Nâng cao quản trị rủi ro về thanh khoản, đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng

Trần Thị Kim Khôi - Trường Đại học An Giang

Nghiên cứu này nhằm đánh giá tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2021 và 9 tháng đầu năm 2022. Tác giả sử dụng dữ liệu nghiên cứu thu thập từ báo cáo thường niên và báo cáo tài chính của 27 NHTM. Kết quả nghiên cứu cho thấy, bức tranh cụ thể về tỷ lệ thanh khoản, tỷ lệ huy động và cho vay. Trên cơ sở kết quả tìm được, tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao quản trị rủi ro thanh khoản, đảm bảo tính ổn định của các NHTM Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giới thiệu

Từ năm 2019 đến nay, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế trong và ngoài nước, trong đó có hoạt động của ngành Ngân hàng ở Việt Nam. Sự tồn tại và phát triển của ngành Ngân hàng đặc biệt là các NHTM phụ thuộc rất nhiều vào doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung, vì vậy, khi nền kinh tế rơi vào trạng thái không ổn định thì các NHTM cũng bị ảnh hưởng trực tiếp.

Chất lượng tài sản, chất lượng tín dụng đều suy giảm khi nhu cầu vay tiêu dùng của khách hàng sụt giảm mạnh, nguồn thu nhập của người dân không ổn định, các ngân hàng cũng phải xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ cho các khoản vay bị ảnh hưởng bởi đại dịch, vừa hỗ trợ cho khách hàng và tránh nợ xấu xảy ra.

Một khi tính thanh khoản của các NHTM bị sụt giảm sẽ gây ra nhiều hệ luỵ xấu, ảnh hưởng đến tính ổn định cho toàn hệ thống Ngân hàng. Vì thế, việc nâng cao quản trị rủi ro về thanh khoản là điều kiện tiên quyết không thể thiếu trong nội dung quản lý của bất cứ một NHTM nào để giúp hệ thống Ngân hàng ổn định và ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Từ thực tế này, nghiên cứu tập trung vào việc đánh giá tính thanh khoản của các NHTM Việt Nam trong 5 năm qua và 9 tháng đầu năm 2022, từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao quản trị rủi ro thanh khoản đảm bảo tính ổn định của hệ thống NHTM Việt Nam.

Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp thu thập dữ liệu

Dữ liệu được sử dụng trong nghiên cứu là dữ liệu thứ cấp được thu thập từ báo cáo tài chính, báo cáo thường niên của 27 NHTM Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2021 và số liệu 9 tháng đầu năm 2022. 27 NHTM được sử dụng làm mẫu trong bài nghiên cứu gồm: ACB, ABB, BAB, BID, BVB, CTG, EIB, HDB, KLB, LPB, MB, MSB, NAB, OCB, PGB, SCB, SGB, SHB, STB, SSB, TCB, TPB, VAB,VBB, VCB, VPB, VIB. Bài nghiên cứu sử dụng số liệu thu thập của 27 NHTM được lấy từ trang thông tin điện tử www.vietstock.vn, bên cạnh đó một số thông tin khác còn được thu thập từ các trang web trên internet, tạp chí khoa học, giáo trình và sách báo...

Phương pháp phân tích dữ liệu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp thống kê mô tả để đánh giá tính thanh khoản của các NHTM Việt Nam. Trên kết quả thu thập được, tác giả sử dụng phương pháp suy diễn để đưa ra kết luận và đề xuất kiến nghị nhằm nâng cao quản trị rủi ro thanh khoản đảm bảo tính ổn định của hệ thống các NHTM.

Kết quả nghiên cứu

Bảng 1: Thống kê mô tả đối với biến LR của các ngân hàng giai đoạn 2016-2021 (%)

Năm

Số quan sát

Giá trị Trung bình

Độ lệch chuẩn

Giá trị nhỏ nhất

Giá trị lớn nhất

2016

27

80,489

8,772

58,7

97,2

2017

27

83,194

9,640

51,3

102

2018

27

85,002

8,923

61,7

100

2019

27

87,319

8,969

64

106

2020

27

87,067

10,525

62,1

108

2021

27

94,475

29,504

58,6

233

Nguồn: Trích xuất từ Stata 14

Tỷ lệ thanh khoản (LR) trung bình của các NHTM là 86,257%, có nghĩa là các ngân hàng có tài sản lưu động là 86,257 đồng so với 100 đồng nợ phải trả, đảm bảo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tỷ lệ thanh khoản của các ngân hàng có giá trị trung bình tăng qua các năm, đảm bảo quy định, cụ thể từ 80,489% năm 2016 tăng lên 94,475% năm 2021, giá trị cao nhất là 233% vào năm 2021 và giá trị thấp nhất là 51,3% vào năm 2017 đều là tỷ lệ của Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB).

Bảng 2: Thống kê mô tả đối với biến LDR của các ngân hàng giai đoạn 2016-2021 (%)

Năm

Số quan sát

Giá trị Trung bình

Độ lệch chuẩn

Giá trị nhỏ nhất

Giá trị lớn nhất

2016

27

80,352

11,357

61

116

2017

27

82,815

14,259

62,7

137

2018

27

84,222

14,069

63,8

130

2019

27

86,748

14,425

65,6

120

2020

27

88,840

13,756

64,2

125

2021

27

82,827

14,098

49,7

123

Nguồn: Trích xuất từ Stata 14

Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR): Theo thống kê mô tả cho thấy, tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tiền gửi đạt giá trị cao nhất là 137% năm 2017 thuộc về Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) và thấp nhất là 49,7% thuộc về Ngân hàng Kiên Long (KLB) ở năm 2021. Giá trị trung bình của tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tiền gửi có xu hướng tăng trong giai đoạn năm 2016 – 2020 từ 80,352% lên 88,840%.

Tuy nhiên, sang năm 2021, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, nhu cầu vay vốn giảm và chiến lược kinh doanh của ngân hàng có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế nên đã làm cho tỷ lệ này giảm còn 82,827%. Điều này cho thấy, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng dựa vào huy động tiền gửi từ khách hàng không còn lớn ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng trưởng lợi nhuận của các NHTM.

Thanh khoản căng thẳng đã và đang là một vấn đề đáng quan tâm đối với hệ thống ngân hàng trong thời gian gần đây. Nguyên nhân trước hết đến từ áp lực tỷ giá khi USD liên tục tăng giá và phá đỉnh 20 năm do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ ít nhất là đến năm 2023. Theo đó, NHNN đã phải nâng mặt bằng lãi suất điều hành và hút nội tệ về để cân bằng tỷ giá, trong bối cảnh công cụ dự trữ ngoại hối đã không còn quá dồi dào.

Thanh khoản hệ thống lại tiếp tục chịu áp lực trong bối cảnh các sai phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang bị điều tra. Chênh lệch âm kéo dài giữa huy động - tín dụng trong hệ thống tạo áp lực tăng khả năng sử dụng nguồn huy động vốn của ngân hàng. Ngày 10/8/2022, SCB công bố lãi suất huy động cao nhất là 8,9%/năm ở kỳ hạn 36 tháng và một số kỳ hạn tăng khoảng 1%/năm so với trước đó. ABBank triển khai chương trình trả lãi mới áp dụng từ 10/10 đến 31/12/2022, khách hàng mở mới tài khoản tiết kiệm điện sẽ được hưởng lãi suất lên tới 8,6%/năm trong thời hạn 15 tháng.

Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 36 tháng của VPBank đã được điều chỉnh tăng lên 7,2 - 8%/năm, tùy giá trị tiền gửi. Tại Techcombank, với những khoản tiền gửi mở mới online và tự động quay vòng, lãi suất kỳ hạn 1 - 3 tháng là 5%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 7,2%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 7,5%/năm. Sacombank áp dụng mức lãi suất cao nhất là 8%/năm cho tiền gửi online kỳ hạn 36 tháng. Các khoản tiền gửi từ 6 tháng trở lên có lãi suất tăng khoảng 0,5%/năm so với trước.

Trong quý III/2022, mặt bằng lãi suất huy động VND trên thị trường 1 đã ghi nhận xu hướng tăng mạnh, với mức tăng khoảng 0,4 - 1,4%/năm ở hầu hết các kỳ hạn. Trong đó, tăng mạnh nhất là nhóm ngân hàng thương mại cổ phần với 4 - 5 lần điều chỉnh lên như MB, Techcombank, TPBank, SeABank... Đặc biệt, ngay sau quyết định tăng lãi suất điều hành của NHNN ngày 22/9, tất cả các ngân hàng thương mại trên thị trường lập tức điều chỉnh tăng lãi suất huy động thêm 0,8 - 1,1%/năm, trong đó có nhiều ngân hàng chạm trần 5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng.

Diễn biến trên thị trường cho thấy, yếu tố tạo áp lực chính với mặt bằng lãi suất trong quý III/2022 đó là chính sách tiền tệ của NHNN đã chuyển sang trạng thái thắt chặt, với mục tiêu ưu tiên là ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát. Một mặt, NHNN điều tiết cung tiền thắt chặt hơn với mức hút ròng khoảng 260.000 - 280.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu và bán ngoại tệ. Mặt khác, trong giai đoạn cuối quý III, NHNN điều chỉnh tăng một loạt lãi suất điều hành bao gồm lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, trần lãi suất huy động và lãi suất trên thị trường mở (OMO).

