Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống Kho bạc
(Tài chính) Ngày 8/5, tại Hà Nội, Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã khởi động chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực KBNN. Đây được xem là hình thức đào tạo nguồn nhân lực mang chất lượng quốc tế đầu tiên được triển khai trong ngành Tài chính.
Tại lễ khởi động, Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh nhấn mạnh, đây sẽ là bước khởi đầu, đánh dấu việc chuyển biến từ mô hình đào tạo theo chiều rộng sang mô hình đào tạo theo chiều sâu của hệ thống KBNN để xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực KBNN và tài chính công, thực hiện thành công các chức năng và nhiệm vụ của KBNN.
“Cùng với cải cách thể chế, chính sách, hoàn thiện tổ chức bộ máy, hiện đại hóa công nghệ thì đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là một trong 4 trụ cột của Chiến lược phát triển KBNN. Phát triển nguồn nhân lực còn là tiền đề, bổ trợ, thúc đẩy 3 trụ cột còn lại nhằm đảm bảo cho hệ thống KBNN phát triển ổn định, vững chắc”- Thứ trưởng Phạm Sỹ Danh nói.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới, đối với hệ thống KBNN cần khẩn trương xây dựng Đề án tổng thể về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực KBNN để thực hiện Chiến lược phát triển KBNN theo hướng nâng cao tính chuyên nghiệp, trình độ quản lý tiên tiến. Phát triển đội ngũ công chức có khả năng nghiên cứu, hoạch định chính sách, chuyên gia đầu ngành với năng lực và trình độ chuyên môn cao về nghiệp vụ KBNN và quản lý tài chính công.
Chia sẻ với lãnh đạo Bộ Tài chính, giảng viên và các học viên, Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Hồng Hà cho rằng, bên cạnh chức năng truyền thống của KBNN là quản lý ngân quỹ Nhà nước, các quỹ tài chính Nhà nước và huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển. Hiện nay, KBNN được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính giao thực hiện thêm chức năng quản lý ngân quỹ Nhà nước và chức năng Tổng kiểm toán Nhà nước. Đây là chức năng mới và khó. Mới là vì thời điểm hiện nay chưa có cơ quan, tổ chức nào thực hiện chức năng này. Khó là vì để thực hiện được chức năng này, đòi hỏi xây dựng đồng bộ, đầy đủ các yếu tố cần thiết để vận hành như: Khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy và đặc biệt là con người.
Điều này cũng hỏi phải có đội ngũ cán bộ chuyên sâu, am hiểu những kiến thức về quản lý tài chính công tiên tiến trên thế giới như: Quản lý rủi ro, dự báo luồng tiền, đầu tư ngân quỹ và tổng kế toán Nhà nước. Thực hiện thành công chức năng này sẽ góp phần nâng cao vị thế, vai trò của KBNN nói riêng và ngành Tài chính nói chung trong tiến trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.