hành mới cơ chế tài chính liên quan đến việc áp dụng IFRS; Đào tạo nguồn nhân lực, quy trình triển khai cho các DN...

Khi áp dụng IFRS, chất lượng BCTC của DN sẽ cải thiện một cách rõ rệt thông qua nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường tính minh bạch và khả năng so sánh, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho người sử dụng báo cáo để đưa ra các quyết định quản lý, điều hành và đầu tư. Áp dụng IFRS còn tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài vào TTCK Việt Nam. Số lượng các công ty đa quốc gia tại Việt Nam sẽ gia tăng mạnh, vì các DN này sẽ giảm bớt chi phí chuyển đổi BCTC được lập theo CMKT Việt Nam sang chuẩn IFRS để hợp nhất với công ty mẹ ở nước ngoài.

Đồng thời với việc nghiên cứu để ban hành các CMKT trên, dựa trên cơ sở CMKT quốc tế, Việt Nam cần triển khai sớm các cơ sở và nguồn lực cho công tác giám sát chất lượng BCTC của DNNY khi áp dụng IFRS: Khung pháp lý, tiêu chí đánh giá, nguồn nhân lực…

Hai là, hoàn thiện Chế độ kế toán doanh nghiệp.

Chế độ kế toán DN là một bộ phận của hệ thống kế toán DN nên phải tuân theo các quy định của từng thời kỳ về phát triển kế toán, để đáp ứng yêu cầu - mục tiêu điều hành và quản lý của Nhà nước. Theo góc độ vi mô, chế độ kế toán DN cũng sẽ tuân theo các nguyên tắc, phương pháp kế toán trong tổng thể hệ thống kế toán DN. Do vậy, để hoàn thiện chế độ kế toán, cần phải có những định hướng và nguyên tắc sau đây:

- Hoàn thiện chế độ kế toán DN theo xu thế hội nhập quốc tế: Thông tin do kế toán cung cấp chỉ có giá trị pháp lý khi tuân theo các quy định của khu vực, quốc tế cũng như phản ánh được các điều kiện kinh tế cụ thể của Việt Nam. Chế độ kế toán Việt Nam cần bổ sung quy định về BCTC của các DNNY trình bày số liệu của 3 hoặc 4 năm gần nhất (năm hiện tại và 2 hoặc 3 năm trước). Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc tiếp cận thông tin, đáp ứng được mục đích so sánh thông tin, việc phân tích xu hướng phát triển của công ty được dễ dàng hơn.

Ngoài ra, Bộ Tài chính nên quy định việc trình bày và công bố Báo cáo về vốn chủ sở hữu vào trong bộ BCTC, xem đây như là một báo cáo riêng biệt trong hệ thống BCTC dành cho các DNNY. Nếu được tích hợp vào trong BCTC thì các thông tin được công bố trong báo cáo này đã được kiểm toán, như vậy, nhà đầu tư có thể yên tâm khi tiếp nhận, mức độ tin cậy về thông tin được công bố trong báo cáo này sẽ được gia tăng.

- Hài hòa với các chính sách tài chính: Chế độ kế toán DN cũng nhằm mục tiêu điều hành và quản lý, cho nên cần hài hòa với các chính sách tài chính khác như thuế, tài chính, hải quan... nhằm hướng tới sự “hội tụ” của những quy định này để vừa thuận lợi cho những người thực hiện cũng như cung cấp được thông tin trung thực và hợp lý nhất.

- Hoàn thiện chế độ kế toán DN phải tính đến yếu tố “mở” và tính chủ động: Khi chế độ kế toán DN quy định cụ thể quá sẽ dẫn đến việc khó bao quát hết được các nghiệp vụ phát sinh của DN, nhất là trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Điều này sẽ dẫn đễn các DN nhiều lúc không được phép chủ động mà phải “chờ” hướng dẫn tiếp theo để giải quyết các vướng mắc.

Hướng đến sự hội tụ của các loại hình kế toán DN: Nền kinh tế Việt Nam với nhiều loại hình DN hoạt động như: Chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng thương mại... Nếu mỗi một loại hình DN có một chế độ kế toán hướng dẫn thì sẽ thuận lợi hơn trong quá trình áp dụng, song cũng sẽ tốn kém về mặt kinh phí xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung cũng như tập huấn, do đó, cần thiết có những quy định chung nhằm đáp ứng được các yêu cầu của các loại hình DN.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2014), Luật DN số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014;

2. Quốc hội (2003, 2010), Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 và Luật Chứng khoán số 62/2010/QH12 và Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14;

3. Bộ Tài chính (2003), Chuẩn mực kế toán số 21: Trình bày báo cáo tài chính. Quyết định số 234/2003/QĐ-BTC;

4. Bộ Tài chính (2015), Thông tư số 155/2015/TT-BTC ngày 06/10/2015 hướng dẫn về việc công bố thông tin trên TTCK;

5. Bộ Tài chính (2012), Thông tư số 121/2012/TT-BTC ngày 26/7/2012 hướng dẫn quy định về quản trị DN áp dụng cho các DN đại chúng, Nghị định 71/2017-CP về Quản trị công ty;

6. Abdullah, Z. , Almsafir, M. and Al-Smadi, A. (2015), Transparency and Reliability in Financial Statement: Do They Exist? Evidence from Malaysia. Open Journal of Accounting, 4, 29-43. doi: 10.4236/ojacct.2015.44004.

7. Ferdy Van Beest vG. B. Suzanne Boelens. (2009), “Quality of Financial Reporting: measuring qualitative charateristics”, NICE working paper- Nijmegen Center for Economics, 9-108, http.www.ru.nl/nice/working paper.

(*) TS. Mai Thị Hoa - Học viện Chính sách và Phát triển.

(**) Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2021.