Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

Minh Anh

Tại Việt Nam, tổ chức bộ máy của ngành Tài nguyên và Môi trường đã và đang dần hoàn thiện theo hướng tinh gọn, thống nhất quản lý và hoạt động hiệu quả. Theo đó, năng lực thực thi pháp luật và bảo vệ môi trường của ngành Tài nguyên và Môi trường ngày càng được nâng cao; việc kiểm soát nguồn ô nhiễm môi trường ngày càng chặt chẽ, bảo đảm quy trình, chất lượng, hiệu quả.

Trong những năm qua, bộ máy quản lý nhà nước của ngành Tài nguyên và Môi trường đã được kiện toàn, bổ sung, hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương
Trong những năm qua, bộ máy quản lý nhà nước của ngành Tài nguyên và Môi trường đã được kiện toàn, bổ sung, hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương

Bộ máy quản lý nhà nước dần được hoàn thiện

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và môi trường. Trong những năm qua, bộ máy quản lý nhà nước của ngành Tài nguyên và Môi trường đã được kiện toàn, bổ sung, hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương và triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả như: Hình thành và vận hành tốt mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực trên cơ sở một đầu mối tập trung, thống nhất chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu; Gắn kết chặt chẽ các lĩnh vực quản lý với nhau thông qua việc lồng ghép ngay từ khâu xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch... đến triển khai thực hiện nhiệm vụ, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý có liên quan giữa các bộ, ngành cũng được tăng cường thông qua việc ban hành các thông tư liên tịch, các quy chế phối hợp liên ngành; chỉ đạo thực hiện của Bộ với các địa phương được tập trung, thống nhất, qua đó đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành và địa phương trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy của ngành Tài nguyên và Môi trường ở địa phương cũng đã nhanh chóng được thành lập, củng cố, kiện toàn và đi vào hoạt động ổn định. Công tác cải cách thủ tục hành chính được tiến hành triển khai mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực thông qua việc giảm các bước, quy trình xử lý công việc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Tổng cục Môi trường là cơ quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) và đa dạng sinh học trong phạm vi cả nước; quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục theo quy định của pháp luật.

Tổng cục có chức năng, nhiệm vụ: (1) Đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, đề án BVMT, phương án cải tạo, phục hồi môi trường; (2) Tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; tổ chức thẩm định và trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật...; (3) Hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp báo cáo về công tác thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, kiểm soát nguồn ô nhiễm trong quá trình thi công xây dựng và vận hành thử nghiệm dự án đầu tư thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật...

Năng lực thực thi pháp luật và bảo vệ môi trường của ngành Tài nguyên và Môi trường

Đảng và Nhà nước ta xác định BVMT là một trong nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế bền vững và có hệ thống quan điểm, chủ trương, chính sách về BVMT đồng bộ, thống nhất, thường xuyên tổng kết, đánh giá để bổ sung hoàn thiện các quan điểm, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước cũng như xu thế BVMT của quốc tế như: bổ sung, hoàn thiện Luật BVMT vào năm 2005, 2014, 2020, cùng với một số nghị định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực môi trường (Nghị định số 18/2015/NĐ-CP...), tham gia ký kết các văn bản pháp lý quốc tế như Công ước đa dạng sinh học, Công ước Ramsar, Công ước Luật biển 1982...

Đồng thời, nhiều chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia đã được ban hành tăng cường nguồn lực để BVMT. Đặc biệt, bộ máy quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã dần được kiện toàn để tăng cường tổ chức bộ máy của ngành Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện theo hướng tinh gọn, thống nhất quản lý và hoạt động hiệu quả.

Cụ thể, việc kiểm soát nguồn ô nhiễm môi trường ngày càng chặt chẽ, bảo đảm quy trình, chất lượng, hiệu quả. Có khoảng 5.000 dự án đầu tư đã thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định, phê duyệt 1.558 báo cáo; các địa phương, bộ, ngành thẩm định, phê duyệt đối với 3.442 báo cáo.

