Mục tiêu đơn giản hóa chế độ báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước
Ngày 24/04/2017, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 559/QĐ-TTg Phê duyệt "Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước". Thời gian triển khai Đề án dự kiến từ 2017 đến 2020 với các nhóm giải pháp lớn.
Theo đó, việc xây dựng Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước nhằm hướng tới mục tiêu tổng thể là, xây dựng Hệ thống báo cáo quốc gia đồng bộ, thống nhất đảm bảo cung cấp thông tin một cách chính xác và đầy đủ, kịp thời, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước và người có thẩm quyền;
Đồng thời, giảm gánh nặng hành chính trong tuân thủ chế độ báo cáo tại các cơ quan hành chính nhà nước, tiết kiệm thời gian nhân lực thực hiện, nhằm loại bỏ các báo cáo, nội dung báo cáo không cần thiết, cắt giảm số lượng báo cáo, và giảm tối đa về tần suất báo cáo.
Trên cơ sở Danh mục báo cáo, chế độ báo cáo đã được hệ thống hóa, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát, đánh giá, xây dựng, phê duyệt Phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước theo các tiêu chí:
Sự cần thiết; tính pháp lý của báo cáo được thực hiện; tần suất báo cáo, kỳ báo cáo, thời điểm lấy số liệu báo cáo và thời hạn gửi báo cáo;
Trách nhiệm báo cáo, mức độ và sự phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thực hiện báo cáo;
Hình thức, nội dung báo cáo (rà soát, đánh giá cụ thể về tính rõ ràng, minh bạch, phù hợp… của hình thức, nội dung báo cáo);
Mẫu, biểu báo cáo (rà soát, đánh giá, kiến nghị cụ thể về mẫu đề cương báo cáo, biểu mẫu báo cáo…); Và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình báo cáo.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phê duyệt Phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo, trong đó, xác định cụ thể các báo cáo loại bỏ, hoặc đề nghị loại bỏ, lý do loại bỏ, đề nghị loại bỏ; các báo cáo tiếp tục duy trì thực hiện, hoặc đề nghị duy trì thực hiện, các báo cáo bổ sung thực hiện, hoặc đề nghị bổ sung thực hiện, lý do duy trì, đề nghị duy trì, bổ sung.
Nhiệm vụ cụ thể khác là xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Theo đó, hệ thống thông tin báo cáo quốc gia được xây dựng, cài đặt tại Trung tâm dữ liệu của Văn phòng Chính phủ và kết nối với các Phân hệ phần mềm báo cáo tại các Bộ, ngành, địa phương; bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện việc xây dựng Phân hệ phần mềm báo cáo theo Kế hoạch và Hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ; Văn phòng Chính phủ xây dựng, ban hành Quy chế khai thác, sử dụng Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, xây dựng Nghị định quy định về chế độ báo cáo trong các cơ quan hành chính nhà nước nhằm tạo hành lang pháp lý thống nhất, hiệu quả cho hoạt động báo cáo, khắc phục tình trạng tùy tiện trong yêu cầu báo cáo, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước.