Năm của nỗ lực vượt khó và đột phá trong cải cách

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 1 - 2015

(Tài chính) Năm 2014 ghi nhận những kết quả ấn tượng của ngành Thuế trong công tác thu ngân sách nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, giảm số giờ nộp thuế trong… Tạp chí Tài chính số Xuân có cuộc phỏng vấn ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế xung quanh vấn đề trên.

Năm của nỗ lực vượt khó và đột phá trong cải cách - Ảnh 1
Ông Bùi Văn Nam
Phóng viên: Đánh giá khái quát về những kết quả nổi bật của ngành Thuế trong năm qua, Tổng cục trưởng có nhận định gì?

Ông Bùi Văn Nam: Năm 2014, ngành Thuế đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN). Tính đến ngày 27/12/2014, tổng thu NSNN do ngành Thuế quản lý ước đạt 681.100 tỷ đồng, bằng 109,1% so với dự toán (tương ứng vượt 56.900 tỷ đồng), bằng 100,4% so với thực hiện năm 2013. Trong đó; thu nội địa ước đạt 579.100 tỷ đồng, bằng 107,4% so với dự toán, tăng 3,8% so với thực hiện năm 2013; Có 13/14 khoản thu, sắc thuế hoàn thành vượt mức dự toán pháp lệnh.

Đặc biệt, 2014 là năm có tới 57/63 địa phương hoàn thành dự toán pháp lệnh về tổng thu (kể cả dầu thô), như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa... 6/63 địa phương không hoàn thành dự toán là do bị ảnh hưởng giảm thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ hoạt động kinh doanh nông, lâm, thủy hải sản khi thực hiện Thông tư số 219/2013/ TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.

Có được kết quả này là do ngành Thuế đã bám sát và thực hiện triệt để các giải pháp theo Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị 03/ CT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế (NNT). Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tăng thu, chống thất thu ngân sách, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế; tăng cường việc kiểm soát và khai thác nguồn thu. Việc tổ chức thu kịp thời cổ tức được chia của phần vốn Nhà nước tại công ty cổ phần và phần lợi nhuận còn lại của các tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định 204/2013/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã góp phần tăng thu cho NSNN…

Bên cạnh đó, đơn vị còn đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các chính sách thuế và quản lý thuế mới đến NNT, đặc biệt là những nội dung về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), qua đó tạo thuận lợi cho NNT. Trong năm 2014, đã thực hiện hỗ trợ tại cơ quan thuế cho 175.200 lượt NNT, hỗ trợ qua điện thoại cho 194.000 lượt NNT, hỗ trợ bằng văn bản là 23.500. Tổ chức 1.260 buổi tập huấn cho 714.915 cán bộ thuế và NNT, tổ chức hơn 3.500 buổi đối thoại cho hơn 100.000 DN.

Không chỉ vậy, cơ quan thuế còn chú trọng vào công tác quản lý kê khai, kế toán thuế và hoàn thuế GTGT. Qua đó, một mặt, nắm bắt kịp thời tình hình thực tế của DN, NNT với với hệ thống dữ liệu của cơ quan thuế đảm bảo kiểm soát, nắm bắt, theo dõi và quản lý thuế kịp thời. Mặt khác, đẩy mạnh việc giám sát, đôn đốc kê khai thuế, số lượng tờ khai phải nộp, đã nộp, nộp đúng hạn đã tăng lên cả về mặt số lượng. Thực hiện quản lý, điều hành Quỹ hoàn thuế GTGT chặt chẽ và linh hoạt gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế...

2014 là năm hệ thống Thuế đã tạo được bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm số giờ kê khai, nộp thuế. Đâu là bí quyết tạo nên thành công này, thưa Tổng cục trưởng?

Để giảm số giờ kê khai, nộp thuế cũng như tạo điều kiện cho DN, NNT thực hiện nghĩa vụ nộp NSNN, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các đơn vị thuộc trực thuộc nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Tổng cục Thuế về việc thực hiện các giải pháp giảm số giờ nộp thuế, nhằm cải cách TTHC, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của DN.

Đồng thời, ngày 6/8/2014, Tổng cục Thuế đã ký Quyết định số 1201/QĐ-TCT về Kế hoạch hành động của Tổng cục Thuế tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý thuế, đẩy mạnh cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho NNT. Ngay sau khi ban hành kế hoạch, các đơn vị và các Cục Thuế đã đồng loạt thực hiện, cụ thể hoá thành các công việc, nhiệm vụ và giao trực tiếp cho từng bộ phận, cán bộ triển khai…

Song song với đó, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính ban hành 01 thông tư sửa đổi, bổ sung 7 thông tư; tham mưu trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành 1 nghị định sửa đổi, bổ sung 4 nghị định, qua đó giảm được 290 giờ thực hiện các thủ tục về thuế. Ngoài ra, phối hợp với các đơn vị liên quan trình Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành 1 Luật sửa đổi, bổ sung 5 Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015, qua đó tiếp tục giảm được 80 giờ.

Tổng cục cũng đang đẩy nhanh tiến độ Dự án kê khai thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc, đến hết năm 2014 đạt 95% số DN đang hoạt động khai thuế điện tử. Trong năm 2014, đơn vị cũng đã ký kết thoả thuận với 5 ngân hàng thương mại để thực hiện thí điểm nộp thuế điện tử tại 18 Cục Thuế địa phương. Thực hiện giải pháp này vừa tiết kiệm thời gian, chi phí nộp tờ khai thuế của DN, vừa hạn chế sự can thiệp, tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế với DN trong quá trình kê khai thuế.

Như vậy, theo lộ trình, dự kiến đến năm 2015, sẽ giảm được tổng số giờ làm thủ tục thuế là khoảng 370 giờ và khi đó sẽ chỉ còn 167 giờ kê khai, nộp thuế/năm…

Năm 2014, ngành Thuế đã thực hiện hỗ trợ tại cơ quan thuế cho 175.200 lượt người nộp thuế, hỗ trợ qua điện thoại cho 194.000 lượt người nộp thuế, hỗ trợ bằng văn bản là 23.500 văn bản. Tổ chức 1.260 buổi tập huấn cho 714.915 cán bộ thuế và người nộp thuế, tổ chức hơn 3,5 ngàn buổi đối thoại cho hơn 100.000 doanh nghiệp tham dự.

Điểm sáng của hệ thống Thuế trong năm 2014 là công tác thanh tra, đôn đốc thu hồi nợ đọng và chống thất thu thuế. Tổng cục trưởng có thể cho biết vài nét về vấn đề này?

Trong năm 2014, cơ quan thuế các cấp đã thanh tra, kiểm tra được 67.814 DN, đạt 90,6% kế hoạch và bằng 105,7% so với năm 2013; kiến nghị xử lý thu vào NSNN là 12.212,6 tỷ đồng, bằng 89,4% so với năm 2013; giảm khấu trừ là 1.047,4 tỷ đồng, bằng 88,7% so cùng kỳ; tổng số giảm lỗ là 19.733,4 tỷ đồng, bằng 131,4% so cùng kỳ; đã đôn đốc nộp vào ngân sách là 7.757,6 tỷ đồng, bằng 80,2% so với cùng kỳ năm 2013.

Đặc biệt, trong năm qua, nhành Thuế đã thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế đối với 3.311 hồ sơ tương ứng với số tiền thuế đã hoàn là 42.872 tỷ đồng (chiếm gần 50% số tiền thuế ước thực hiện trong năm 2014), qua đó thu hồi hoàn là 224,6 tỷ đồng, phạt vi phạm hành chính là 25,5 tỷ đồng, số tiền chậm nộp là 16 tỷ đồng.

Tính đến ngày 20/12/2014, cơ quan thuế đã chuyển cơ quan công an 1.826 hồ sơ có các dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế về đề nghị phối hợp đôn đốc thu hồi nợ đọng. Cơ quan công an đã xử lý hình sự 17 vụ (bắt giữ, tạm giữ 12 đối tượng có dấu hiệu chiếm đoạt tiền hoàn thuế; khởi tố, điều tra 18 vụ chiếm đoạt tiền hoàn thuế) và chuyển lại cơ quan thuế để xử lý hành chính 214 hồ sơ; hiện nay số hồ sơ còn tồn ở cơ quan công an là 2.450 vụ.

Cũng trong năm qua, toàn ngành Thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 2.866 DN lỗ, DN có dấu hiệu chuyển giá và DN có hoạt động giao dịch liên kết (bằng 179,80% so với cùng kỳ), giảm lỗ 5.830,16 tỷ đồng (bằng 181,69% so với cùng kỳ), truy thu, truy hoàn và phạt 1.700,81 tỷ đồng (bằng 211,96% so với cùng kỳ). Trong đó, qua thanh tra, kiểm tra đối với 30 DN FDI có giao dịch liên kết, rủi ro cao về chuyển giá, cơ quan thuế đã kết thúc thanh tra, kết quả đã giảm lỗ trên 1.600 tỷ đồng, sau khi miễn giảm thuế do ưu đãi đầu tư, đã truy thu thuế TNDN và xử phạt vi phạm trên 600 tỷ đồng.

Năm của nỗ lực vượt khó và đột phá trong cải cách - Ảnh 2

Ngoài ra, chúng tôi tập trung vào xây dựng chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2014 đến từng đơn vị, chỉ đạo các đơn vị tăng cường áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định, quy trình quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế. Hàng tháng, xây dựng kế hoạch thu tiền thuế, nợ đọng chi tiết đối với từng người nộp thuế, từng khoản thu, sắc thuế, từng địa bàn, khu vực kinh tế; đồng thời, đề ra các biện pháp thực hiện kế hoạch có hiệu quả để đạt được chỉ tiêu... Đối với các khoản tiền thuế nợ đến 90 ngày, thực hiện đôn đốc thu nộp bằng các biện pháp gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử, ban hành 100% thông báo tiền thuế nợ và tiền chậm nộp theo mẫu số 07/QLN của Quy trình quản lý nợ thuế...

