“Muôn hình vạn trạng” trục lợi Bảo hiểm y tế
“Chúng tôi rất đau xót khi thấy hiện tượng người dân chỉ khi bệnh tật mới chịu tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hoặc một số người còn dùng thẻ BHYT để đi khám bệnh nhiều lần trong tuần, trong tháng, thậm chí có trường hợp còn dùng thuốc BHYT cấp cho cá ăn vì bản thân không có nhu cầu”.
Đây là những chia sẻ của ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam về tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT hiện nay.
Theo thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2016, quỹ khám chữa bệnh BHYT tại 37 tỉnh, thành phố trong cả nước đã bội chi hơn 3.400 tỷ đồng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này được xác định là do hành vi lạm dụng, trục lợi của người có thẻ BHYT và các cơ sở khám chữa bệnh.
8 tháng, bội chi 3.400 tỷ
Ông Phạm Lương Sơn cho biết, tổng quỹ khám chữa bệnh BHYT 6 tháng đầu năm 2016 được giao là 28.220 tỷ đồng, nhưng tổng chi khám chữa bệnh đã lên tới 30.372 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 42% dự toán Chính phủ giao (72.700 tỷ đồng), với tổng số tiền tăng thêm là 8.545 tỷ đồng.
Trong đó, nếu chia theo loại hình chi phí ngoại trú, nội trú thì thấy rõ chi phí gia tăng đột biến tại khu vực khám chữa bệnh nội trú (41%). Nếu chia theo khu vực, thì chi phí tăng tại khu vực khám chữa bệnh đa tuyến đến nội tỉnh (tức là chi phí của bệnh nhân đi khám chữa bệnh ngoài nơi khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh) là 50%.
Theo ông Sơn, đây là tốc độ gia tăng chi phí bất bình thường. Số chi thực 6 tháng là gần 31.000 tỷ đồng, nếu tính đến 11h trưa ngày 17/8, quỹ đã bội chi gần 3.000 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm, đã có 37 tỉnh có số chi vượt quỹ khám chữa bệnh được giao, với tổng số tiền vượt quỹ gần 3.404 tỷ đồng, tăng 22 tỉnh so với cùng kỳ năm 2015, với số tiền bội chi tăng thêm 2.897 tỷ đồng.
Ông Sơn dẫn ra nhiều trường hợp lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, như biểu hiện gian lận, lạm dụng và trục lợi BHYT không phải là hình thức mới, vẫn thế nhưng diễn ra ở mức độ rộng, cao hơn, ở một vài nơi nghiêm trọng hơn. Có thể nói trục lợi diễn ra cả phía người bệnh, cơ sở y tế, thậm chí là cán bộ BHXH.
“Như người bệnh, chưa tham gia nhưng mượn thẻ người khác để đi khám chữa bệnh, chỉ tham gia BHYT khi đã có bệnh, thậm chí bệnh nặng. Hay sử dụng giấy tờ không đúng quy định để tránh được chi phí đáng lẽ ra người ta phải trả”, ông Sơn nói.
Thêm vào đó, ông Sơn cũng cho biết, có trường hợp tận dụng thẻ BHYT của mình đi khám nhiều lần trong ngày. “Có những thông tin làm chúng tôi băn khoăn. Thuốc của BHYT được lĩnh ra, ngoài việc sử dụng cho cá nhân, gia đình còn cho cá ăn thuốc bổ, ăn thuốc kháng sinh. Đây là biểu hiện đáng lên án”, ông Sơn bức xúc.
Về phía cơ sở khám chữa bệnh, cũng diễn ra khá phức tạp ở một số cơ sở khám chữa bệnh, xảy ra không chỉ ở cơ sở y tế tư nhân mà còn là công lập. Bằng các thủ thuật như kê khống, lập bệnh án khống, tăng cường đưa bệnh nhân vào điều trị ngoại trú, thống kê thanh toán sai, áp giá sai...
Đe dọa an sinh xã hội
Về vấn đề này, ông Phạm Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết nguyên tắc của quỹ BHYT là hết năm phải chi trả và quyết toán, tuy nhiên 6 tháng đầu năm cho thấy quỹ đã bị mất cân đối.
“Mất cân đối tác động tới xã hội là không chăm lo được cho người dân một cách công khai minh bạch, một bộ phận đi khám chữa bệnh nhiều, một bộ phận lại không được khám chữa bệnh. Vì vậy, cần phải thấy người dân nhận thức đúng khám chữa bệnh là chăm lo sức khỏe cho tất cả mọi người, chứ một người quanh năm đi khám mà thuốc lại không sử dụng là sự lãng phí lớn”, ông Lợi đánh giá.
Đồng thời, theo ông Sơn, mất cân đối quỹ sẽ không bảo đảm nguồn lực tài chính để phục vụ toàn dân, khó hoàn thành lộ trình BHYT toàn dân. Mặc dù BHXH Việt Nam đã chuẩn bị nguồn tài chính để có nguồn lực chi trả chi phí dù gia tăng nhưng không thể kéo dài tình trạng như vậy được.
Có hai đối tượng chịu ảnh hưởng nếu mất cân đối quỹ là các cơ sở khám chữa bệnh bị ảnh hưởng, ứng dụng cải tiến áp dụng công nghệ y tế cao nâng cao chất lượng dịch vụ ảnh hưởng. Thứ hai là người dân, sẽ rất khó khăn cho việc bảo đảm nguồn lực cho người dân tham gia khám chữa bệnh.
“Nếu quản lý quỹ không được tốt sẽ ảnh hưởng tới chính sách an sinh xã hội của đất nước, mà trong đó BHYT là một trong hai trụ cột”, ông Sơn cho biết.
Vì vậy, ông Lợi cho rằng giải pháp trước mắt là cần phải nâng cao tinh thần trách nhiệm cho người dân, để người dân hiểu “đi khám nhiều lần, không có bệnh cũng đi khám đấy là hành động không đẹp”.
Tiếp đó, ông Lợi nêu quan điểm: Đúng là các cơ quan quản lý nhà nước trong những năm vừa qua, dù có cố gắng nhưng quản lý vẫn chậm đổi mới so với cơ chế chính sách, cơ chế đi trước, nhưng cung cách quản lý đi sau, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra, quản lý, xử lý còn chậm. Trong khi đó, chính quyền các cấp chưa vào cuộc. “Tôi đi giám sát nhiều tỉnh, chính quyền tỉnh nắm thông tin rất hời hợt”, ông Lợi cho biết.
Vì vậy, ông Lợi cho rằng để ngăn chặn được tình trạng bội chi quỹ như hiện nay, cần thiết phải nâng cao tinh thần khám chữa bệnh của cán bộ công chức viên chức trong quản lý, người dân. Đồng thời, quản lý bằng các công cụ hiện đại để tránh tình trạng đi khám nhiều lần và bằng nhiều thẻ.
Về phía đại diện BHXH Việt Nam, ông Sơn cũng cho biết, BHXH Việt Nam đang xây dựng quy trình thanh tra, kiểm tra không những thanh tra thu mà còn thanh tra trong nội ngành. “Chúng tôi còn đề ra nhiều giải pháp như đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp chặt chẽ hơn với các bộ ngành và cơ quan khác...”.