Nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam
Những năm qua, tốc độ phát triển thương mại điện tử và kinh doanh thương mại điện tử ở Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Dự báo, đến năm 2020 hoạt động này sẽ đạt giá trị 10 tỷ USD và Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức độ tăng trưởng thương mại điện tử mạnh mẽ. Tuy nhiên, những đóng góp của lĩnh vực này cho ngân sách nhà nước hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Bài viết phân tích thực trạng quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam và đề xuất đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với loại hình này ở Việt Nam.
Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam
Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) hình thành ở Việt Nam từ năm 1998 với việc cung cấp dịch vụ internet công cộng, mở ra giai đoạn hình thành TMĐT. Sau gần 20 năm hình thành và phát triển, năm 2017, TMĐT của Việt Nam đạt mức tăng trưởng khoảng 25% và tỷ lệ này có thể được duy trì trong cả giai đoạn 2018-2020.
Trong 4 năm tới, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam dự đoán có thể đạt tới 10 tỷ USD. Đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website TMĐT cho thấy, doanh thu tăng trưởng 35% (Hiệp hội TMĐT Việt Nam).
Trong lĩnh vực thanh toán, theo Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam, năm 2017, tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với năm 2016 trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%. Trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt 100 - 200%.
Trong lĩnh vực du lịch, tỷ lệ đặt phòng qua đại lý du lịch trực tuyến tăng mạnh, đạt mức 30%. Nếu kết hợp với đà tăng trưởng 2 chữ số của doanh thu du lịch thì có thể ước tính tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch trực tuyến đạt trên 50%.
Một số vướng mắc trong quản lý thuế đối với thương mại điện tử
Do những tính chất đặc thù của TMĐT khác với thương mại truyền thống, như quy mô hoạt động rộng trên môi trường internet có tính phi biên giới; dễ dàng thay đổi, che dấu thông tin… nên cơ quan Thuế gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai quản lý thuế đối với lĩnh vực này, gồm:
- Việc cấp giấy phép kinh doanh cho các DN còn vướng mắc do hoạt động TMĐT hay một số hoạt động TMĐT chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh (mặc dù theo quy định của pháp luật hiện hành thì các tổ chức, cá nhân được phép kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm ví dụ như kinh doanh ngành tiền điện tử, tiền ảo, tài sản kỹ thuật số, cung cấp dịch vụ quảng cáo trên các ứng dụng phần mềm, kết nối vận tải bằng phương tiện điện tử) nên đã gây khó khăn cho cơ quan quản lý thuế trong việc phân loại những ngành nghề kinh doanh để xác định nghĩa vụ nộp thuế.
Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử
Luật Quản lý Thuế hiện hành tạo nền tảng và mở đường cho việc phát triển các quy định và kỹ năng mới của quản lý thuế hiện đại, cho phép cơ quan thuế chủ động trong quản lý người nộp thuế (NNT) kinh doanh trong môi trường truyền thống và TMĐT.
Tuy nhiên, để thúc đẩy giao dịch điện tử trong quản lý thuế nói chung và TMĐT nói riêng ở khía cạnh vừa tạo thuận lợi cho NNT, vừa đảm bảo ngăn ngừa, phòng chống được các hệ quả tiêu cực của TMĐT, thời gian tới cần triển khai các biện pháp sau:
Thứ nhất, quản lý chặt chẽ khâu đăng ký thuế để kịp thời nắm bắt được hoạt động TMĐT của các tổ chức, cá nhân. Để tham gia hoạt động TMĐT, các tổ chức, cá nhân chỉ cần một số vốn nhỏ và kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin (CNTT), mua một tên miền (địa chỉ website) với chi phí thấp là có thể vận hành và thực hiện giao dịch mua bán qua mạng internet một cách dễ dàng.
Với tính chất “ảo”, dễ dàng thành lập cũng như xóa bỏ, hoạt động TMĐT thường được các tổ chức, cá nhân lợi dụng để tiến hành các hoạt động kinh doanh qua mạng internet mà không đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền, nhằm thoát khỏi sự quản lý, giám sát và thực hiện các hành vi trốn thuế.