Năm 2021 lập kỷ lục mới về hoạt động IPO trên toàn cầu

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Khi mà năm 2021 còn 6 tuần nữa mới kết thúc, ước tính khoảng 2.850 doanh nghiệp và công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) đã huy động khoảng 600 tỷ USD thông qua các đợt IPO.

Ảnh: FT
Ảnh: FT

Hoạt động chào bán cổ phiếu (IPO) trên quy mô toàn cầu đã vượt kỷ lục trước đây, nguyên nhân chính nhờ hàng loạt các công ty tranh thủ IPO trong bối cảnh thị trường toàn cầu không ngừng lập những đỉnh cao mới.

Theo Bloomberg, khi mà năm 2021 còn 6 tuần nữa mới kết thúc, ước tính khoảng 2.850 doanh nghiệp và công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) đã huy động khoảng 600 tỷ USD thông qua các đợt IPO. Chính vì vậy, nếu xét cả về số lượng các doanh nghiệp tiến hành IPO và giá trị IPO, năm 2021 đã vượt qua cả đỉnh năm 2007 trước đây.

Một số các đợt IPO doanh nghiệp đáng chú ý của năm nay có thể kể đến công ty khởi nghiệp Rivian Automotive vốn đã huy động được 12 tỷ USD trên thị trường New York ngay trong tháng này; đợt IPO của công ty China Telecom thu về 8,4 tỷ USD trong tháng 8/2021; đợt IPO của công ty Ba Lan InPost SA đứng đầu châu Âu với quy mô 2,8 tỷ euro tức khoảng 3,2 tỷ USD tại Amsterdam.

Ba công ty trên đã tranh thủ tận dụng việc thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh khi mà nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới tranh thủ bơm tiền mạnh ra thị trường. Ngoài ra phải kể đến việc quá trình phục hồi kinh tế từ đại dịch cho đến hiện tại rất ấn tượng, ngoài ra là nhiều biện pháp kích cầu giúp cho lợi nhuận doanh nghiệp tăng vọt.

Tuy nhiên, mọi chuyện không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Nhiều cơ quan quản lý đã chỉ trích cơn sốt SPAC. Việc giới chức Trung Quốc siết chặt các biện pháp kiểm soát các doanh nghiệp công nghệ trong mùa hè vừa qua đã gây ra cơn “ớn lạnh” khắp các thị trường toàn cầu. Thực tế này chặn lại làn sóng niêm yết của doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ và “phủ bóng đen” lên triển vọng thị trường IPO của Hồng Kông.

Đồng trưởng bộ phận kinh doanh thị trường vốn tại UBS AG, ông Gareth McCartney, nhận xét: “Chúng ta đang chuyển từ một thị trường hoàn hảo cho IPO với rát nhiều thanh khoản và hợp đồng trong bối cảnh môi trường bình thường”. Nhà đầu tư trở nên chọn lọc hơn trong hoạt động mua bán.

Việc nhà đầu tư cá nhân tham gia mạnh mẽ vào thị trường chứng khoán toàn cầu đã giúp thị trường có nhiều phiên tăng điểm trong năm nay, ngoài ra, nhà đầu tư quan tâm nhiều đến cổ phiếu của một số lĩnh vực có hoạt động kinh doanh tăng trưởng nóng.

Việc thị trường tăng điểm mạnh cũng khiến cho nhà đầu tư lo sợ về rủi ro bong bóng trên thị trường. Giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ hiện đang ở mức cao nhất tính từ bong bóng dotcom của năm 2000.

Các chuyên gia quản lý quỹ đã trở nên ngày một khó tính hơn trong bối cảnh có quá nhiều đợt IPO và thay đổi chính sách tại một số nước. Đợt IPO của công ty Kuaishou Technology, đối thủ của TikTok, đã vô cùng khó khăn khi mà giá cổ phiếu sau khi tăng ngay gấp 3 lần đã giảm xuống mức thấp hơn 16% so với mức giá chào bán ban đầu.

Nhiều đợt IPO gây thất bại. Cổ phiếu của hãng cung cấp dịch vụ thanh toán số Paytm của Ấn Độ giảm 27%; cổ phiếu của công ty giao thực phẩm Deliveroo giảm 26% còn cổ phiếu của công ty Oscar Health giảm 11% trong tháng 3.

Đặc biệt trong nửa sau của năm nay, số lượng các đợt IPO bị hủy bỏ đã nhiều hơn, trong đó phải kể đến công ty cung cấp dịch vụ y tế Icade Sante SAS ở Pháp, công ty đầu tư phần mềm Allvue Systems Holdings ở Mỹ và công ty Novotech Health ở Hồng Kông.