Mua bán sổ bảo hiểm xã hội, coi chừng vi phạm hình sự
Trên thị trường xuất hiện hành vi rao mua sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) của những người đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Theo quy định, mua bán sổ BHXH là hành vi vi phạm pháp luật.
Rủi ro, thiệt thòi cho người lao động
Dịch Covid-19 khiến nhiều người lao động thất nghiệp và gặp khó khăn khi tìm việc làm mới nên họ lựa chọn nhận BHXH một lần để trang trải cuộc sống. Lợi dụng tình hình này, một số đối tượng thu mua sổ BHXH của người lao động nhằm trục lợi.
Chẳng hạn, tại Bình Dương, có đối tượng lập trang facebook mạo danh BHXH tỉnh, rao mua sổ BHXH.
Ðại diện BHXH Việt Nam khẳng định, sổ BHXH không phải là đối tượng của cầm cố, thế chấp hoặc mua bán. Hoạt động mua bán, thu gom sổ BHXH dưới bất kể hình thức nào đều là bất hợp pháp và sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Các tài khoản facebook mang tên cơ quan BHXH hay BHXH Bình Dương để thực hiện hành vi trên đều là giả mạo.
Ðược biết, ngay sau khi phát hiện sự việc, BHXH tỉnh Bình Dương đã có công văn gửi Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, yêu cầu có biện pháp ngăn chặn và xử lý đối với những tài khoản mạo danh. Ðồng thời, BHXH tỉnh có công văn gửi Công an tỉnh Bình Dương báo cáo về tình hình trên và đề nghị ngành công an phối hợp vào cuộc để điều tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
BHXH Việt Nam cũng gửi thông tin về các trang facebook lập ra với mục đích mua, thu gom sổ BHXH của người lao động tới Bộ Công an để xử lý, ngăn chặn các hoạt động này trên môi trường mạng.
Ðến nay, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an đã triệu tập 2 đối tượng có hành vi mạo danh cơ quan bảo hiểm, thu mua sổ BHXH để điều tra, xác minh.
Cơ quan công an cảnh báo, các hành vi thế chấp, cầm cố, mua bán sổ BHXH rồi sau đó làm thủ tục kê khai sổ BHXH bị mất, hư hỏng để xin cấp lại thuộc trường hợp kê khai không đúng sự thật và sẽ bị xử phạt.
BHXH Việt Nam khuyến cáo, người lao động khi nhận BHXH một lần, quyền lợi sẽ bị hạn chế hơn so với khi hưởng lương hưu. Việc nhận BHXH một lần là phải chấp nhận sự thiệt thòi rất lớn.
Với mức đóng 22% tiền lương tháng vào quỹ hưu trí, tử tuất, tổng mức đóng một năm là 2,64 tháng lương. Tuy nhiên, mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Chưa kể, người nghỉ hưu có lương hưu không phải tự mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Khi hết tuổi lao động và dễ gặp bất trắc về sức khỏe, Quỹ BHXH sẽ trả kinh phí cấp thẻ BHYT và người nghỉ hưu được hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT cũng như quyền lợi tử tuất.
Nếu nhận BHXH một lần, sau này tham gia lại BHXH, người lao động không được cộng nối thời gian đóng bảo hiểm, mà chỉ tính thời gian đóng mới. Như vậy, người lao động mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, trường hợp khi nghỉ hưu vẫn đủ thời gian được hưởng lương hưu thì số tiền lương hưu sẽ thấp.
BHXH cho biết, người lao động nếu ngừng đóng bảo hiểm có thể bảo lưu thời gian đóng để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc, hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ của Nhà nước.
Người lao động cần cân nhắc, lựa chọn nhận BHXH một lần, không nên vì cái lợi trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu để trang trải cuộc sống, cũng như được hưởng chế độ BHYT để chăm sóc sức khỏe khi về già.
Theo BHXH, trong thời điểm này, nếu không may bị thất nghiệp, người lao động nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề; đăng ký nhận chế độ hỗ trợ từ gói an sinh của Chính phủ.
Ðợi qua đợt khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, nền kinh tế vận hành bình thường trở lại, người lao động có cơ hội trở lại thị trường lao động, tiếp tục đóng BHXH để cộng nối thời gian tính hưởng lương hưu sau này.
Về quyền lợi người lao động được hưởng với chế độ bảo hiểm thất nghiệp, mức trợ cấp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc 5 lần mức lương tối thiểu vùng.
Người lao động được hưởng chế độ BHYT theo quy định để khám, chữa bệnh BHYT khi không may ốm đau được hỗ trợ học nghề (tối đa 1 triệu đồng/người/tháng) và được hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Cả bên mua và bán có thể bị chế tài hình sự
Luật sư Vũ Ngọc Chi, Giám đốc Công ty Luật Tam Anh cho rằng, rất khó để xử lý trách nhiệm hình sự về hành vi mua bán sổ BHXH, song nếu các đối tượng có dấu hiệu như gian dối thông tin, giả mạo cơ quan nhà nước để trục lợi thì vẫn có nguy cơ đối diện với các chế tài nghiêm khắc.
Theo luật sư Hoàng Văn Hướng (Ðoàn Luật sư Hà Nội), sổ bảo hiểm là loại giấy tờ có giá trị về quyền tài sản được hình thành trong tương lai với các giá trị của người lao động.
Ngoài giá trị về tài sản (quyền tài sản) thì theo pháp luật dân sự, BHXH còn có đặc trưng của quyền nhân thân (gắn chặt với một người, một chủ thể) mà khó có thể mua bán được.
Còn theo luật sư Vũ Ngọc Chi, việc mua bán là giao dịch dân sự thể hiện sự giao kết, tự nguyện “thuận mua vừa bán” giữa các bên.
Bởi vì các bên đã có sự thỏa thuận, đồng thuận và trên thực tế, các bên thường áp dụng mua bán bằng hình thức ký kết giấy ủy quyền. Do đó, rất khó để xử lý hình sự về hành vi mua bán sổ BHXH đơn thuần.
“Tuy nhiên, nếu cơ quan điều tra vào cuộc và làm rõ có các dấu hiệu như các đối tượng thu mua sổ BHXH và sử dụng thông tin gian dối để hứa hẹn với người lao động nhằm chiếm đoạt tiền, hoặc mạo danh cơ quan nhà nước để mua bán nhằm trục lợi… thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và tùy vào từng tình tiết mà cơ quan công tố sẽ xem xét hành vi này sẽ bị xử lý ở tội danh nào”, luật sư Chi nói.
Thực tiễn xét xử cho thấy, trong một số trường hợp, hành vi trục lợi BHXH có sự tiếp tay của cán bộ y tế.
Chẳng hạn, mới đây, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội xem xét trường hợp của ông Nguyễn Kim Hữu (SN 1957), nguyên Giám đốc Trung tâm y tế thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên về tội giả mạo trong công tác.
Một số cán bộ của trung tâm này cũng dính líu về hành vi không thực hiện quy trình khám bệnh, lập khống và cấp giả 499 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm, giấy ra viện cho 369 người lao động, chủ yếu là công nhân của Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ô tô và xe máy Việt Nam.
Những người lao động đã sử dụng các giấy tờ trên để làm chứng từ thanh toán chế độ BHXH và được BHXH tỉnh Hưng Yên và Hải Dương chi trả số tiền 540,8 triệu đồng.
Ông Nguyễn Kim Hữu thừa nhận, vì nể nang nên đồng ý ký xác nhận trên các giấy tờ này để hoàn thiện hồ sơ khi không có chứng từ khám, chữa bệnh của người bệnh kèm theo.
Hệ quả, ông Hữu bị tòa sơ thẩm xử phạt 3 năm tù giam, nhưng tòa phúc thẩm đã xem xét và quyết định phạt bị cáo mức án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Hay năm 2019, vụ việc gian lận chiếm đoạt tiền BHXH ở Gia Lai dính líu đến nhiều đối tượng. Cơ quan tố tụng làm rõ, có một số công nhân ở Công ty TNHH MTV Cà phê Ia Sao 2 và Công ty TNHH MTV Cà phê 706 đã tìm cách khai tăng tuổi thật để nghỉ hưu sớm, chiếm đoạt tiền BHXH của Nhà nước.
Họ đã móc nối với giám định viên y tế của huyện và cán bộ tư pháp xã để được tư vấn, hướng dẫn, điều chỉnh, hợp thức hóa lại hồ sơ như làm giả giấy khai sinh…
Số tiền bị thiệt hại là hơn 1 tỷ đồng. Có 19 người đã bị truy tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; giả mạo trong công tác.