Muốn “hút” nhà đầu tư ngoại, khung pháp lý thành lập trung tâm tài chính quốc tế phải phù hợp với chuẩn mực quốc tế


Về hướng xây dựng khung pháp lý thành lập trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, theo kinh nghiệm của các trung tâm tài chính quốc tế thành công, khung pháp lý này phải bảo đảm phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, thì mới có thể thu hút được sự tham gia của các công ty tài chính trên thế giới tham gia thị trường.

Để học hỏi các quốc gia thành công trong xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình vừa có chuyến thăm và làm việc tại 3 nước châu Âu gồm: Anh, Luxembourg và Đức từ ngày 16-25/3. Trong đó đáng chú ý là Tọa đàm về phát triển thị trường tài chính tại Việt Nam do Bộ Tài chính Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt phối hợp tổ chức.

Trong chuyến làm việc này, đoàn công tác đã có các cuộc tiếp xúc, trao đổi đa chiều với các nhà quản lý, doanh nghiệp các quốc gia về xây dựng, vận hành hiệu quả trung tâm tài chính.

Tham gia đoàn công tác, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, thực hiện chủ trương thành lập 2 trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Đà Nẵng, đến nay, các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tại Kỳ họp thứ 9, đề nghị Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm thành lập 2 trung tâm tài chính.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho hay, qua tham khảo kinh nghiệm các nước mà Đoàn đã thăm và làm việc cho thấy, một số nội dung cơ bản mà chúng ta có thể nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm các nước để vận dụng trong thực tiễn của Việt Nam.

Theo đó, Nghị quyết của Quốc hội cần quy định cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, có thể có quy định khác với quy định của luật để tạo cơ sở cho việc hình thành khung pháp lý phù hợp cho sự vận hành của trung tâm tài chính, đáp ứng các chuẩn mực cơ bản của trung tâm tài chính quốc tế, mà các nước đã hình thành và phát triển thành công.

“Nghị quyết chỉ quy định những vấn đề chung, mang tính nguyên tắc về những vấn đề cần thiết để thành lập trung tâm tài chính quốc tế và những chính sách, cơ chế đặc thù mà trung tâm tài chính quốc tế được áp dụng khác với quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, Nghị quyết giao Chính phủ ban hành các nghị định quy định chi tiết thực hiện những cơ chế, chính sách đặc thù đó”, ông Tịnh nói.

Ông cũng cho rằng, các nghị định này cần quy định cụ thể về những vấn đề như: Điều kiện để trở thành thành viên Trung tâm tài chính quốc tế; tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp; tiêu chuẩn quản lý tài chính của thành viên thị trường; quy định về giao dịch tài chính; nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ, bao gồm các xu hướng mới như: AI, FinTech, tài sản mã hóa…; sáp nhập, hợp nhất công ty; giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại; ngôn ngữ áp dụng; cơ chế giải quyết tranh chấp đối với các giao dịch trong khuôn khổ, phạm vi của trung tâm tài chính quốc tế; đồng thời, quy định cụ thể về cơ cấu quản lý, vận hành trung tâm và cơ chế giám sát hoạt động của thị trường…

“Theo kinh nghiệm của các trung tâm tài chính quốc tế thành công, khung pháp lý này phải bảo đảm phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, thì mới có thể thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp, tập đoàn, công ty tài chính trên thế giới tham gia thị trường và mới có thể cạnh tranh được với các trung tâm tài chính quốc tế khác, bởi nhà đầu tư chỉ quyết định tham gia thị trường và đầu tư tài chính nếu như họ có sự tin cậy vào thị trường được thiết lập và vận hành bởi một khung pháp lý đồng bộ, hiệu quả theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế...”, ông Tịnh phân tích.

Để vận hành trung tâm tài chính quốc tế thành công, một vấn đề quan trọng khác, theo lãnh đạo Bộ Tư pháp, là cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo, thực hành theo chuẩn mực quốc tế và có đủ năng lực tổ chức, thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù, áp dụng cho trung tâm tài chính quốc tế này.

Từ đó, đặt ra yêu cầu cần kịp thời đào tạo, bồi dưỡng các chuyên gia pháp lý, kinh tế, tài chính, kỹ thuật, công nghệ vừa có chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ, vừa am hiểu pháp luật, văn hóa, con người Việt Nam, vừa thông thạo ngoại ngữ và pháp luật thương mại quốc tế.

Ngoài ra, ông Tịnh cũng cho rằng, cần xác định mối quan hệ giữa hoạt động của trung tâm tài chính quốc tế và thị trường nội địa Việt Nam có sự gắn kết, tương hỗ lẫn nhau và là yếu tố để thúc đẩy sự cạnh tranh của trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam. Lấy ví dụ, quan hệ đầu tư, giao dịch dân sự, thương mại giữa thành viên trung tâm tài chính quốc tế với tổ chức, cá nhân… ở ngoài phạm vi trung tâm tài chính quốc tế sẽ áp dụng pháp luật Việt Nam; phán quyết trọng tài, tòa án được ban hành theo quy chế đặc thù của trung tâm tài chính quốc tế khi có hiệu lực thi hành thì sẽ được thực hiện trên toàn lãnh thổ Việt Nam.