Nâng cao sức cạnh tranh bằng cách nào?
Một kịch bản mới về tái cơ cấu nền kinh tế đang được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) xây dựng nhằm thay đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao sức cạnh tranh.
Và điều cốt lõi để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế là loại bỏ được sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp (DN) nhà nước và DN tư nhân.
Là người chủ trì việc xây dựng đề án “Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020” theo yêu cầu của Chính phủ, ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM – hiểu rất rõ điều gì đang cản trở tăng trưởng kinh tế của đất nước và hạn chế năng lực cạnh tranh của nền kinh tế là gì.
Thị trường méo mó
Ông chia sẻ rằng, thực tế cơ chế phân bổ nguồn lực của nền kinh tế hiện tại “chủ yếu là xin cho, hành chính và chia chác, và tạo ra một thị trường méo mó”.
“Vì không có thị trường cho nên các nhóm lợi ích đang chi phối và phân bố nguồn lực, còn nhìn ra chỗ khác thì đầy rẫy rào cản thị trường”– ông Cung nói và gần như đã lý giải được vì sao Chính phủ lại phải yêu cầu CIEM xây dựng lại một kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế mới, trong khi quá trình tái cơ cấu đã được thực hiện từ năm 2010.
Đúng là sau giai đoạn suy giảm kinh tế mạnh trong năm 2008 và 2009, một kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế toàn diện đã được thực hiện, tập trung vào ba trụ cột là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DNNN và tái cơ cấu thị trường tài chính.
Tính đến nay cũng đã sáu năm trôi qua, nhưng ông Cung cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế lại đang có dấu hiệu giảm dần, những nền tảng kinh tế vĩ mô vẫn kém vững chắc và nguy cơ bất ổn kinh tế lại đang ngày càng rõ nét.
Điều này có thể được minh chứng rõ hơn qua xu hướng giảm dần của những con số tăng trưởng. Mức tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 1990-2007 là 7,8%, nhưng sang giai đoạn 2007-2012 còn 6,7%, và từ năm 2012 đến nay chỉ khoảng 5,8%.
Thực tế thì đề án mới về tái cơ cấu được CIEM chỉ rõ rằng tăng trưởng kinh tế phần lớn vẫn đang dựa vào những biện pháp như nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa và mở rộng đầu tư. Trong khi đó năng suất lao động và hiệu quả của nền kinh tế không đóng góp được nhiều.
Theo ông Cung thì đây là cách mà nền kinh tế đã tăng trưởng suốt 30 năm qua, và dư địa cải cách hiện tại cũng đã “chạm trần”.“Muốn tăng trưởng, chúng ta phải dỡ trần để tạo ra tăng trưởng mới”– ông Cung nhấn mạnh.
Gỡ “trần” DNNN
“Trần” mà ông Cung nói chính là tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng trong nền kinh tế, từ đó loại bỏ sự phân bổ nguồn lực “méo mó” bằng mệnh lệnh hành chính.
Theo bà Lanchlan Rosalie -một chuyên gia đến từ Ủy ban Năng suất của Australia tại hội thảo về xây dựng chính sách cạnh tranh toàn diện mới được CIEM tổ chức cách đây ít ngày, nguyên tắc cốt lõi trong cạnh tranh là chống độc quyền. Vì vậy, cần phải loại bỏ dần vị thế độc quyền của DNNN và những ưu đãi dành cho các DN này.
Bà Rosalie cho biết, nếu không gỡ được cái “trần” này thì các DN tư nhân sẽ khó phát triển được, trong khi đó hiệu quả hiện tại của các DNNN lại không cao.
Bản dự thảo đề án “Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020” cho biết lợi nhuận của cả khu vực DNNN thực tế cao hơn mức trung bình của hệ thống doanh nghiệp, nhưng chủ yếu đến từ một số tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn trong các ngành có tính độc quyền tự nhiên. Còn phần lớn DNNN có kết quả kinh doanh thấp, đặc biệt khi so sánh với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ví dụ, xét trên bình diện tổng thể từ năm 2000 đến nay, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng nguồn vốn của khu vực DNNN chưa năm nào vượt quá 6%, trong khi đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường xuyên duy trì ở mức trên dưới 10%.
Dù cho tái cơ cấu DNNN cũng là một trong ba trụ cột chính của chương trình tái cơ cấu nền kinh tế được thực hiện từ năm 2010, nhưng theo ông Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – thì “ta đã hiểu sai bản chất vấn đề” khi thực hiện tái cơ cấu. Chính vì vậy vẫn còn tồn tại sự chênh lệch về lợi thế cạnh tranh giữa DNNN và DN tư nhân cho đến ngày nay.
Bản chất vấn đề mà ông Thiên nói đến chính là số vốn nhà nước vẫn giữ trong những DN lớn có sức chi phối thị trường. Tính lũy kế từ năm 2012 đến tháng 10 năm 2015 cả nước thoái được 16.450 tỷ đồng, thu về 22.870 tỷ đồng, bao gồm cả thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Con số này chỉ tương đương 2% tổng giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu nhà nước tại các DNNN trong cùng thời kỳ.
Một số doanh nghiệp về thực chất chỉ là chuyển đổi hình thức từ DNNN sang công ty cổ phần khi tỷ lệ bán cổ phần ra cho tư nhân chỉ rất nhỏ, hoặc không có các nhà đầu tư chiến lược đủ mạnh để thay đổi cơ chế quản trị DN, hoặc các đối tác mua cổ phần lại là những DNNN.
Có nghĩa là dù các DN này đã đổi sang hình thức công ty cổ phần và tiến hành cổ phần hóa, nhưng thực tế Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối ở những DN này.
“Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không làm giảm sự can dự của Nhà nước vào nền kinh tế vì quan hệ thân hữu giữa doanh nghiệp với quan chức nhà nước vẫn tiếp tục được duy trì ngay cả khi doanh nghiệp đã được cổ phần hóa”– bản dự thảo đề án tái cơ cấu của CIEM nêu rõ.
Theo ông Thiên, nếu điều này không thay đổi trong thời gian tới thì khó có thể tạo ra được một sức cạnh tranh mới cho nền kinh tế.