Một số vấn đề đặt ra khi áp dụng chuẩn mực kế toán tại các doanh nghiệp Việt Nam
Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) được xây dựng dựa trên các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS/IFRS) từ những năm 2000 đến 2005 theo nguyên tắc vận dụng có chọn lọc thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc điểm nền kinh tế và trình độ quản lý của doanh nghiệp Việt Nam tại thời điểm ban hành chuẩn mực. Trong quá trình áp dụng thực tiễn, không ít doanh nghiệp đang gặp khó khăn và yêu cầu đặt ra là cần có giải pháp khắc phục những hạn chế để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong thực hiện áp dụng các chuẩn mực kế toán.
Những vướng mắc khi áp dụng chuẩn mực kế toán tại các doanh nghiệp Việt Nam
Đến nay, Việt Nam đã xây dựng và ban hành được 26 chuẩn mực kế toán. Những chuẩn mực kế toán này được xây dựng dựa trên các chuẩn mực kế toán quốc tế nhằm đảm bảo hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Doanh nghiệp (DN) Việt Nam áp dụng các chuẩn mực kế toán là một biện pháp cần thiết để đáp ứng tính minh bạch và phản ánh sự chính xác trong các báo cáo tài chính của mình, đồng thời phản ánh được các giao dịch của nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, từ việc ban hành chuẩn mực kế toán đến việc áp dụng các chuẩn mực kế toán là cả quá trình và gặp nhiều vướng mắc, hạn chế như hệ thống pháp luật, văn hóa, trình độ và năng lực kế toán viên, quy mô DN, hoạt động thị trường tài chính…
Về hệ thống văn bản pháp luật
Hiện nay, tại Việt Nam việc tồn tại song song chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán. Một mặt nó thể hiện sự hội nhập của Việt Nam với thông lệ chung của kế toán quốc tế, một mặt thể hiện sự quản lý thống nhất của Nhà nước về kế toán. Hệ thống pháp lý kế toán này mang dáng dấp đạo luật nên việc vận dụng chuẩn mực kế toán ở Việt Nam không thể theo mô hình Anglo - Saxon với tính linh hoạt cao về nghề nghiệp.
Các nguyên tắc kế toán hiện hành được quy chiếu vào chế độ kế toán. Theo đó, Nhà nước có vai trò kiểm soát kế toán về phương pháp đo lường, đánh giá, soạn thảo và trình bày báo cáo; Việc soạn thảo, ban hành các chuẩn mực kế toán và các hướng dẫn thực hiện phải do các cơ quan nhà nước thực hiện và được đặt trong các bộ luật hoặc các văn bản pháp lý dưới luật. Do vậy, tính thống nhất trong công tác kế toán cao, biểu hiện qua việc tồn tại hệ thống tài khoản kế toán thống nhất, biểu mẫu tài chính thống nhất.
Bên cạnh đó, các quy định về pháp luật thuế cũng có ảnh hưởng đối với công tác kế toán. Tại các DN ở Việt Nam, công việc ghi nhận và đo lường kế toán thường dựa trên cơ sở quy định của thuế, dẫn đến không có sự khác biệt rõ ràng giữa lợi nhuận kế toán và thuế. Nhận thức đó đã ăn sâu và tác động rất lớn vào hành vi của người làm kế toán, dù những cải cách gần đây đã thay đổi tác động của thuế đối với kế toán. Bản thân cơ quan thuế cũng như cán bộ thuế cũng chưa nắm đầy đủ về các chuẩn mực kế toán, nên có những tranh luận giữa các DN và cơ quan thuế khi cơ quan thuế nhận báo cáo tài chính của DN.
Về kinh nghiệm và trình độ của kế toán viên
Lịch sử phát triển của kế toán các nước cho thấy, sự phát triển của kế toán có liên quan đến mức độ giáo dục và chuyên nghiệp của kế toán viên. Kế toán có trình độ đại học càng nhiều thì khả năng vận dụng các chuẩn mực kế toán ngày càng cao. Đây là điều phù hợp vì những kiến thức trong quá trình đào tạo sẽ giúp kế toán viên có nhận thức tốt hơn về khoa học kế toán, có khả năng vận dụng, lựa chọn các kỹ thuật, các chính sách kế toán phù hợp để tối đa hóa lợi ích của DN mình.
Tuy nhiên, trong thực tiễn, nội dung các chuẩn mực còn quá mới mẻ với quá nhiều khái niệm, thuật ngữ, trong khi số kế toán viên chỉ am hiểu và vận dụng trên sơ sở các thông tư hướng dẫn chi tiết trong công tác kế toán. Đây được xem là một trong những rào cản ảnh hưởng đến việc vận dụng các chuẩn mực kế toán.
Về phía các doanh nghiệp Việt Nam
Nhận thức của chủ DN đến vận dụng chuẩn mực kế toán trong các DN Việt Nam. Hầu hết các chủ DN rất ít sử dụng báo cáo tài chính trong việc ra quyết định đầu tư mà chủ yếu quan tâm đến vấn đề kê khai thuế. Bên cạnh đó, chi phí cho việc áp dụng các chuẩn mực kế toán như mua phần mềm và nâng cấp công nghệ, thuê tư vấn, đào tạo nhân viên hay tuyển nhân viên kế toán có trình độ cũng là rào cản khiến các DN hạn chế áp dụng chuẩn mực kế toán.
Hơn nữa, số lượng DN đang hoạt động chủ yếu là DN nhỏ và vừa. Đây được xem là rào cản đáng kể đến việc vận dụng chuẩn mực kế toán. Các DN có quy mô lớn thường hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, mức độ phức tạp của các nghiệp vụ kinh tế rất cao, do vậy, việc vận dụng các chuẩn mực kế toán sẽ đầy đủ hơn. Các DN càng lớn càng có nhiều nguồn lực tài chính để thực hiện các chuẩn mực kế toán mới.
Ngoài ra, kết quả hoạt động kinh doanh của các DN cũng phần nào tác động đến việc thực hiện chuẩn mực kế toán. Thông thường, các DN có khả năng sinh lời cao sẽ mở rộng địa bàn kinh doanh, tìm kiếm các nguồn tài trợ để thực hiện các phương án kinh doanh mới. Trong bối cảnh đó, số liệu báo cáo tài chính trung thực và hợp lý luôn là một trong những tiêu chí để các đối tác xem xét trước khi ra quyết định kinh doanh.
Về hoạt động của thị trường tài chính
Thị trường tài chính (thị trường chứng khoán) của Việt Nam là một trong những thị trường non trẻ nhất trên thế giới. Đến nay, nó vẫn chưa thể hiện rõ vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, mới chỉ trong phạm vi quốc gia, chưa liên thông với thị trường vốn trên thế giới.
Định hướng phát triển của chuẩn mực kế toán Việt Nam để phục vụ cho các nhà đầu tư trên thị trường vốn chưa đi sâu và nhu cầu của Việt Nam về một hệ thống kế toán phức tạp để phục vụ thị trường chứng khoán là chưa cấp bách. Ngoài ra, nhiều đối tượng (nhà đầu tư) sử dụng báo cáo tài chính chưa có nhu cầu thực sự đối vối thông tin tài chính chất lượng cao, vì thông tin tài chính chỉ đóng vai trò thứ yếu trong việc ra quyết định của họ.
Như vậy, các rào cản trên ảnh hưởng đến việc áp dụng chuẩn mực kế toán và tác động đến lợi ích của việc áp dụng chuẩn mực kế toán. Lợi ích này được xem xét ở khả năng tiếp cận các khoản tín dụng từ ngân hàng, tính minh bạch của thông tin sẽ giúp tăng hình ảnh của DN và từ đó sẽ tạo điều kiện mở rộng hoạt động kinh doanh.
Gợi ý một vài giải pháp
Tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại để các DN thuận lợi thực hiện áp dụng chuẩn mực kế toán Việt Nam, tiệm cận đến hội nhập với kế toán quốc tế thực sự cần thiết. Một số đề xuất đưa ra như sau:
Thứ nhất, Việt Nam đã công bố Luật Kế toán năm 2015, trong đó quy định về nguyên tắc giá trị hợp lý (có hiệu lực 1/1/2017). Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đang cập nhật lại 26 chuẩn mực kế toán, soạn thảo các chuẩn mực kế toán Việt Nam chưa có; đồng thời, hướng dẫn các chuẩn mực báo cáo tài chính dựa theo hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế. Điều cần lưu ý, đó là vì tồn tại song song hệ thống chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán trong thực tế công tác kế toán ở các DN, nên khi biên soạn và ban hành chế độ kế toán, cần lồng ghép, tham chiếu nội dung của chế độ kế toán với từng chuẩn mực kế toán.
Thứ hai, thay đổi nhận thức của chủ DN về vai trò của thông tin kế toán để có thể tác động đến vận dụng chuẩn mực kế toán. Khi áp dụng các chuẩn mực kế toán đầy đủ sẽ giúp DN quản lý tốt nguồn vốn, tăng khả năng tiếp cận vốn với chi phí thấp và tạo được uy tín với các nhà đầu tư, chủ nợ và khách hàng.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ kế toán có trình độ, năng lực thông qua các khóa đào tạo, tập huấn. Các cơ sở đào tạo kế toán tại Việt Nam, nhất là các trường đại học cần phải cập nhật và thay đổi chương trình đào tạo nói chung và các môn học nói riêng để người học hiểu được bản chất của chuẩn mực kế toán và thực hành các chuẩn mực đó.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Đình Khôi Nguyên (2013), “Bàn về thang đo các nhân tố phi tài chính ảnh hưởng vận dụng chuẩn mực kế toán trong các DN nhỏ và vừa ở Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 190(1), 55-60;
3. Nguyễn Công Phương (2013), “Về mô hình chuẩn mực – Chế độ kế toán của Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 194(1), 31-37;
4. Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS).