Nâng cao chất lượng báo cáo tài chính: Mấu chốt là ở ý thức của doanh nghiệp
“Để nâng cao chất lượng báo cáo tài chính (BCTC), mấu chốt là ở ý thức của doanh nghiệp. Chỉ khi doanh nghiệp mong muốn trình bày BCTC trung thực, minh bạch, không phục vụ mục đích riêng mà hướng tới sự phát triển bền vững, an toàn tài chính, bảo toàn vốn thì chất lượng BCTC mới được cải thiện căn bản”. Đó là ý kiến của ông Trịnh Đức Vinh - Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí Chứng khoán xung quanh chủ đề làm thế nào để nâng cao chất lượng BCTC.
Có ý kiến cho rằng, các bất cập và độ minh bạch trong BCTC của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn là “điểm trừ” trong bức tranh chung về thị trường tài chính thời gian gần đây. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Hiện nay, BCTC của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng trở nên trung thực và minh bạch hơn do các quy định của Nhà nước ngày càng rõ ràng và tiếp cận dần tới chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Đặc biệt BCTC của các doanh nghiệp sau khi đã được kiểm toán thì độ rủi ro đã được hạn chế một phần thông qua quá trình soát xét của các doanh nghiệp kiểm toán (DNKT).
Tuy nhiên, không thể nói là BCTC của các doanh nghiệp Việt Nam đã hoàn hảo và không có vấn đề gì, việc cố tình “bóp méo” BCTC đâu đó vẫn diễn biến phức tạp theo cả 2 xu hướng lãi giả - lỗ thật và lỗ giả - lãi thật, tùy thuộc vào mục đích của lãnh đạo doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoặc các công ty niêm yết thông thường họ có xu hướng làm đẹp BCTC, nghĩa là họ muốn giấu lỗ. Sở dĩ có câu chuyện này là bởi việc làm đẹp BCTC tại các DNNN sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi và “ghế” của các vị lãnh đạo doanh nghiệp do có sự xếp loại A, B, C.
Khi doanh nghiệp bị lỗ 2 năm liên tục thì “ghế” các vị lãnh đạo DNNN sẽ lung lay, lương, thưởng của ban điều hành bị giảm. Còn đối với các công ty cổ phần, công ty đại chúng đặc biệt là các công ty niêm yết do chịu áp lực từ cổ đông, do muốn nâng đỡ giá cổ phiếu nên BCTC cũng phải “đẹp”.
Mặt khác, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp Việt Nam rất lớn và không ai muốn cho các doanh nghiệp có BCTC xấu vay cả. Các đối tượng này thường có xu hướng muốn giấu lỗ, sẵn sàng hy sinh lợi ích về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), tức là chấp nhận lỗ nhưng vẫn nộp thuế TNDN để đạt được các mục đích khác.
Tương tự, các doanh nghiệp có ý định niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán cũng vậy, do một trong những điều kiện để được niêm yết là phải có lãi 2 năm liên tục trước khi lên sàn nên các doanh nghiệp đó cũng muốn có một BCTC “đẹp”.
Một số những “chiêu” cơ bản của các doanh nghiệp để giấu lỗ là những khoản tổn thất thì họ lại ghi nhận vào mục chi phí trả trước để phân bổ dần, nghĩa là chi phí và những khoản tổn thất thật sự sẽ được “phanh lại” và treo trên Bảng cân đối kế toán thay vì ghi nhận như một khoản lỗ của Báo cáo kết quả kinh doanh, việc không trích lập đủ các khoản dự phòng, việc ghi nhận doanh thu khi chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Chuẩn mực kế toán…
Tất cả những ví dụ trên đều nhằm mục đích làm tăng lợi nhuận của doanh nghiệp dẫn đến BCTC bị bóp méo theo hướng lãi giả - lỗ thật.
Ngược lại, đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp gia đình, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì mục đích của họ lại khác.
Do các doanh nghiệp này được sở hữu bởi một hoặc một số cá nhân, họ không cần nâng đỡ giá cổ phiếu, không sợ bị “mất ghế” nên mục đích của các doanh nghiệp này là làm sao có thể giảm được thuế nhiều nhất, vậy nên họ lại có xu hướng muốn giấu lãi bằng cách giấu doanh thu.
Ví dụ, nhiều doanh nghiệp bán hàng nhưng cố tình không xuất hóa đơn hoặc khi bị khách hàng yêu cầu xuất hóa đơn thì họ tìm nhiều lý do để trì hoãn làm cho những khách hàng là cá nhân thường không đủ kiên nhẫn rồi bỏ qua việc yêu cầu lấy hóa đơn.
Việc này nếu thực hiện trót lọt sẽ làm giảm thu nhập chịu thuế dẫn đến BCTC bị bóp méo theo xu hướng lỗ giả - lãi thật. Mặc dù ai cũng biết, nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp được xác định dựa trên các báo cáo thuế chứ không dựa trên BCTC, tuy nhiên BCTC lại là một trong những căn cứ quan trọng để lập nên báo cáo thuế nên nếu cơ quan thuế không kiểm tra được sự trung thực của BCTC thì khả năng rất cao là báo cáo thuế cũng bị sai lệch đáng kể.
Theo ông, nguyên nhân của hiện tượng sai lệch BCTC là do đâu và các cơ quan quản lý nhà nước cũng như bản thân các doanh nghiệp cần phải làm gì để nâng cao hơn nữa chất lượng BCTC?
Lý do sai sót trên BCTC thì có nhiều, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, có thể là do gian lận và cũng có thể do sai sót vô ý.
Như tôi đã nói ở trên, nguyên nhân chủ yếu làm cho BCTC giảm bớt sự trung thực và minh bạch là do ý muốn chủ quan của doanh nghiệp, cố tình gian lận để trình bày BCTC theo mục đích riêng của từng doanh nghiệp, tức là muốn giấu lãi hoặc giấu lỗ.
Mặt khác, nghề kế toán là nghề của những con số nên khó tránh khỏi việc sai sót khi tính toán số liệu và nếu hệ thống kiểm soát nội bộ không làm hết trách nhiệm thì khả năng sai sót số liệu do tính toán là rất cao.
Ngoài ra, do một số quy định về pháp luật còn chưa thật sự rõ ràng, thậm chí có trường hợp còn có sự mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật nên gây khó khăn cho việc áp dụng hoặc có thể dẫn đến hiểu sai quy định của pháp luật.
Để nâng cao chất lượng BCTC, mấu chốt là ở ý thức của doanh nghiệp. Chỉ khi doanh nghiệp mong muốn trình bày BCTC trung thực, minh bạch, không phục vụ mục đích riêng mà hướng tới sự phát triển bền vững, an toàn tài chính, bảo toàn vốn thì chất lượng BCTC mới được cải thiện căn bản.
Điều này lý giải tại sao Chuẩn mực và thông lệ quốc tế luôn nhắc tới BCTC vì mục đích chung, phục vụ người đọc BCTC nói chung, phục vụ công chúng chứ không phải phục vụ mục đích của cá nhân doanh nghiệp. Nói cách khác, chỉ khi ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp được nâng cao thì BCTC mới đảm bảo độ tin cậy.
Vấn đề nguồn nhân lực cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong công tác kế toán, lập và trình bày BCTC. Nếu bộ máy kế toán không đủ mạnh về chuyên môn, việc hiểu và diễn giải sai chính sách là điều có thể nhìn thấy trước. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tăng cường công tác đào tạo nhân viên để có thể nâng cao năng lực, kịp thời cập nhật các quy định mới của pháp luật trong lĩnh vực tài chính.
Trước đây, các doanh nghiệp có tư duy lập BCTC là để phục vụ cho cơ quan thuế, nhưng nay các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy nhận thức là BCTC phục vụ nhu cầu quản lý của chính các chủ sở hữu của doanh nghiệp đó.
Do có sự khác biệt giữa BCTC và báo cáo thuế nên nếu doanh nghiệp cố “nắn” BCTC theo báo cáo thuế thì trong một số trường hợp sẽ làm sai lệch số liệu kế toán do cơ sở ghi nhận kế toán và cơ sở tính thuế là khác nhau. Hãy coi cơ quan thuế là một đối tác, một người bạn, một chủ nợ của doanh nghiệp như bao chủ nợ khác.
Ngoài ra, chất lượng BCTC còn phụ thuộc vào các cơ quan nhà nước khi hoạch định chính sách. Đó là làm sao để chính sách càng ngày càng minh bạch để khi doanh nghiệp đọc một văn bản, họ không thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau và diễn giải theo nhiều ý khác nhau.
Tóm lại, việc nâng cao chất lượng BCTC cũng giống như việc chống tham nhũng, phải làm sao cho doanh nghiệp “không thể, không dám và không muốn” làm sai lệch các BCTC. “Không thể” được nói ở góc độ chính sách minh bạch nên doanh nghiệp không thể tự ý bóp méo.
Doanh nghiệp “không dám” vì nếu bóp méo, xuyên tạc chính sách sẽ phải chịu những chế tài xử phạt nặng nề của pháp luật. “Không muốn” tức là nếu bóp méo BCTC thì danh tiếng của doanh nghiệp sẽ bị tổn hại vì khi đó sẽ làm mất uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.
Như ông đã nói, BCTC cũng đã được hạn chế một phần rủi ro thông qua quá trình soát xét của các DNKT. Vậy ông có thể nói rõ hơn yếu tố nào ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của dịch vụ kiểm toán?
Có nhiều nguyên nhân làm hạn chế chất lượng dịch vụ kiểm toán và hầu hết là các nguyên nhân chủ quan.
Thứ nhất, do sự cạnh tranh gay gắt giữa các DNKT, phí kiểm toán thu được trong một số trường hợp không đủ bù đắp nổi chi phí cho cuộc kiểm toán. Để giảm bớt chi phí, các DNKT thường giảm bớt việc thu thập bằng chứng kiểm toán, không thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán, một số DNKT (tất nhiên không phải là quá phổ biến) thậm chí còn bán con dấu lấy tiền, tức là không hề thực hiện kiểm toán mà chỉ đóng dấu thu tiền.
Thứ hai, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đều lập BCTC theo năm dương lịch, do đó mùa kiểm toán cũng phải chạy theo kỳ BCTC. Vào mùa, các DNKT thường quá tải, hầu hết các kiểm toán viên (KTV) đều phải làm việc đến khuya, lại phải phục vụ nhiều khách hàng làm cho sức khỏe KTV suy giảm, thời gian dành cho việc soát xét BCTC không nhiều, khó phát hiện ra những tình huống gian lận và sai sót trên BCTC.
Thứ ba, trình độ chuyên môn, năng lực của một số KTV chưa thật sự sắc sảo nên có thể bỏ sót một số tình huống mà bản thân các doanh nghiệp cố tình che giấu trên BCTC hoặc cũng có thể do một số quy định của pháp luật chưa thật sự rõ ràng, thậm chí có tình trạng mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật làm cho mỗi người hiểu mỗi khác. Nếu KTV không sắc sảo về chuyên môn có thể dẫn chiếu, vận dụng quy định của pháp luật một cách không phù hợp với hoàn cảnh và tình huống.
Thực tế trong những năm gần đây, hoạt động của các DNKT đã có nhiều tiến bộ. Một số chỉ tiêu chính của ngành kiểm toán đạt được đến nay như: Về số lượng khách hàng đạt khoảng 40.000; có trên 30 DNKT được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận kiểm toán cho đơn vị lợi ích công chúng; Doanh thu toàn ngành đạt xấp xỉ 5.000 tỷ đồng; Nộp ngân sách nhà nước trên 700 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2014, có 10.866 người làm việc trong các DNKT, trong đó có 9.543 nhân viên chuyên nghiệp và 1.323 nhân viên khác. Đến ngày 15/4/2015, tổng số người được cấp chứng chỉ KTV là 3.496 người.
Mặc dù không tăng về số lượng nhưng quy mô doanh nghiệp cũng như năng lực chuyên môn và chất lượng dịch vụ kiểm toán hiện đã được cải thiện đáng kể. Nhiều DNKT có số lượng KTV lớn, KTV dày dạn kinh nghiệm đã tạo lập được vị thế và danh tiếng trên thị trường, được nhiều khách hàng lớn lựa chọn.
Khách hàng, đơn vị được kiểm toán đã thực hiện nghiêm túc hơn các nghĩa vụ trong quá trình cung cấp tài liệu, giải trình, phối kết hợp với KTV và DNKT trong quá trình kiểm toán để góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán.
Thông qua các hoạt động dịch vụ kiểm toán và tư vấn tài chính, kế toán, các DNKT đã góp phần phổ cập cơ chế chính sách kinh tế, tài chính, góp phần thực hiện công khai, minh bạch BCTC của các doanh nghiệp, ngăn ngừa lãng phí, tham nhũng, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý và điều hành kinh tế - tài chính của Nhà nước và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Hoạt động kiểm toán độc lập (KTĐL) ngày càng khẳng định được vị trí trong nền kinh tế thị trường, được các doanh nghiệp, tổ chức và xã hội thừa nhận và đã góp phần quan trọng trong việc làm lành mạnh hóa môi trường đầu tư và nền tài chính quốc gia.
Tất nhiên, ngoài những mặt tích cực, cũng còn một số hạn chế như: Một số hợp đồng kiểm toán BCTC của doanh nghiệp, tổ chức bắt buộc phải kiểm toán BCTC chưa được giao kết theo đúng quy định tại Khoản 2 Điều 9 Luật KTĐL; Chương trình đào tạo tại một số DNKT chưa đầy đủ, phù hợp và chưa được cụ thể cho từng cấp độ nhân viên, dẫn đến tình trạng nhân viên chưa nắm rõ, việc thực hiện qua hồ sơ kiểm toán còn mang tính hình thức, chưa theo đúng quy chế công ty quy định; Báo cáo phát hành ý kiến kiểm toán chưa phù hợp hoặc chưa thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán khi đưa ra ý kiến kiểm toán và còn có các sai sót trên BCTC đính kèm báo cáo kiểm toán (BCKT).
Mặt khác, một số DNKT chưa tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng hợp đồng dịch vụ, chưa thực hiện việc công khai báo cáo minh bạch theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 16 Thông tư số 183/2013/TT-BTC ngày 04/12/2013 của Bộ Tài chính về KTĐL đối với đơn vị có lợi ích công chúng.
Một số DNKT chưa theo dõi một cách chặt chẽ về việc luân chuyển KTV ký BCKT đối với các khách hàng kiểm toán trên 03 năm; KTV vi phạm quy định về ký BCKT quá 03 năm liên tục cho một đơn vị được kiểm toán. Ngoài ra, có chi nhánh của DNKT không đăng ký kinh doanh dịch vụ kiểm toán và không đăng ký hành nghề kiểm toán với Bộ Tài chính nhưng vẫn ký hợp đồng kiểm toán với đơn vị được kiểm toán và có dấu hiệu các KTV có đăng ký hành nghề nhưng thực sự không hành nghề kiểm toán.
Xin trân trọng cảm ơn ông!