Nâng cao năng lực quản lý nợ trung hạn theo thông lệ tốt của quốc tế


Ngày 15/11/2022, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức Khóa đào tạo cập nhật mô hình Chương trình quản lý nợ trung hạn (MTDS) nhằm nâng cao năng lực quản lý nợ công, năng lực xây dựng Chương trình quản lý nợ trung hạn theo thông lệ tốt của quốc tế.

Các Chuyên gia hàng đầu của WB và IMF, ông Samer Sabb - Chuyên gia Khu vực tài chính của IMF, ông Lars Jessen - Chuyên gia của WB, ông Bill Northfield  – Cố vấn quản lý nợ tham gia giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm tại Khóa học. Các học viên của Khóa học đến từ các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) trong xây dựng Chương trình quản lý nợ công trung hạn và Kế hoạch vay như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Uỷ ban giám sát tài chính Quốc gia và các đơn vị trong Bộ Tài chính là Vụ Ngân sách nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Cục Tài chính doanh nghiệp, Viện chiến lược và chính sách tài chính.

Phát biểu khai mạc Khóa đào tạo, ông Võ Hữu Hiển – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết, kể từ năm 2012, với sự hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo của các tổ chức IMF, WB, Việt Nam đã sử dụng công cụ MTDS để làm cơ sở xây dựng các công cụ quản lý nợ chủ động. Đây là công cụ do WB/IMF nghiên cứu, phát triển nhằm hỗ trợ các chính phủ tính toán, lựa chọn phương án huy động vốn vay nhằm đạt được cơ cấu nợ phù hợp với khẩu vị rủi ro của mỗi nước trên cơ sở các yếu tố về vĩ mô như GDP, lạm phát, thu chi ngân sách nhà nước; điều kiện tài chính như nghĩa vụ trả nợ của danh mục nợ hiện hành, đồng tiền, lãi suất, kỳ hạn, ân hạn...; điều kiện thị trường vốn và khả năng vay vốn qua các kênh khác nhau của Chính phủ.

Ông Samer Sabb - Chuyên gia Khu vực tài chính của IMF phát biểu tại Khóa đào tạo.
Ông Samer Sabb - Chuyên gia Khu vực tài chính của IMF phát biểu tại Khóa đào tạo.

Trong bối cảnh vĩ mô có nhiều diễn biến khó dự đoán, cùng với đó, Việt Nam đã tốt nghiệp các khoản vay IDA của WB và phải tăng tỷ trọng huy động vốn thông qua các công cụ nợ với điều kiện tiệm cận thị trường, công tác quản lý nợ công ngày càng đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức. Do đó, việc tăng cường năng lực cán bộ, luôn cập nhật các thông lệ, thực tiễn và công cụ quản lý nợ công hiện đại, so sánh đặc điểm chi phí - rủi ro giữa các công cụ nợ trong nước và nước ngoài để lựa chọn nguồn huy động vốn phù hợp là yêu cầu thường xuyên của Bộ Tài chính.

“Sau thời gian dài bị hạn chế bởi dịch COVID-19, khoá đào tạo này sẽ là cơ hội quý báu để các cán bộ làm công tác quản lý nợ, tài chính ngân sách và chẩn đoán vĩ mô của Bộ Tài chính có cơ hội trực tiếp học tập mô hình MTDS, tương tác, trao đổi với chuyên gia về các yêu cầu đầu vào của mô hình, trực tiếp thực hành chạy mô hình. Tôi mong rằng các học viên sẽ tham gia đầy đủ, tích cực toàn bộ Khoá đào tạo, chủ động đặt các câu hỏi cho chuyên gia để từng bước nắm vững cách vận hành MTDS, tiến tới sử dụng hiệu quả công cụ này trong việc lựa chọn chiến lược vay nợ phù hợp, góp phần cải thiện hơn nữa công tác phối hợp và hiệu quả quản lý nợ” – Phó Cục trưởng Võ Hữu Hiển bày tỏ.

Phát biểu tại Khóa đạo tạo, ông Samer Sabb - Chuyên gia Khu vực tài chính của IMF cho hay: “IMF, WB cũng như phía Việt Nam mong muốn thông qua khóa đào tạo này, các học viên được trang bị khuôn khổ lý thuyết và xem xét khung lý thuyết này sẽ được ứng dụng ra sao trong công việc thực tế. Đối với những cán bộ mới của Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại thì khóa đào tạo với các bài tập tính toán, phân tích chi phí, đánh giá những diễn biến về chi phí, rủi ro của danh mục nợ hay các chiến lược... sẽ rất hữu ích cho các bạn. Các bài tập được tiến hành dựa trên các dữ liệu nợ của Việt Nam chứ không phải dữ liệu giả định ở bất kỳ đâu.”

Toàn cảnh Khóa đào tạo ngày 15/11.
Toàn cảnh Khóa đào tạo ngày 15/11.

Các học viên tham gia Khóa đào tạo sẽ sử dụng dữ liệu nợ tính đến thời điểm cuối năm 2021 để chạy mô hình và đề xuất chương trình quản lý nợ trung hạn cho giai đoạn 2023-2025 phù hợp với bối cảnh vĩ mô, dự báo tình hình tài chính – ngân sách, tiền tệ và mục tiêu quản lý nợ của Việt Nam.

Ông Samer Sabb - Chuyên gia Khu vực tài chính của IMF chia sẻ, đây là Khóa đào tạo mang tính kỹ thuật, đặc biệt nhấn mạnh về những kỹ năng về mặt kỹ thuật chuyên môn liên quan đến vấn đề quản lý nợ chính là cơ hội để các cán bộ phía Việt Nam nâng cao năng lực. Đồng thời, ông Samer Sabb cũng khẳng định, các chuyên gia của IMF và WB sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ Việt Nam ngày càng phát triển năng lực trong hành trình xây dựng chiến lược quản lý nợ.

Tại Khóa đào tạo, các chuyên gia của IMF và WB đã chia sẻ nhiều nội dung hữu ích như: Mục tiêu và phạm vi ứng dụng của chương trình MTDS; Công cụ phân tích MTDS; Chuẩn bị dữ liệu phân tích...

Đặc biệt, sau Khóa đào tạo, đoàn chuyên gia WB/IMF sẽ chia sẻ những phát hiện và khuyến nghị sơ bộ về Chương trình quản lý nợ trung hạn cho Việt Nam thông qua hội thảo mở rộng với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ..., họp tổng kết với Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại để thảo luận về các bước tiếp theo.

Từ ngày 15/11/2022 đến ngày 22/11/2022, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức chuỗi hội thảo, đào tạo cập nhật mô hình Chương trình quản lý nợ trung hạn (MTDS), đồng thời nâng cao năng lực nghiệp vụ quản lý nợ.

Gia Hân