Cân đối huy động vốn - tín dụng tiếp tục xu hướng thu hẹp trong bối cảnh tăng trưởng huy động vốn vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Theo số liệu công bố của NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 28/9/2022 đạt 10,96%, cao hơn 6% so với tăng trưởng huy động vốn.

Những diễn biến nhanh, khó lường của môi trường quốc tế (như rủi ro địa chính trị, xu hướng thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương, hay nguy cơ suy thoái của một số nền kinh tế trên thế giới) và môi trường trường trong nước, đặc biệt là áp lực phát, tỷ giá sẽ tiếp tục định hình xu hướng thắt chặt xuyên suốt của chính sách tiền tệ. Cụ thể, NHNN sẽ tiếp tục điều tiết cung cấp tiền thận trọng qua kênh OMO, đồng thời điều chỉnh linh hoạt thả lỏng OMO ở mặt bằng cao trên cơ sở cân đối cung - cầu vốn trên thị trường. Cơ quan này sẽ lưu ý quan trọng đến việc bổ sung các dịch chuyển vĩ mô trên thị trường quốc tế cũng như trong nước để có thể xem xét điều chỉnh lãi suất.

Đến cuối năm 2022, thanh khoản VND của hệ thống ngân hàng dự kiến vẫn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh các dòng tiền cơ bản chưa có sự cải thiện. Bên cạnh đó, nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt gia tăng theo chu kỳ cuối năm cũng khiến dòng tiền bị rút khỏi hệ thống ra bên ngoài.

Tuy nhiên, rủi ro lên thanh khoản hệ thống ngân hàng là không lớn và điều này được hỗ trợ bởi nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, những nỗ lực chống “đô la hóa” nền kinh tế và tăng cường giao dịch không tiền mặt của các cơ quan quản lý trong thời gian dài trước đó đã mang lại hiệu quả đáng kể. Niềm tin của người dân vào hệ thống hàng hóa được củng cố, thói quen tích trữ tiền mặt đã giảm xuống rõ ràng, giúp thanh khoản hệ thống cũng được bù đắp”

Thứ hai, kinh tế vĩ mô ổn định và sức khỏe hệ thống ngân hàng hiện đã được cải thiện rất nhiều. Có khoảng 20 NHTM, chiếm đa số trong hệ thống, đã được công nhận đạt tiêu chuẩn Basel II, trong đó, 6 ngân hàng hoàn thành cả 3 cột trụ. Bên cạnh đó, tỷ lệ hạn mức tối đa cho vay trung và dài hạn đã giảm từ 37% xuống 34% kể từ ngày 10/1/2022 và sẽ tiếp tục giảm xuống mức 30% kể từ ngày 10/1/2023.

Thứ ba, quản trị rủi ro thanh khoản là một trong những trụ cột chính của Basel III. Hiện chưa có lộ trình cụ thể cho các hàng thương mại phát triển ngân hàng Basel III nhưng đã có một số ngân hàng tiên phong trong việc phát triển bộ tiêu chuẩn để củng cố thêm chất lượng về vốn và đặc biệt là năng lực thanh khoản như: TPBank, Vietcombank, HDBank, VIB, OCB… Việc nâng cao quản trị rủi ro về thanh khoản cũng là một mục tiêu quan trọng đối với tất cả các ngân hàng thương mại để đạt được tiêu chuẩn Basel III - tiêu chuẩn giúp các ngân hàng hàng nâng cao khả năng chống chịu trước các rủi ro và hỗ trợ phần ngăn ngừa các tổn thất có thể xảy ra.

Cuộc đua tăng lãi suất huy động vẫn tiếp diễn, đặc biệt ở khối ngân hàng nhỏ, buộc nhiều ngân hàng lớn cũng phải tăng lãi suất.

Rủi ro thanh khoản sẽ được giảm thiểu nếu như ngân hàng có các yếu tố sau:

- Tỷ lệ Tài sản thanh khoản/Huy động khách hàng (Liquid asset/Customer deposits): Tỷ lệ này càng cao có nghĩa rằng ngân hàng đó sẽ có khả năng dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt, đủ đáp ứng nghĩa vụ thanh toán ngắn hạn.

- Tỷ lệ Cho vay/Huy động (Gross LDR): Tỷ lệ này đo lường mức độ dồi dào của thanh khoản, nếu tỷ lệ này càng cao thì ngân hàng đã tối ưu nguồn huy động vốn của mình. Vì vậy, chỉ số này càng thấp càng tốt.

