Năm thứ 2 liên tiếp kiểm soát được bội chi ngân sách cả về số tuyệt đối và tương đối
Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2016-2021, ngày 10/12/2018.
Phát biểu tại phiên khai mạc kì họp, thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài chính, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Ninh Bình trong năm 2018.
Đến nay, tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành 16/16 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Trong đó, 11 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch, một số chỉ tiêu đã vượt và tiếp cận với mục tiêu Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XXI đề ra. Đặc biệt, thu ngân sách trên địa bàn Tỉnh năm 2018 ước đạt 10.450 tỷ đồng, tăng 31,2% so với dự toán HĐND giao và tăng 37% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, mức tăng rất cao so với mặt bằng chung của cả nước.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, những kết quả Tỉnh đạt được đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu chung của cả nước.
Thông tin về tình hình kinh tài chính – ngân sách năm 2018, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, nhờ tình hình kinh tế khởi sắc và việc triển khai đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, tại thời điểm tháng 10, ngành Tài chính ước thu ngân sách nhà nước năm 2018 vượt 3% dự toán. Đến nay, Bộ Tài chính đánh giá có thể vượt khoảng 5% so dự toán thu ngân sách; Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt 24,5%GDP, trong đó thu từ thuế, phí đạt 20,7% GDP, góp phần đảm bảo các nhiệm vụ chi ngân sách trong tình hình mới.
Chi ngân sách đã được cơ cấu lại, tỷ trọng chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 27% tổng chi ngân sách; Tỷ trọng chi thường xuyên khoảng 63%; Đồng thời, vẫn thực hiện mục tiêu tăng lương cơ sở 7%/năm.
Bộ trưởng nhấn mạnh, năm 2018 là năm thứ 2 liên tiếp kiểm soát được bội chi ngân sách cả về số tuyệt đối và số tương đối. Trong điều hành, dự kiến sẽ dành thêm nguồn tăng thu, tiết kiệm chi để giảm tỷ lệ bội chi xuống khoảng 3,5% so với mức dự toán 3,7% Quốc hội quyết định. Đồng thời, nợ công tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng tích cực, nâng cao tính an toàn, bền vững tài chính quốc gia…
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội và tài chính – ngân sách năm 2019, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục quán triệt quan điểm triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, phù hợp khả năng cân đối nguồn lực ngay từ khâu xác định nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm cần thực hiện năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2019-2021; Xây dựng và triển khai dự toán ngân sách nhà nước gắn với chiến lược và định hướng phát triển trong từng thời kỳ, đảm bảo tính bền vững của ngân sách nhà nước, xác định được thứ tự ưu tiên trong phân bổ nguồn ngân sách nhà nước đối với từng ngành, lĩnh vực.
Đồng thời, kiên định thực hiện quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; Tăng cường quản lý tài chính doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; Đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công; Tiếp tục triển khai lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí vào giá các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, giao quyền tự chủ về tổ chức, biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…