Nâng cao hiệu quả chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nhất định về phát triển bền vững nhưng trên thực tế vẫn đang đối diện với tình trạng chất thải phát sinh ngày càng lớn, nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt. Do vậy, phát triển nền kinh tế tuần hoàn trở thành yêu cầu tất yếu đối với Việt Nam, từ đó đòi hỏi cần nâng cao hiệu quả chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn.
Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam bao gồm những hoạt động kinh tế được thiết kế từ cấp vĩ mô tới các đơn vị sản xuất và người tiêu dùng. Với ý nghĩa này, việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính truyền thống sang kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam gắn với lộ trình hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn.
Trong những năm qua, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam từng bước được hoàn thiện. Xây dựng kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định “Kinh tế tuần hoàn” (Điều 142) là Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và được xem là một trong những chính sách ưu đãi, hỗ trợ và phát triển kinh tế môi trường, sẽ góp phần đẩy nhanh việc phát triển kinh tế tại Việt Nam.
Tiếp đến, tại Quyết định 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020, Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu tổng quát là “Thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”.
Năm 2020, Việt Nam đã thành lập Ban kỹ thuật TCVN/TC 323 Kinh tế tuần hoàn. Ban kỹ thuật này đã, đang nghiên cứu xây dựng một số tiêu chuẩn trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra Việt Nam cũng xây dựng một số tiêu chuẩn liên quan như: TCVN ISO 26000:2013, hướng dẫn về trách nhiệm xã hội; TCVN ISO 14001:2015, hệ thống quản lý môi trường – Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng; TCVN 8000:2008 (ISO 15270:2006), Chất dẻo – Hướng dẫn thu hồi và tái chế chất dẻo phế thải; TCVN 12049:2017 (ISO 13686:2013), Khí thiên nhiên - Yêu cầu chung về chất lượng; TCVN ISO 14067:2020, khí nhà kính - dấu vết cacbon của sản phẩm - Yêu cầu và hướng dẫn định lượng.
Cùng với đó, các cơ chế, chính sách tài chính nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn cũng được xây dựng và hoàn thiện. Cụ thể, tại Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nêu rõ: “Áp dụng các chính sách, cơ chế hỗ trợ về vốn, khuyến khích về thuế, trợ giá đối với hoạt động BVMT… Riêng ngân sách nhà nước cần có mục chi riêng cho hoạt động sự nghiệp môi trường và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Trong bối cảnh mới, để phát triển kinh tế tuần hoàn hiệu quả, Việt Nam cần sớm xây dựng, tạo hành lang pháp lý cho sự hình thành, phát triển Kinh tế tuần hoàn. Theo đó, sớm sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường; quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra; thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực.
Đồng thời, xây dựng chính sách thuế theo hướng bảo tồn thiên nhiên, hạn chế khai thác nguyên liệu từ thiên nhiên và khuyến khích tái sử dụng, tái chế. Ở Việt Nam đã có những loại thuế liên quan đến tài nguyên và môi trường. Nội dung kinh tế tuần hoàn hướng đến.
Cần xây dựng hệ thống thuế đánh vào nguyên liệu thô khai thác từ thiên nhiên (cụ thể tăng thuế bảo vệ môi trường đánh vào than đá và túi nilon lên kịch khung); giảm hoặc miễn thuế cho trường hợp tái sử dụng/sửa chữa; đánh thuế chất thải chôn lấp tùy theo độ nguy hại của chất thải.
Việt Nam cần triển khai nghiên cứu sâu rộng về phát triển kinh tế tuần hoàn từ cách tiếp cận, nguyên tắc xác lập theo ngành, vùng, lĩnh vực; triển khai mô hình, tiêu chí cụ thể cho nền kinh tế tuần hoàn, qua đó lựa chọn vận dụng cụ thể vào hoàn cảnh thực tiễn địa phương và phổ biến đến doanh nghiệp, người dân, nhà quản lý để có sự nhìn nhận đúng đắn.
Đặc biệt là, phát triển kinh tế tuần hoàn cần phải dựa trên các ngành, lĩnh vực và địa phương đã và đang triển khai các mô hình kinh tế gần với cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn, từ đó bổ sung hoàn thiện và có sự lựa chọn phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực từ thí điểm đến triển khai nhân rộng.