Trao đổi kinh nghiệm quốc tế trong cải cách quản lý nợ công
Ngày 23/8/2022, Bộ Tài chính phối hợp cùng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tổ chức hội thảo về kinh nghiệm quốc tế trong cải cách công tác quản lý nợ công. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đồng chủ trì hội thảo cùng đại diện IMF, WB.
Tham dự Hội thảo còn có đại diện các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương, đại diện các cơ quan nghiên cứu, các nhà đầu tư và các đối tác quốc tế.
Nghiên cứu mô hình cơ quan chuyên trách quản lý nợ công
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, đối với Việt Nam, hiện nay chính sách quản lý nợ công gắn với chính sách tài khóa và tiền tệ. Tuy nhiên, chính sách quản lý nợ công mới chủ yếu tập trung vào huy động các nguồn vay ưu đãi, nghiệp vụ theo thông lệ quốc tế chưa thực hiện đầy đủ như: giám sát và đánh giá tất cả các khoản vay và giao dịch nợ để đảm bảo phù hợp với các thông số rủi ro đề ra trong chiến lược nợ; giám sát rủi ro toàn bộ danh mục nợ chính phủ, kết nối giữa chính sách quản lý ngân quỹ và quản lý nợ công, cơ sở dữ liệu chia sẻ chung về nợ công…
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 thành nước thu nhập trung bình cao, xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức đầu tư. Trong bối cảnh vị thế, vai trò kinh tế của Việt Nam có nhiều thay đổi tích cực, khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi sẽ giảm đi, danh mục nợ sẽ phát sinh thêm nhiều loại rủi ro, đòi hỏi có sự quản lý đồng bộ, thống nhất, chuyên nghiệp hóa để tăng cường hiệu quả hoạch định chính sách và đạt được cơ cấu chi phí - rủi ro nợ công phù hợp với mục tiêu quản lý đặt ra.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc tổ chức mô hình cơ quan quản lý nợ hết sức đa dạng, có nhiều cách tiếp cận, phương thức quản lý nợ khác nhau. Nhiều quốc gia đã lựa chọn thiết lập cơ quan quản lý nợ công (DMO) để tập trung các chức năng quản lý nợ nhằm đạt đến trình độ chuyên nghiệp hóa cao. Các quốc gia OECD chọn thiết lập một cơ quan quản lý nợ độc lập như: Áo, Phần Lan, Ireland, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Đức, Hungary và Anh; một số quốc gia khác thiết lập văn phòng DMO riêng biệt nhưng hoạt động dưới Bộ Tài chính như: Úc, Bỉ, Canada, Pháp, Hà Lan, New Zealand, Ba Lan và Mỹ. Các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á cũng đã thiết lập văn phòng DMO riêng biệt như: Thái Lan, Philippines, Indonesia. Mục tiêu chung trong việc hình thành DMO là đảm bảo thực hiện nhất quán, đồng bộ, kiểm soát toàn diện rủi ro phát sinh từ việc vay nợ, thực hiện các chính sách quản lý nợ, kế hoạch vay trả nợ của Chính phủ.
Việc nghiên cứu phát triển mô hình DMO với đầy đủ chức năng theo thông lệ quốc tế phù hợp với trình độ phát triển nhu cầu quản lý của Việt Nam trong từng giai đoạn là cần thiết. Song song với cải cách thể chế, sẽ tiếp tục hoàn thiện công cụ quản lý nợ, cơ chế kiểm soát rủi ro đảm bảo dư địa tài khóa và chính sách để phấn đấu mục tiêu nêu trên.
Phát biểu tại hội thảo, ông Francois Painchaud - Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam cho rằng, cơ chế của Việt Nam trong quản lý nợ vẫn mang tính phân tán. Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) là cơ quan đầu mối phụ trách về quản lý nợ nước ngoài; nợ trong nước lại được quản lý thông qua một loạt đơn vị như: Kho bạc Nhà nước, Vụ Tài chính Ngân hàng và các tổ chức tín dụng, Vụ Ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước cũng có trách nhiệm nhất định trong quản lý nợ.
Sự sắp xếp mang tính phân tán trên có thể dẫn đến những vấn đề thiếu tính nhất quán trong việc ra quyết định cũng như phát tín hiệu ra thị trường, như vậy sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách. Do đó, ông Francois Painchaud cho rằng, điều quan trọng là cần củng cố thể chế, cơ chế phối hợp trong quản lý nợ để tiến tới mục tiêu thống nhất chức năng quản lý nợ công.
Cùng quan điểm trên, theo bà Stefanie Stallmeister - Giám đốc Điều hành Danh mục Dự án của WB tại Việt Nam, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường sắp xếp thể chế quản lý nợ. Các quốc gia như Indonesia, Thái Lan đã thành lập văn phòng cơ quan quản lý nợ độc lập, giúp phát huy sức mạnh của cơ quan đó cùng với những năng lực chuyên môn tập trung, phân tích kỹ lưỡng.
Để quản lý nợ hiệu quả, thực hiện mục tiêu chính sách tài khóa, tiền tệ hiệu quả, Bộ Tài chính cũng đã có kế hoạch thành lập văn phòng cơ quan quản lý vào năm 2030. Theo đó, đòi hỏi phải có cải cách thể chế, sửa đổi về hành lang pháp lý, khung khổ luật pháp về nội dung này.
“Tăng cường công tác quản lý rủi ro trong quản lý nợ cũng như những thể chế công tác quản lý rủi ro, quản lý nợ sẽ giúp Việt Nam giảm được tổn thương trước các cú sốc kinh tế từ bên ngoài. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam cũng như Bộ Tài chính về mặt kỹ thuật để đạt được mục tiêu đề ra.” - bà Stefanie Stallmeister nhấn mạnh.
Cần phân định rõ vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về cải cách quản lý nợ công, ông Mike Williams - Chuyên gia độc lập của IMF cho biết, có 6 bộ phận cấu thành nên thông lệ tốt về quản lý nợ gồm: Mục tiêu quản lý nợ và sự phối hợp chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ; Minh bạch và trách nhiệm giải trình; Khuôn khổ thể chế; Chiến lược quản lý nợ bao gồm giám sát, đánh giá rủi ro; Khuôn khổ quản lý rủi ro, cân nhắc các nghĩa vụ nợ dự phòng; Phát triển, duy trì một thị trường hiệu quả cho trái phiếu chính phủ.
Theo ông Mike Williams, thông lệ tốt của quốc tế là thành lập cơ quan chuyên trách về quản lý nợ. Các nước lại thành lập DMO nhằm đảm bảo tính rõ ràng và minh bạch trong quản lý nợ công. Theo đó, DMO tập trung vào nhiệm vụ quản lý nợ; tạo điều kiện để tách biệt giữa hoạch định chính sách và thực thi chính sách. Việc thành lập DMO cũng góp phần nâng cao năng lực, hiệu suất và hiệu quả quản lý nợ công theo hướng chuyên môn, chuyên nghiệp, tăng cường sự tập trung, tránh những quyết định thiếu nhất quán và linh hoạt hơn trong cơ chế tiền lương để giúp tuyển dụng và giữ chân cán bộ.
Tuy nhiên, ông Mike Williams cho rằng, thiết lập DMO mới chỉ là bước khởi đầu, có nhiều mối quan hệ với bên ngoài cần được quản lý như: trách nhiệm giải trình với các cơ quan quản lý, truyền thông, công chúng; và nhiều chính sách cần được giải quyết và phối hợp như: chính sách tài khóa, tiền tệ, kiểm toán... Do đó, quan trọng là vạch rõ nhiệm vụ và làm rõ vai trò, trách nhiệm, chức năng của các cơ quan chuyên trách quản lý nợ và các cơ quan ban hành chính sách nhưng vẫn có cơ chế để phối hợp một cách hiệu quả.
Bàn về vấn đề này, ông Lars Jessen - Chuyên gia Trưởng về Nợ của WB cho rằng, trọng tâm của quản lý nợ công là cơ cấu nợ và "giá trị chịu rủi ro", chứ không phải quy mô nợ. Chính sách kinh tế vĩ mô và quản lý nợ có mục tiêu, công cụ khác nhau, điều quan trọng là phải tách biệt các vai trò và trách nhiệm của các bên nhưng đồng thời phải đảm bảo sự phối hợp.
Theo ông Lars Jessen, bền vững tài khoá và nợ nhìn chung được quyết định bởi chính sách tài khoá. Quản lý nợ tập trung vào cơ cấu nợ, cơ quan quản lý nợ quyết định khi nào vay và vay bằng gì nhưng không quyết định vay bao nhiêu; đồng thời, các chỉ tiêu chiến lược về quy mô nợ không phải là những chỉ tiêu quản lý nợ có ý nghĩa vì cơ quan quản lý nợ không chịu trách nhiệm đối với những chỉ tiêu đó. Do đó, việc tách biệt giữa quản lý nợ với chính sách tài khoá, tiền tệ sẽ tạo điều kiện xác lập mục tiêu rõ ràng cho từng lĩnh vực. Đồng thời, chiến lược quản lý nợ cần nhất quán với các chính sách kinh tế vĩ mô khác.