Nâng cao hiệu quả áp dụng công cụ cải tiến năng suất trong doanh nghiệp
Hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất sẽ giúp doanh nghiệp (DN) đạt được mục tiêu tồn tại và phát triển thông qua việc tạo ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; giá cả cạnh tranh; cung cách dịch vụ tốt. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu trên, lãnh đạo DN cần khéo léo chọn lựa và vận dụng công cụ quản lý phù hợp.
Hiệu quả rõ rệt từ việc áp dụng các công cụ cải tiến năng suất
Mỗi công cụ cải tiến năng suất như 5S, Kaizen, Lean, Six Sigma, TPM, KPI, MFCA, BSC… đều đem đến cho DN những lợi ích riêng. Cụ thể, việc áp dụng mô hình quản lý tinh gọn (Lean), Kaizen, 5S sẽ giúp các DN loại bỏ lãng phí và bất hợp lý trong quá trình sản xuất, cung cấp dịch vụ, hướng mọi hoạt động của tổ chức theo hướng “tinh gọn”; Giúp cho DN cải tiến, ngăn ngừa sai lỗi, giảm thiểu rủi ro, từ đó nâng cao năng suất
Việc áp dụng Thẻ điểm cân bằng (BSC) hỗ trợ các DN kiểm soát tốt mục tiêu chiến lược và quá trình hoạt động thông qua Hệ thống đo lường và đánh giá hiệu quả công việc (KPI) , từ đó, giúp các DN nâng cao được chất lượng sản phẩm, giảm thiểu các chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Việc áp dụng bảo trì năng suất tổng thể (TPM) giúp doanh nghiệp tối ưu hoá hiệu suất hoạt động, loại bỏ sự cố, sai sót của máy móc thiết bị thông qua việc tự bảo dưỡng máy móc trong quá trình sản xuất hàng ngày. Điều này sẽ giúp DN hợp lý hoá chi phí sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường…
Trên thực tế, tại Việt Nam việc áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng vẫn còn khá mới mẻ, nhất là đối với các DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, đã có khá nhiều DN được lợi từ việc áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, giúp nâng cao năng suất từ 15-30%.
Các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng là một trong những giải pháp quan trọng bên cạnh những giải pháp về đầu tư đổi mới khoa học kỹ thuật giúp doanh nghiệp ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng cao năng suất và qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh.
Ví dụ cụ thể tại Công ty cổ phần Hồng Đào Chu Lai (một DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bao bì và in ấn) cho thấy, với chính sách "Chất lượng là mục tiêu sống còn của DN", những năm qua, Công ty cổ phần Hồng Đào Chu Lai đã chủ động đổi mới công nghệ, áp dụng các công cụ cải tiến năng suất vào sản xuất. Công ty đã đổi mới công nghệ in cùng với áp dụng công cụ 5S và Kaizen trong toàn bộ công ty.
Cùng với công nghệ mới, các công cụ cải tiến năng suất đã mang lại hiệu quả khá rõ, công suất tăng từ 20 tấm carton/phút lên 120 tấm/phút. Sản phẩm in ra rất đẹp, 5 màu/lần in thay vì 3 lần in như trước đây. Thời gian cung ứng đơn hàng theo ký kết vì thế mà rút ngắn. Trước đây phải tốn nhiều thời gian, nhiều lần thao tác cho từng công đoạn in, xẻ rãnh, bế tròn, nay chỉ thực hiện 1 lần với 15 phút. Nhờ đó, doanh thu bán hàng của công ty tăng 132,5%, khả năng cung cấp hàng hóa tăng 1,35 lần.
Trong khi đó, với Công ty Cổ phần May Nam Hà, việc triển khai dự án cải tiến Kaizen chỉ trong 6 tháng đã giảm giúp được tỷ lệ hàng sai lỗi từ 8,8% xuống còn 8,1%, giảm 25% hàng tồn trên chuyền, hàng tồn so với năng lực sản suất giảm từ trung bình 2,37 ngày xuống còn 1,34 ngày, sản lượng bình quân ngày tăng từ 415 sản phẩm lên 899 sản phẩm.
Công ty Cổ phần CNCPS có trụ sở tại Bình Dương (CNCPS) nhờ thực hiện tốt 5S và Chương trình hỗ trợ áp dụng thí điểm công cụ quản lý hiệu suất tổng thể (TPM) đã giúp tiết kiệm thời gian thay đổi mã hàng và thời gian di chuyển của công nhân tới 30 phút, tạo môi trường làm việc an toàn, ngăn nắp.
Thực tế trên cho thấy, các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng là một trong những giải pháp quan trọng bên cạnh những giải pháp về đầu tư đổi mới khoa học kỹ thuật giúp DN ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng cao năng suất và qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh.
Những rào cản cần khắc phục
Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa là mục tiêu của các DN, việc áp dụng các thông quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng là những giải pháp giúp DN nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường. Đem lại những lợi ích đáng kể, song việc áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng không phải là điều dễ dàng.
Khi áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, khó khăn lớn nhất mà các DN gặp phải chính là việc kiên trì, việc bài bản, việc thiết kế các cơ chế chính sách để làm sao toàn bộ các chương trình tư vấn được duy trì, phát triển, chủ động để tạo sự thay đổi.
Khó khăn khác đối với các DN chính là xuất phát điểm của người lao động, cán bộ từ nông dân, từ thợ thủ công, học sinh chưa quen với môi trường sản xuất công nghiệp, chưa quen với tư duy được định lượng, được đo lường chính xác. Bên cạnh đó, không thể không kể đến những cản trở từ sức ì tâm lý, kể cả từ các lãnh đạo.
Ngoài ra, theo các chuyên gia phân tích, một khó khăn khác đến từ việc có đến hàng chục hệ thống quản lý khác nhau khiến DN bối rối, không biết bắt đầu từ đâu, không biết lựa chọn hệ thống nào cho phù hợp. Cùng với đó, việc triển khai không thể ngày một, ngày hai được mà triển khai phải có trọng điểm, sau đó triển khai rộng ra và chứng minh cho người lao động là tất cả những chương trình ấy phải đem lại lợi ích thiết thực cho họ.
Để khắc phục các rào cản khiến DN khó áp dụng công cụ cải tiến năng suất, theo các chuyên gia phân tích, về phía các cơ quan quản lý cần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia tư vấn; cần khuyến khích, tạo điều kiện cho DN trong việc áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng; đào tạo kiến thức về tiêu chuẩn, năng suất, chất lượng trong các trường đại học, cao đẳng, các trường dạy nghề; tăng cường hoạt động tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ DN xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng các giải pháp cải tiến năng suất, chất lượng...
Bên cạnh đó, các DN cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt các hệ thống quản lý, các công cụ cải tiến năng suất, đầu tư đổi mới khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng cao năng suất và qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh.