Nâng cao hiệu quả quản trị chi phí tại Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam
Công tác khoán và quản trị chi phí đang trở thành công cụ hữu hiệu giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) luôn coi trọng công tác này và xác định là hoạt động trung tâm để điều hành và quản trị chi phí, tuy nhiên, công tác quản trị chi phí của TKV vẫn còn một số bất cập. Từ những phân tích thực trạng công tác khoán, quản trị chi phí của TKV, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa trình độ hạch toán, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị nhận khoán, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của TKV.
Thực trạng công tác khoán, quản trị chi phí tại TKV
Theo Quyết định 345/2005/QĐ-TTg, ngày 26/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ, TKV được thành lập trên cơ sở sáp nhập Tập đoàn Than Việt Nam và Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam. Tập đoàn hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Đây là Tập đoàn kinh tế đầu tiên trong nước và được tổ chức theo mô hình công ty nhà nước. Ngày 25/06/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 898/QĐ–TTg, chuyển công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thành Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu 100% vốn điều lệ.
Trong thời gian qua, TKV luôn quan tâm, chú trọng tới thực hiện khoán, quản trị chi phí và công tác này đã trở thành công cụ quản lý kinh tế hữu hiệu. Gần đây (tháng 06/2016), TKV ban hành Quyết định 1184/QĐ-TKV về Quy chế quản trị chi phí kinh doanh trong tổ hợp Công ty mẹ - Công ty con Tập đoàn, nhằm thống nhất cơ chế và phương pháp quản trị chi phí kinh doanh trong tổ hợp Công ty mẹ - Công ty con Tập đoàn TKV.
Theo Quy chế này, TKV lựa chọn, quyết định chỉ tiêu giao khoán và phương án kế hoạch kinh doanh tối ưu, xác định giá mua - bán giữa TKV và các đơn vị nhận thầu khai thác, sàng tuyển, chế biến than, khoáng sản trong Tập đoàn. Đồng thời, tạo cơ sở hoàn thiện bộ máy và công cụ quản trị doanh nghiệp (DN) hiện đại; điều hành chi phí, chính sách giá cả trong Tập đoàn; Kiểm soát chi phí, giá thành, giá mua - bán trong Tập đoàn, ngăn ngừa và có biện pháp xử lý vi phạm trong quản trị chi phí, giá thành, giá mua - bán nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động, của DN và của Nhà nước.
Các công ty con và đơn vị trực thuộc TKV căn cứ vào quy định tại Quy chế này để tổ chức thực hiện khoán quản trị chi phí nội bộ DN... Vì vậy, từ Tập đoàn đến các công ty con đều có cơ chế khoán và quản trị chi phí. Tập đoàn đã có sự phân cấp quản trị chi phí, khi thực hiện giao khoán cho các công ty. Các công ty tự tổ chức hạch toán nội bộ và chịu trách nhiệm trước Tập đoàn về chỉ tiêu giao khoán chi phí cho các phân xưởng, tổ, đội, sản xuất của mình.
Đa số các công ty chọn kỳ hạch toán là hàng quý và tổ chức nghiệm thu thanh quyết toán hàng quý. Tuy nhiên, cũng có công ty lựa chọn kỳ giao khoán là hàng tháng. Đối với các công ty chọn kỳ giao khoán theo quý thì quy trình tổ chức nghiệm thu thành 2 bước: Bước 1: Được tiến hành từ ngày 1 đến ngày 8 của tháng sau, ngay khi kết thúc tháng hoạt động, nội dung nghiệm thu là các chỉ tiêu giao khoán và một số công việc phát sinh ngoài khoán. Bước 2: Được tiến hành vào ngày đầu tháng đầu tiên của quý sau.
Hệ thống các chỉ tiêu giao khoán bao gồm: Các chỉ tiêu hiện vật như tấn than khai thác, mét lò đào, khối lượng công việc hoàn thành; Các chỉ tiêu giá trị là giá thành sản phẩm đầy đủ, còn đối với công ty giao cho phân xưởng là giá thành phân xưởng, nhưng chưa đầy đủ như: Chi phí tiền lương; Chi phí vật liệu phụ theo định mức; Chi phí nhiên liệu; Chi phí động lực; Chi phí vật tư phụ tùng thay thế thường xuyên.
Theo Báo cáo tổng kết năm 2016 của TKV, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 101,18 nghìn tỷ đồng, bằng 100% so với kế hoạch và bằng 95% thực hiện năm 2015; Lợi nhuận của TKV đạt trên 800 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm 2015. Nộp ngân sách nhà nước 14,31 nghìn tỷ đồng, bằng 118,2% so với năm 2015.