Từ những việc làm ở trên, tổng số tiền nợ thuế tính đến ngày 31/12/2014 là 70.241 tỷ đồng, tăng 14,9% so với ngày 31/12/2013. Nếu chưa tính các khoản phạt và tiền chậm nộp, nợ chờ xử lý và khoản nợ khó thu, tổng số nợ thuế đến ngày 31/12/2014 là 44.216 tỷ đồng, tăng 7,8% so với thời điểm 31/12/2013.

Tiếp nối những kết quả trên, sang năm 2015, ngành Thuế dự liệu những giải pháp trọng tâm gì để hoàn thành tốt nhiệm vụ thu NSNN?

Năm 2015, nhiệm vụ thu ngân sách Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao cho ngành Thuế là 731.600 tỷ đồng. Trong đó, thu từ dầu thô là 93.000 tỷ đồng; thu nội địa đạt 638.600 tỷ đồng, thu nội địa không kể tiền sử dụng đất là 599.600 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, tuy nhiên, ý thức việc hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2015 là hết sức quan trọng, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo đúng định hướng, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội, do vậy, ngay từ đầu năm 2015, ngành Thuế sẽ tập trung triển khai các nhiệm trọng tâm sau:

Một là, thực hiện tốt nhiệm vụ thu NSNN năm 2015, đảm bảo số thu nội địa không kể dầu thô vượt tối thiểu từ 8 - 10% dự toán pháp lệnh đã được Quốc hội, Chính phủ giao cho cơ quan thuế quản lý.

Hai là, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế.

Ba là, rà soát để tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC và tháo gỡ những khó khăn, khắc phục những hạn chế, rảo cản làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của DN.

Bốn là, tổ chức triển khai thực hiện tốt các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành trong năm 2014, để đưa chính sách vào cuộc sống, đặc biệt là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

Năm là, đẩy mạnh tiến trình cải cách hiện đại hoá công tác thuế theo đúng lộ trình đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt.

Sáu là, tăng cường kỷ luật kỷ cương nội Ngành, thực hiện tốt chương trình phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan thuế các cấp.

Song song với việc thực hiện các nhiệm vụ trên, cơ quan thuế còn đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp để phấn đấu tăng thu ngân sách:

Thứ nhất, tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho NNT và nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ. Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách thuế mới.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác chống thất thu ngân sách và chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong công tác thanh tra, kiểm tra. Tập trung thanh tra, kiểm tra các DN có rủi ro cao về hoàn thuế, đưa vào kế hoạch và thanh tra, kiểm tra đối với những DN có giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ. Tham mưu cho UBND chỉ đạo các cơ quan chức năng tích cực phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong công tác ngăn chặn hành vi trốn thuế, lậu thuế.

Thứ ba, tập trung triển khai thực hiện các giải pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, chỉ tiêu thu nợ thuế; phân loại tiền thuế nợ theo đúng quy định để tham mưu các biện pháp đôn đốc phù hợp để thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN đối với từng NNT. Tham mưu cho UBND các cấp chỉ đạo cơ quan, ban ngành có liên quan phối hợp với cơ quan thuế trong việc thu hồi tiền thuế nợ và thực hiện cưỡng chế đối với NNT.

Thứ tư, rà soát, nắm chắc nguồn thu và số lượng NNT trên địa bàn. Phân tích, đánh giá cụ thể nguyên nhân tác động làm tăng, giảm nguồn thu theo địa bàn, lĩnh vực thu để có giải pháp thích hợp.

Thứ năm, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, các quận, huyện trên địa bàn tích cực đề ra các giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN; đẩy mạnh việc quy hoạch đất đai, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, phí, lệ phí; phối hợp với cơ quan Tài nguyên - Môi trường trong việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản... để kịp thời thu những khoản thu từ nhà, đất và phí, lệ phí vào NSNN.

Thứ sáu, tăng cường theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai, nộp thuế, hoàn thuế của các tổ chức, cá nhân nộp thuế. Thực hiện tốt công tác quản lý kê khai thuế thông qua việc phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đối chiếu để xác định chính xác số đơn vị đang hoạt động, ngừng, nghỉ kinh doanh, bỏ trốn, mất tích, đảm bảo 100% số lượng NNT hoạt động phải kê khai thuế.

Thứ bảy, đổi mới công tác tuyên truyền, hỗ trợ NNT một cách hiệu quả, thiết thực, xuất phát từ yêu cầu của NNT bằng những hình thức phù hợp với đặc điểm vùng, miền, NNT. Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các hành vi vi phạm pháp luật thuế nhằm tạo sự đồng thuận và ủng hộ của xã hội về công tác thuế…

Trên nền tảng kết quả đã đạt được, với tinh thần đoàn kết nỗ lực vượt khó cùng những giải pháp được triển khai đồng bộ ngay từ đầu năm, tin tưởng rằng năm 2015 ngành Thuế tiếp tục hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao để lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Thuế Việt Nam (10/9/1945 - 10/9/2015).

Xin cảm ơn Tổng cục trưởng!