- Tỷ lệ Tài sản thanh khoản/Tổng tài sản (Liquid asset/Total asset): Tỷ lệ này càng cao cho phép ngân hàng đó nhanh chóng đáp ứng đủ nghĩa vụ thanh toán ngắn hạn.

- Tỷ lệ Cho vay ngắn hạn/Dư nợ cho vay (Short-term loans/Net loans): Tỷ lệ này càng cao càng tốt.

- Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/Tổng huy động khách hàng (CASA - Demand deposit/ Customer deposit): Tỷ lệ này càng cao thì ngân hàng đó ít chịu áp lực huy động vốn dài hạn để đáp ứng nhu cầu cho vay.

- Tỷ lệ Huy động tiền gửi từ tổ chức/Tổng huy động khách hàng (Non-individuals/ Customer deposit): Tỷ lệ này càng cao thì khả năng đáp ứng thanh toán của ngân hàng càng tốt.

Nhìn chung, nếu như sở hữu các đặc điểm trên, ngân hàng sẽ có thể đáp ứng được nhu cầu tiền mặt đột biến của khách hàng do vốn huy động đã được tối ưu hóa và không chỉ để phục vụ chủ yếu cho mục đích vay trung và dài hạn.

Khuyến nghị

Từ kết quả phân tích đã đạt được, tác giả đề xuất một số khuyến nghị góp phần nâng cao quản trị rủi ro thanh khoản đảm bảo tính ổn định của hệ thống NHTM sau:

Thứ nhất, về kiểm soát nợ xấu: Các ngân hàng cần chú trọng nâng cao chất lượng phân tích và thẩm định tín dụng, xây dựng chính sách riêng biệt cho các ngành đặc thù và ngành trọng điểm, tăng cường quản lý và giám sát trước-sau giải ngân… việc thực hiện và quản lý nghiêm ngặt quy trình quản lý tín dụng sẽ giúp cho ngân hàng tránh được rủi ro các khoản nợ xấu phát sinh, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các sai phạm và thiếu sót trong hoạt động kinh doanh.

Thứ hai, về quản lý chi phí: Các ngân hàng nên tận dụng công nghệ để cắt giảm chi phí, quản lý chi phí một cách có hiệu quả vì nó cũng là một nhân tố tác động đến khả năng thanh khoản của các ngân hàng.

Thứ ba, về tỷ lệ an toàn vốn: Các ngân hàng cần tăng tỷ lệ đảm bảo an toàn vốn ở mức cao hơn trong xu thế hội nhập hiện nay nhằm tăng chất lượng tài sản và đảm bảo cho ngân hàng phát triển ổn định, đảm bảo tính thanh khoản, tăng thị phần góp phần cải thiện được tỷ suất sinh lời, tăng khả năng cạnh tranh.

Thứ tư, về đảm bảo tính thanh khoản: Mặc dù ngân hàng sẽ đạt lợi nhuận cao khi đầu tư vào tài sản có rủi ro cao, tuy nhiên cũng cần kiểm soát chặt chẽ mức độ rủi ro thanh khoản ở một tỷ lệ nhất định tránh phản tác dụng làm giảm tỷ suất sinh lời của ngân hàng.

Thứ năm, các ngân hàng cần đảm bảo tỷ lệ cho vay trên tiền gửi theo quy định của NHNN nhằm đảm bảo tính thanh khoản và khả năng chịu đựng trước các rủi ro phát sinh.

Thứ sáu, các NHTM hoạt động kinh doanh cần tránh tình trạng chạy đua lãi suất huy động, cạnh tranh không lành mạnh bằng giá. Thực hiện tốt quản lý khe hở thanh khoản và các vấn đề liên quan đến rủi ro lãi suất. Ngoài ra, quản lý sự không cân đối về kỳ hạn giữa tài sản nợ và tài sản có của ngân hàng là nội dung quan trọng để quản lý thanh khoản được hiệu quả.

Tài liệu tham khảo:

  1. Báo cáo tài chính của 27 NHTM Việt Nam (2016 – 2021) và 9 tháng đầu năm 2022. http://www.vietstock.vn;
  2. Báo cáo thường niên của 27 NHTM Việt Nam (2016 – 2021) và 9 tháng đầu năm 2022. http://www.vietstock.vn;
  3. VNDirect: Rủi ro thanh khoản của các ngân hàng là không lớn https://vneconomy.vn/vndirect-rui-ro-thanh-khoan-cua-cac-ngan-hang-la-khong-lon.htm.
Nâng cao quản trị rủi ro về thanh khoản, đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng - Ảnh 1