Trên cả nước có 250/280 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung (đạt 89%); có 219/250 khu công nghiệp đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục (đạt 87,6%); có 276/698 cụm công nghiệp có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án BVMT (đạt 40%) và 115 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung; có 25/115 cụm công nghiệp có hệ thống quan trắc tự động nước thải (đạt 21,7%).

Đặc biệt, các địa phương đã phối hợp, thực hiện cam kết đề án BVMT lưu vực sông (sông Cầu, Nhuệ và sông Đáy, hệ thống sông Đồng Nai), trong đó có 22 tỉnh, thành phố trên 3 lưu vực sông đã triển khai thực hiện và 16 tỉnh, thành phố trên lưu vực sông Nhuệ, Đáy và hệ thống sông Đồng Nai đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án BVMT lưu vực sông. Xử lý quyết liệt, triệt để 407 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (thực hiện theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg) đạt tỷ lệ 92,71% và 312 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (thực hiện theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg) đạt tỷ lệ 72,7%.

Quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, quản lý phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, nhất là thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tăng lên trong khu vực nội thành, thành thị, trung bình đạt 92%, khu vực nông thôn đạt gần 70%; có 118 cơ sở xử lý chất thải nguy hại trên toàn quốc (Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp phép).

Hiện nay, cả nước có gần 400 đơn vị đã được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; 15 tổ chức được chỉ định tham gia hoạt động giám định phế liệu nhập khẩu.

Về quản lý chất lượng môi trường, các hoạt động cải tạo, phục hồi môi trường được tăng cường, thúc đẩy tổ chức thực hiện đồng bộ; xử lý nghiêm, dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tồn lưu do hóa chất bảo vệ thực vật, như kiểm soát chặt chẽ 440 khu vực môi trường bị ô nhiễm, gần 300 bệnh viện cấp tỉnh, huyện, 53 bãi rác và xử lý gần 70 kho thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường.

Về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học: Các chương trình bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được tăng cường triển khai (hiện nay có 172 khu bảo tồn).

Về giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, ngành Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện giám sát các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng tại 3 miền Bắc, Trung, Nam, trong đó thực hiện kiểm tra, thanh tra gần 4.000 cơ sở, khu công nghiệp; xử phạt 1.410 cơ sở với số tiền 242 tỷ đồng, đặc biệt thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến phản ánh về ô nhiễm môi trường từ Trung ương đến địa phương, cụ thể đã tiếp nhận gần 2000 thông tin phản ánh và xử lý theo thẩm quyền của cấp Trung ương và địa phương.

Về quan trắc thông tin, báo cáo môi trường, 9 chương trình quan trắc môi trường tại các lưu vực sông, nước mặt được duy trì, 03 chương trình quan trắc môi trường tại các vùng kinh tế trọng điểm, 02 chương trình quan trắc tác động (lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy, sông Mã, sông Hồng - sông Thái Bình; sông Đà, sông cả La, sông Trà Khúc; hệ thống sông Đồng Nai; nước mặt vùng Tây Nam Bộ; Vu Gia – Thu Bồn...).

Bên cạnh đó, thời gian qua, tỷ lệ che phủ rừng ngày càng tăng cao; dân số ở thành thị sử dụng nước sạch đạt 90%; công tác phòng, chống giảm nhẹ thiên tai được chú trọng, trong đó coi trọng tính dự báo, cảnh báo ngày càng hoạt động chuyên nghiệp, chủ động trong mọi tình huống; Công tác bảo tồn đa dạng sinh học cũng ngày càng được quan tâm.

Các kết quả nêu trên cho thấy, cùng với việc dần hoàn thiện tổ chức bộ máy của ngành Tài nguyên và Môi, việc kiểm soát nguồn ô nhiễm môi trường ngày càng chặt chẽ, bảo đảm quy trình, chất lượng, hiệu quả…

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường ở Trung ương với 18 tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường là các tổ chức, cá nhân giúp việc ủy ban nhân dân các cấp quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường ở địa phương; riêng đối cấp xã, phường, thị trấn còn có lực lượng công chức địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc công chức địa chính - xây dựng - nông nghiệp và môi trường (đối với xã).