Một số mô hình quản lý chất lượng hữu ích cho doanh nghiệp
Thời gian qua, nhiều mô hình quản lý chất lượng được xây dựng và triển khai, đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Điển hình như mô hình quản lý chất lượng toàn diện (TQM); mô hình giải thưởng chất lượng (EFQM); mô hình quản lý chất lượng theo ISO 9000.
TQM đặt ra 7 nguyên tắc chất lượng
TQM là mô hình quản lý được hình thành từ Nhật Bản với mục đích kiểm soát chất lượng do tiến sỹ người Mỹ Arman Feigenbaum phát triển từ cuối những năm 40 của thế kỷ XX.
TQM tập trung vào các quy trình với mục đích phục vụ khách hàng, áp đặt các tiêu chuẩn, xác định vai trò của cá nhân và tổ chức trong việc xây dựng và thực hiện các quy trình, giảm thiểu lỗi trong quá trình thực hiện, kiểm soát quy trình, thống kê, theo dõi, cải tiến đảm bảo các quy trình được thực hiện hiệu quả.
TQM tập trung vào giải quyết các vấn đề về sự hài lòng của khách hàng với 7 nguyên tắc chất lượng được đặt ra như sau:
- Chất lượng định hướng vào khách hàng: Sự hài lòng của khách hàng được xác định là yếu tố đem đến sự thành công của một tổ chức.
- Lãnh đạo và cam kết của lãnh đạo: Lãnh đạo phải tạo dựng được môi trường chất lượng trong tổ chức, huy động được mọi nguồn lực và đảm bảo cho các mục tiêu chất lượng là phù hợp và được thực hiện.
- Cải tiến liên tục: Đây là hoạt động trọng tâm của TQM. Sự hài lòng của người sử dụng chỉ có thể đạt được từ chất lượng của sản phẩm, dịch vụ. Chất lượng được xem là kết quả của quy trình. Vì vậy, cải tiến liên tục quy trình thực hiện sẽ đem đến khả năng đáp ứng mong đợi cao hơn của người sử dụng.
- Cung ứng nhanh: Để đạt tới sự hài lòng của người sử dụng, tổ chức cần đảm bảo quy trình thực hiện cho phép đáp ứng các yêu cầu một cách nhanh nhất, giảm đáng kể thời gian cho việc cung ứng và tiếp nhận sản phẩm, dịch vụ của nhà cung cấp cũng như của người sử dụng.
- Hành động dựa trên sự kiện: Cách tiếp cận của TQM dựa trên dữ liệu khách quan, không dựa vào cảm xúc để ra quyết định. Các dữ liệu thống kê được phân tích, đánh giá, làm cơ sở cho việc lập kế hoạch, điều chỉnh mục tiêu, theo dõi hiệu suất, cải thiện hành động.
- Sự tham gia của toàn thể nhân viên: TQM cho rằng thực hiện quản lý chất lượng trong tổ chức chỉ có thể thành công nếu có sự tham gia của toàn thể nhân viên. Nhân viên cần được đào tạo, khuyến khích và tạo động lực tham gia đầy đủ vào hoạt động cải tiến chất lượng hướng tới mục tiêu chất lượng.
- Văn hoá TQM: Xây dựng văn hoá chất lượng trong tổ chức là nhiệm vụ quan trọng của lãnh đạo. Lãnh đạo cần đảm bảo cho mọi thành viên trong tổ chức đều được nhận thức đầy đủ về việc thực hiện tốt hoạt động cải tiến, hướng tới sự hài lòng của người sử dụng và phải chịu trách nhiệm nếu không đạt được các mục tiêu chất lượng đề ra.
Mô hình quản lý chất lượng đa chiều EFQM và ISO 9001
EFQM là một giải thưởng chất lượng của châu Âu, được Uỷ ban châu Âu và 14 tổ chức đa quốc gia châu Âu khởi xướng vào năm 1988, chính thức ra mắt năm 1991 nhằm thực hiện nhiệm vụ kích thích và hỗ trợ các tổ chức ở châu Âu thực hiện hoạt động cải tiến tạo nên sự hài lòng của khách hàng, nhân viên cũng như tác động xã hội, tăng hiệu quả kinh doanh.
EFQM là mô hình quản lý chất lượng đa chiều trên nguyên tắc tự đánh giá và chương trình giải thưởng chất lượng châu Âu.
Theo tổ chức này, việc quản lý chất lượng cần tập trung vào các hoạt động ở tất cả các cấp. Trong đó, quản lý chất lượng là một quá trình liên tục cải tiến để cải thiện hiệu suất. Đây là cách tiếp cận hướng tới việc đáp ứng sự mong đợi của các bên liên quan.
EFQM là mô hình được sử dụng trong tất cả các loại hình tổ chức, mọi ngành nghề với quy mô và cấu trúc khác nhau. Đặc trưng cơ bản nhất của mô hình EFQM là tính hiệu quả trong quản lý liên quan đến khả năng tự đánh giá của tổ chức. Theo đó, tổ chức sẽ nắm được những điểm mạnh để phát huy và điểm yếu để có các biện pháp cải tiến phù hợp.
EFQM đưa ra 9 tiêu chí khác nhau hay còn gọi là mô hình 9 chiều bao gồm: Sự lãnh đạo; nhân viên; chính sách và chiến lược; quan hệ hợp tác và các nguồn lực; quy trình; kết quả tác động nhân viên; kết quả tác động khách hàng; kết quả tác động xã hội; kết quả hoạt động chính.
Tổ chức Quốc tế về tiêu chuẩn hoá (ISO) là tổ chức xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế tình nguyện lớn nhất thế giới. Trong đó, tiêu chuẩn trung tâm là ISO 9001 đã được chỉnh sửa qua nhiều phiên bản.
Quản lý chất lượng theo ISO coi trọng việc xây dựng và thực hiện tiêu chuẩn quốc tế hoặc quốc gia nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của tổ chức cũng như nhu cầu của khách hàng.
Các nguyên tắc quản lý chất lượng được sử dụng để hướng dẫn cải thiện chất lượng của một tổ chức. ISO 9000 và TQM thực chất cùng áp dụng phương pháp quản lý chất lượng toàn diện hướng tới thoả mãn nhu cầu của khách hàng.
ISO 9001:2015 cũng đưa ra 7 nguyên tắc chất lượng, bao gồm: Hướng vào khách hàng; sự lãnh đạo; sự tham gia của mọi người; cách tiếp cận theo quá trình; cải tiến; quyết định dựa trên bằng chứng; quản lý mối quan hệ.