Năm 2017, ngành Du lịch dự kiến đón gần 10 triệu khách quốc tế
Tại buổi họp báo về tình hình du lịch 10 tháng đầu năm 2016, Tổng cục Du lịch đã cho biết, với mục tiêu phát triển ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành du lịch Việt Nam trong hai tháng cuối năm 2016 tiếp tục phấn đấu, duy trì thúc đẩy tăng trưởng cả về số lượng khách du lịch quốc tế và nội địa.
Theo báo cáo của Tổng Cục Du lịch Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2016, toàn ngành Du lịch Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, tổ chức triển khai nhiều hoạt động và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2016 đạt 8,077 triệu lượt khách (tăng 25,4% so với cùng kì năm 2015); khách du lịch nội địa ước đạt 53,3 triệu lượt khách (khách lưu trú đạt 24,8 triệu lượt); tổng thu từ khách du lịch đạt 331.500 tỷ đồng (tăng 19,1% so với cùng kì năm 2015).
Cùng với đó, ngành Du lịch đã tập trung xây dựng và hoàn thiện dự án Luật du lịch (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kì họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV và hoàn thiện đề án Phát triển du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn; tăng cường công tác quản lý nhà nước , kiểm soát kinh doanh trong lĩnh vực lữ hành và quản lý hướng dẫn viên; thực hiện chiến dịch nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú trên toàn quốc, đã ra quyết định thu hồi sao với 23 khách sạn 3-4 sao không đạt tiêu chuẩn; đẩy mạnh hoạt động quảng báo xúc tiến du lịch…
Nhiều địa phương đã có những chính sách, giải pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ hiệu qủa cho hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời tập trung thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Hàng loạt khu vui chơi giải trí được thành lập hiện đại, đạt đẳng cấp quốc tế của các nhà đầu tư tiềm lục như: FLC, Mường Thanh, TTC, Sungroup, Vingroup.. được đưa vào hoạt động nhằm gia tăng giá trị và hiện đại hoá cơ sở vật chất của ngành Du lịch
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động du lịch thời gian qua còn bộc lộ những hạn chế cần tập trung khắc phục: quản lý hoạt động khách du lịch một số thị trường và hướng dẫn viên người nước ngoài còn những bất cập; tai nạn đối với khách du lịch còn xảy ra tại nhiều địa phương; nhân lực trong lĩnh vực du lịch còn hạn chế nhiều về trình độ chuyên môn, ứng xử thiếu chuyên nghiệp.
Ngoài ra, trong 2 tháng cuối năm 2016, ngành Du lịch tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau: Tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn Luật; Chuẩn bị báo cáo Bộ Chính trị đề án “Phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; Tập trung triển khai thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch...
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Mục tiêu của ngành Du lịch trong 2 tháng cuối năm 2016 là tiếp tục duy trì thúc đẩy tốc độ tăng trưởng về khách du lịch quốc tế và nội địa. Dự kiến năm 2016, ngành Du lịch sẽ đón, phục vụ được 9,7 triệu khách quốc tế, 62 triệu khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 400.000 tỷ đồng, trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế là 230.000 tỷ đồng (tổng giá trị xuất khẩu du lịch đạt tương đương 10 tỷ USD).
Ông Tuấn cũng cho biết trong tuần tới (ngày 14/11), Quốc hội sẽ dành 3 phiên họp để nghe báo cáo và thảo luận về Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi). Cho đến nay, toàn bộ hồ sơ Đề án phát triển Du lịch thành ngành mũi nhọn đã được Ban cán sự Đảng, Chính phủ trình Bộ Chính trị xem xét và cho ý kiến. Bộ Chính trị có thể ban hành Nghị quyết phát triển Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước ngày càng phát triển.