Có được kết quả trên là sự nỗ lực của các đơn vị thành viên trong việc tìm các giải pháp quản lý để tiết giảm tối đa chi phí. Nhờ đó, quy chế khoán quản trị chi phí cũng dần đi vào nề nếp và thu được kết quả nhất định. Nhiều công ty có thành tích tiết kiệm chi phí như Công ty cổ phần than Vàng Danh, Công ty cổ phần than Núi Béo, Tổng công ty Khoáng sản, Công ty cổ phần than Hà Tu, Hà Lầm.
Mặc dù, đạt được một số kết quả về quản trị chi phí trong Tập đoàn nhưng công tác này vẫn còn có những hạn chế cần khắc phục, đó là: Nhiều công ty chưa hoàn thành hệ số bóc đất, hệ số đào lò, do đó chưa chuẩn bị tốt diện sản xuất và tài chính cho năm sau; Một số công ty còn để tỷ lệ tổn thất than cao hơn năm trước. Bên cạnh đó, nhiều công ty chưa chủ động xây dựng nề nếp quản trị chi phí và chỉ tập trung giải quyết từng vụ việc, mảng công tác; Tiến độ giao khoán còn chậm, mang tính một chiều và chưa đảm bảo tính khách quan. Ngoài ra, hệ thống mức chi phí nguyên vật liệu chưa đầy đủ và chưa sát với thực tế. Điều này làm cho công tác giao khoán chưa công bằng và gây khó khăn cho việc quyết toán.
Nâng cao công tác quản trị chi phí trong TKV
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được cũng như nâng cao hơn nữa công tác quản trị chi phí, thời gian tới, TKV cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế quản lý, tổ chức điều hành quản trị chi phí. Nghiên cứu thị trường tiêu thụ than để có dự báo thị trường chuẩn xác, bám sát thị trường trong và ngoài nước để điều hành cân đối sản xuất với tiêu thụ. Tăng cường việc kiểm soát tiến độ nhận than, giao than. Kiểm soát chặt chẽ giá thành than, kiên quyết đưa ra khỏi giá thành các chi phí không hợp lệ. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện mô hình, phương pháp khoán quản trị chi phí đối với các DN. Đặc biệt là tiết kiệm chi phí vật liệu, nhiên liệu, điện năng, tiết giảm chi phí quản lý. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng, hoàn chỉnh các định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình khoán quản trị chi phí. TKV cũng cần bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống mức lao động, mức vật tư, xây dựng điều kiện chuẩn để xây dựng mức và các hệ số điều chính hợp lý, làm căn cứ để tính các chỉ tiêu giao khoán.
Thứ hai, tăng cường công tác đào tạo cán bộ làm công tác khoán, quản trị chi phí. Theo đó, TKV nên mở các lớp đào tạo cho cán bộ của Tập đoàn, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo công ty và đội ngũ cán bộ cấp công trường, phân xưởng để nâng cao hơn nữa nhận thức và năng lực cho cán bộ làm công tác khoán, quản trị chi phí, đưa công tác khoán quản trị chi phí vào nề nếp.
Thứ ba, hoàn thiện các chỉ tiêu giao khoán, trên cơ sở tăng cường quản lý tài nguyên, kỹ thuật cơ bản, tính toán các chỉ tiêu công nghệ hợp lý, xác định rõ và chủ động về khối lượng, chất lượng từng khoáng sàng huy động, tổn thất trong kế hoạch hàng năm. Đặc biệt chú trọng tổ chức nghiệm thu sản phẩm chặt chẽ, tỷ lệ tổn thất than, chất lượng than khai thác của các đơn vị trong TKV. Tăng cường chế độ kiểm tra, giám sát của Tổ giám định đối chứng chất lượng than của TKV và thuê đơn vị thứ hai kiểm tra đối chứng trong trường hợp cần thiết.
Đối với các mỏ hầm lò, TKV chỉ đạo quyết liệt áp dụng công nghệ mới phù hợp, cơ giới hóa đồng bộ trong từng bộ phận, từng công đoạn. Đối với các mỏ lộ thiên lớn áp dụng đồng bộ thiết bị xúc bốc, vận tải có công suất, tải trọng lớn, nâng cao hiệu quả nổ mìn sử dụng thuốc nổ nhũ tương rời; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành mỏ; Áp dụng công nghệ định vị toàn cầu GPS quản lý điều hành các khâu công nghệ xúc bốc, vận tải than, đất ở các mỏ lộ thiên.
Tài liệu tham khảo:
1. Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (2015), Báo cáo tổng kết công tác năm 2015;
2.Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (2016), Báo cáo tổng kết công tác năm 2016;
3. Báo Công thương; Tạp chí Công nghiệp…