Nâng cao năng suất, chất lượng để tăng giá trị ngành điều
Mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng, tái cơ cấu ngành điều để đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với ngành điều trong thời gian tới.
Trị giá xuất khẩu tăng 32,4%
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 4/2024, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 65.000 tấn, trị giá 350 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, tổng sản lượng xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 216.000 tấn, trị giá 1,16 tỷ USD (tăng 32,4% về lượng và tăng 21,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023).
Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam từ đầu năm đến nay sang các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nga, Mỹ... đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023. Dự báo trong cả quý II/2024, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sẽ tăng nhờ nhu cầu thế giới tăng, đặc biệt là tại thị trường Mỹ.
Việt Nam hiện vẫn duy trì vị trí số 1 thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu hạt điều, chiếm hơn 75% lượng hạt điều xuất khẩu trên toàn cầu và đang là quốc gia làm chủ về công nghệ chế biến. Trong năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu hạt điều đạt mức kỷ lục 3,8 tỷ USD.
Thời gian qua, nhiều biện pháp góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong ngành điều đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai.
Để tăng năng suất điều, Viện Khoa học Nông nghiệp Nam Duyên hải miền Trung Việt Nam (ASISOV) đã thử nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong trồng, chăm sóc và chế biến điều, lựa chọn giống trên nhiều loại điều, với sản lượng thử nghiệm cho năng suất cao.
Các giống này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và đưa vào sản xuất hàng loạt. Các mô hình áp dụng công nghệ sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh sạch trong quá trình canh tác cây điều, đẩy mạnh áp dụng sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP, các kỹ thuật về thâm canh cũng được nông dân sử dụng, từ đó đảm bảo năng suất và chất lượng của hạt điều, tiến tới phát triển hiệu quả bền vững.
Gần đây, Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) còn tích cực nghiên cứu, ứng dụng phân bón lá nano trong trồng điều ở Bình Phước. Kết quả thử nghiệm cho thấy những hiệu quả rõ rệt.
Tại tỉnh Bình Phước, công nghệ mới được lựa chọn trong chế biến hạt điều là dây chuyền máy đóng hũ tự động công suất 2.000 hũ/giờ, đáp ứng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm bảo vệ môi trường. Dây chuyền công nghệ mới đã hoàn thành hệ thống các tiêu chí, được cấp chứng nhận quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm: BRC, ISO 22000, HACCP, HALAL.
Việc định hướng thành lập các hợp tác xã sản xuất điều nguyên liệu, cụm ngành chế biến điều, chế biến sâu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ để tự động hóa chế biến hạt điều và chế biến chuyên sâu đem lại giá trị cao cũng là mục tiêu mà ngành chế biến điều hướng tới.
Đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng suất
Dù là quốc gia xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới, nhưng do sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được từ 20 - 25% nguồn nguyên liệu chế biến, ngành điều Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào nguồn điều thô nhập khẩu từ các nước.
4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu điều tiếp tục phi mã, với sản lượng 1,063 triệu tấn, trị giá 1,322 tỷ USD, tăng lần lượt 32% và 23,1% so với cùng kỳ năm trước.
Các doanh nghiệp trong ngành phản ánh, giá nguyên liệu điều thô nhập về từ các nước châu Phi luôn ở mức cao hơn so với điều nhân xuất đi, dẫn đến doanh nghiệp khó khăn trong việc điều phối và điều chỉnh năng lực sản xuất để có hiệu quả.
Hạn hán, El Nino đang ảnh hưởng trực tiếp các nước nông nghiệp, sản lượng bị mất mùa vụ. Tại Việt Nam, theo thống kê, mất mùa đến 20 - 25%. Ở châu Phi, cụ thể là Bờ Biển Ngà, cũng mất 20% sản lượng điều do thời tiết khắc nghiệt. Điều này dẫn đến nguồn cung thiếu hụt so với những năm trước, khiến các nhà kinh doanh đẩy giá lên.
Việt Nam là trung tâm chế biến điều nhân nhưng lại không có vùng nguyên liệu. Vùng trồng điều trong nước đang ngày càng thu hẹp và sản lượng giảm, các nhà máy phải cạnh tranh mua điều thô từ châu Phi, giá xuất khẩu có thời điểm thấp hơn giá nhập khẩu.
Sự lệ thuộc đã gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp chế biến mỗi khi nguồn cung điều thô thế giới biến động giảm và là một thách thức lớn đối với ngành chế biến và xuất khẩu điều của cả nước.
Vì vậy, việc mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng, tái cơ cấu ngành điều để đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với ngành điều trong thời gian tới.