Muốn tận dụng FTA, mỗi tỉnh phải xác định rõ ngành hàng chủ lực
Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, để giúp doanh nghiệp tận dụng được các hiệp định thương mại tự do (FTA), mỗi địa phương cần chọn ra một vài doanh nghiệp, ngành hàng chủ lực để tập trung hỗ trợ.
Vẫn còn tâm lý “mạnh ai nấy làm”
Chia sẻ tại Tọa đàm Xây dựng hệ sinh thái tận dụng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU/EVFTA do Báo Công thương tổ chức ngày 12/12, Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương Nguyễn Thị Lan Phương cho biết, sau hơn 3 năm thực thi EVFTA, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - EU đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Riêng năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đạt trên 62 tỷ USD, thặng dư trên 31 tỷ USD.
Trong 10 tháng của năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều là 48,6 tỷ USD, thặng dư 23,96 tỷ USD; tỷ trọng thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 12,5% và nhập khẩu là 4,6%. Rõ ràng, khả năng tận dụng EVFTA của Việt Nam vẫn còn hạn chế.
Lý giải điều này, bà Phương cho rằng, một phần nguyên nhân là bởi thiếu tính kết nối và thiếu tính hợp tác giữa các doanh nghiệp, hiệp hội với chính quyền địa phương, các bộ ngành.
Dẫn thực tế, Phó Trưởng phòng WTO và FTA cho biết, tại nhiều địa phương dù đã quan tâm tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức, tận dụng cơ hội từ các FTA, song vì thiếu tính liên kết nên nội dung tuyên truyền còn chung chung, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Hệ quả là, nhiều doanh nghiệp được mời đến song thấy nội dung thiếu thiết thực, sau đó họ không còn mặn mà với các hoạt động tuyên truyền tương tự. Cũng bởi thiếu tính liên kết nên tại nhiều địa phương, chính sách hỗ trợ ban hành mang tính dàn trải, thiếu hiệu quả.
Mặt khác, mức độ quan tâm đến các FTA của nhiều doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Khi nói đến chuyển đổi sản xuất từ sản phẩm thô sang sản phẩm giá trị gia tăng cao, làm thương hiệu, nhiều chủ doanh nghiệp còn tỏ ra ngập ngừng. Khi đó, hành động của họ cũng thiếu quyết liệt, bà Phương thông tin.
Phó Trưởng phòng Quản lý đầu tư và hợp tác quốc tế, Sở Công thương Hải Phòng Phạm Thị Minh Hoa bổ sung, hiện doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chiếm đại đa số và còn tâm lý “mạnh ai nấy làm”, “làm tất ăn cả”. Về phía hiệp hội doanh nghiệp tại địa phương, do nguồn lực hạn chế nên chưa phát huy hết được vai trò quản lý, định hướng cho các hội viên, chưa tạo được sức mạnh tập thể đủ lực để cạnh tranh với chính các doanh nghiệp nước ngoài ngay tại “sân nhà”.
Ở góc độ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài xác nhận, ngay với các doanh nghiệp xuất khẩu cùng một mặt hàng sang cùng một thị trường cũng có sự cạnh tranh lẫn nhau, trong khi đáng ra các doanh nghiệp cần có sự liên kết lại. Khi doanh nghiệp vẫn “mạnh ai nấy làm” thì cơ hội tận dụng các FTA sẽ càng khó khăn hơn.
Xác định rõ lộ trình thực hiện
Từ thực tế hiện nay, Bộ Công thương đã đề xuất việc xây dựng hệ sinh thái nhằm tận dụng tận dụng FTA, bao gồm EVFTA và đã được Chính phủ đã phê duyệt vào tháng 10/2023. Theo đó, trước mắt sẽ tập trung vào một số mặt hàng chủ lực tại từng địa phương.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Phương, hệ sinh thái này sẽ gom các chủ thể có liên quan (các bộ, ngành; địa phương; doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp) để cùng ngồi lại với nhau nhằm rà soát các quy định, chương trình hỗ trợ đã ban hành, từ đó tổng hợp thành kế hoạch hành động chung của từng ngành, từng địa phương, xác định cần làm gì trước, và giám sát thực hiện.
Bà Lan Phương lưu ý, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, mỗi địa phương cần chọn một vài ngành nghề chủ lực, như tại tỉnh Bình Dương là sản phẩm gỗ, Quảng Nam là quế…, từ đó tổ chức các cuộc đối thoại, tọa đàm có sự tham gia của đại diện lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo hiệp hội để cùng lắng nghe, chia sẻ ý kiến trực tiếp. Sau khi đã chọn được ngành nghề chủ lực, các tỉnh cần phải xây dựng được lộ trình thực hiện. Từ những mô hình thành công sẽ được nhân rộng ra các ngành, các địa phương khác.
Trong hệ sinh thái, sẽ không tư duy theo một ngành, một địa phương, bởi cùng một sản phẩm như gỗ sẽ có nhiều tỉnh cùng xác định là ngành chủ lực. Do đó, các tỉnh này cũng cần có sự liên kết, phân công cụ thể xem tỉnh mình sẽ làm gì, vào thị trường nào. Chỉ khi có sự liên kết, đồng hành thì mới khẳng định được thương hiệu của sản phẩm đó trên thị trường quốc tế, Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên nhấn mạnh.
Để tận dụng hơn nữa cơ hội từ FTA, đại diện Sở Công thương Hải Phòng đề nghị, Bộ Công thương cần tăng cường hỗ trợ địa phương trong tổ chức hội nghị, hội thảo, đa dạng hình thức tuyên truyền sát thực tế; tăng cường cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại. Cùng với đó, Bộ cần hỗ trợ đào tạo nhân lực am hiểu, có chuyên môn sâu về FTA, cũng như đội ngũ cán bộ hội nhập quốc tế, qua đó giúp hỗ trợ các doanh nghiệp để tận dụng các FTA.