Mỹ giảm mạnh thuế, dòng vốn đầu tư có rời Trung Quốc sang Mỹ?
Trong nền kinh tế toàn cầu, chính sách thuế của một quốc gia phản ánh chi phí làm ăn kinh doanh ở quốc gia đó và có thể coi như một chỉ báo quan trọng của sự cạnh tranh.
Trung Quốc gặp khó khi muốn kiềm chế dòng vốn khỏi đất nước. Dù đồng USD yếu đang giúp cho Trung Quốc ngăn chặn dòng tiền rời khỏi đất nước và giúp đồng nhân dân tệ tăng giá, thế nhưng mọi chuyện sắp tới có thể thay đổi, theo những nghi vấn của Bloomberg trong bài báo mới đây.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tiến gần hơn đến việc gọi Trung Quốc là “đối thủ chiến lược” và khả năng chiến tranh thương mại đang trở nên gần hơn. Ngoài ra, việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị nâng lãi suất cơ bản đồng USD và đồng thời thực hiện gói giảm thuế sẽ giúp đồng USD tăng giá.
Khi ấy Trung Quốc sẽ gặp khó bởi đồng USD tăng giá, đồng nhân dân tệ giảm giá, còn dòng vốn dịch chuyển từ nhiều nơi trên thế giới vào Mỹ.
Trung Quốc có nhiều cách để ứng phó với việc này, thế nhưng chẳng có biện pháp nào giúp đồng nhân dân tệ tăng giá.
Trong nền kinh tế toàn cầu, chính sách thuế của một quốc gia phản ánh chi phí làm ăn kinh doanh ở quốc gia đó và có thể coi như một chỉ báo quan trọng của sự cạnh tranh. Thuế doanh nghiệp Mỹ sẽ được giảm xuống mức 21% từ mức 35%.
Cộng đồng doanh nghiệp Nhật đã rất hào hứng với quyết định giảm thuế mới nhất mà phía Mỹ đã đưa ra. Vậy chính phủ Trung Quốc liệu có đủ dũng cảm đưa ra quyết định tương tự?
Dù hiện tại, thuế thu nhập doanh nghiệp của Trung Quốc chỉ ở quanh mức khoảng 25%, chi phí liên quan đến thuế thực tế tại Trung Quốc cao nhất trong nhóm nước phát triển nếu tính cả đến việc doanh nghiệp phải đóng tiền cho quỹ hưu trí, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm liên quan đến việc làm, trợ cấp nhà ở.
Tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy mức thuế thực tế mà doanh nghiệp Trung Quốc phải đóng lên đến 67,3%, cao hơn rất nhiều so với mức 43,8% tại Mỹ và mức trung bình toàn cầu 40,5%.
Tuy nhiên, cho đến hiện tại, mức thuế doanh nghiệp cao dường như không ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của Trung Quốc trên toàn cầu bởi các công ty nước ngoài luôn bị hấp dẫn bởi lực lượng lao động tay nghề tốt, chi phí thấp và tiềm năng thị trường quy mô cực lớn.
Chính vì vậy, việc Mỹ giảm thuế sẽ không tác động nhiều đến việc ngăn chặn dòng vốn ra ngoài và việc Trung Quốc mất khả năng cạnh tranh.
Trung Quốc do vậy không chịu áp lực phải nhanh chóng giảm thuế. Nhưng ở hiện tại, chính phủ Trung Quốc ít nhất đã và đang cố gắng cải thiện cấu trúc của hệ thống thuế.
Tháng 3/2017, chính phủ Trung Quốc công bố chính phủ có kể hoạch giảm thuế và phí tổng khoảng 1 nghìn tỷ nhân dân tệ tương đương 154 tỷ USD trong năm 2017.
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm đơn giản hóa các loại thuế giá trị gia tăng, giảm chi phí cho doanh nghiệp và cho phép các doanh nghiệp nhỏ/vừa cũng như doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao được hưởng mức thuế thấp, từ 10% đến 15%.
Chính phủ Trung Quốc cùng lúc đó cũng đang rất cố gắng để thu hút và duy trì dòng vốn đầu tư nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc đã và đang điều chỉnh chính sách để khuyến khích hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, sản xuất công nghệ cao, công nghệ xanh và dịch vụ.
Những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc đã mang lại thành quả. FDI vào Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2017 tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, cùng lúc đó dòng vốn ra nước ngoài (ODI) đang chịu nhiều hạn chế khi chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hơn dòng tiền ra khỏi đất nước.
Chính sách mới của Trung Quốc trong việc khuyến khích vốn FDI và quản lý chặt chẽ vốn ODI sẽ có nhiều ảnh hưởng quan trọng đến nhà đầu tư. Các quốc gia và doanh nghiệp trên thế giới sẽ cần phải định hướng chính sách đầu tư vào những lĩnh vực mà Trung Quốc đang ưu tiên phát triển. Những lĩnh vực liên quan đến công nghệ và sáng tạo sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.