Tỉnh Đồng Tháp:
Nâng cao chuỗi giá trị từ sen
Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) vừa tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Thí điểm các mô hình sinh kế dựa vào mùa lũ nhằm tăng cường khả năng dự trữ nước cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” .
Dự án thực hiện trong 3 năm, với diện tích 450ha nhằm thay thế canh tác lúa vụ 3 không bền vững; trong đó ở Đồng Tháp thực hiện dự án tại huyện Tháp Mười với 150ha thực hiện mô hình canh tác sen; ở tỉnh Long An thực hiện dự án ở huyện Tân Hưng là 150ha với mô hình trồng sen - du lịch sinh thái; tỉnh An Giang thực hiện dự án tại huyện Tri Tôn với 150ha thực hiện mô hình lúa mùa nước nổi và nuôi thủy sản.
Đây là mô hình thí điểm sinh kế dựa vào nước lũ, từ đó giúp bảo tồn và khôi phục khả năng trữ nước cho đồng bằng vào khoảng 6,7 triệu m3 trữ lượng nước lũ/năm. Sau đó, dự án sẽ được nhân rộng sang các tỉnh khác thông qua việc tiếp cận các quy hoạch sử dụng nước và đất của các tỉnh do Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất trong Chiến lược Trữ nước vùng ĐBSCL.
Bà Nguyễn Thị Thúy - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tháp Mười cho biết, dự án đã khảo sát và thí điểm một số mô hình sinh kế mùa nước nổi trong khu vực như mô hình trồng sen phát triển du lịch, luân canh lúa sen, trồng sen lấy ngó, sen lấy hạt kết hợp nuôi cá, nuôi cá đồng lũ và dạy nghề rút tơ sen dệt vải cho phụ nữ để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Trong các mô hình nêu trên, nhiều mô hình sinh kế mùa nước nổi đã chứng minh được tính hiệu quả bền vững và có tiềm năng nhân rộng trong cộng đồng.
Đồng Tháp có hơn 700ha sen tại các huyện: Tháp Mười, Cao Lãnh và Tam Nông. Dự án sen nhắm vào sản phẩm sen sạch, chất lượng cao; hướng tới thị trường triển vọng như: Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU, Bắc Mỹ... Ngoài ra, các startup tại Đồng Tháp đã chế biến sen thành hơn 20 mặt hàng và ý tưởng dệt tơ sen làm tranh hình thành.
Tiến sĩ Andrew Wyatt - Giám đốc Phụ trách Khu vực ĐBSCL của IUCN cho biết, định hướng chiến lược của đề án liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười rất phù hợp với định hướng chương trình thích ứng của Quỹ khí hậu xanh, cải thiện sinh kế cho cộng đồng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu... Từ đó, IUCN cùng các chuyên gia xây dựng những mô hình canh tác thích ứng.