Nâng cao tính tuân thủ thuế của người kinh doanh bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam

PGS., TS. Nguyễn Ngọc Hùng - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Thương mại điện tử đang ngày càng phát triển trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia ứng dụng thương mại điện tử ngày càng rộng rãi. Số lượng cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ trực tuyến ngày càng tăng lên với nhiều loại hình đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, việc tuân thủ thuế của các đối tượng này chưa cao. Bài viết chỉ ra những khó khăn trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam và đánh giá sự tuân thủ của người nộp thuế, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao tính tuân thủ pháp luật thuế của người kinh doanh bán lẻ trực tuyến trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đặt vấn đề

Việt Nam là một quốc gia có tốc độ phát triển nhanh. Theo báo cáo của The Atlas of Economy Complexity (2022), từ giai đoạn 2010-2020, chỉ số tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng cao vượt bậc từ 70 đến 51, tức 18 bậc. Đến năm 2030, Việt Nam được dự báo là một trong những quốc gia châu Á có mức độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới.

Bên cạnh nền kinh tế truyền thống, sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) và nền kinh tế số là xu hướng phát triển tất yếu trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam là một trong những nước có định hướng kinh tế số và tốc độ số hóa nhanh.

Thống kê từ Cục TMĐT và Kinh tế số (2023) cho thấy, kinh tế số Việt Nam trong 10 năm qua đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Để tránh thất thu thuế, việc nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế là một trong những yêu cầu đặt ra đối với công tác quản lý thuế.

Khái quát hoạt động bán lẻ trực tuyến ở Việt Nam

Bán lẻ trực tuyến (electronic retailing) là việc bán lẻ hàng hóa, dịch vụ thông qua mạng Internet đến người tiêu dùng. Nhà bán lẻ có thể là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bằng nhiều mô hình bán lẻ khác nhau.

- Bán lẻ qua sàn thương mại điện tử: Mô hình sàn TMĐT gần đây nở rộ tại Việt Nam với sự cạnh tranh rất khốc liệt. Bên cạnh những sàn TMĐT đóng cửa sau một thời gian hoạt động, những sàn bán lẻ (B2C) hàng đầu đáng chú ý hiện nay như vn, Lazada.vn, Tiki.vn, Sendo.vn là các sàn có nhiều nhà bán lẻ đăng ký tham gia và có số lượng giao dịch lớn.

- Bán lẻ qua nền tảng di động: Số lượng người sử dụng điện thoại thông minh ngày càng gia tăng, đa phần sử dụng thiết bị di động để tìm kiếm, truy cập, so sánh và mua sắm hàng hoá. Thương mại điện tử trên nền tảng di động đang từng bước đi sâu vào trong lĩnh vực bán lẻ với vai trò chuyển đổi từ kênh liên lạc sang vai trò kênh tương tác giữa nhà bán lẻ và người tiêu dùng.

- Bán lẻ qua trang web: Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân thường tự thiết lập hoặc thuê dịch vụ lập các trang web riêng để quảng bá thương hiệu và quảng cáo sản phẩm cũng như làm kênh bán hàng trực tuyến của mình.

- Bán lẻ qua mạng xã hội: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã kéo theo xu hướng sử dụng mạng xã hội để mua sắm trực tuyến. Tại Việt Nam, các mạng xã hội được dùng nhiều như: Facebook, Zalo, Twitter, Tiktok, Instagram... Các mạng xã hội này với lợi thế tiết kiệm chi phí, dễ dàng thực hiện hoạt động kinh doanh. Đáng lưu ý là hoạt động livestream bán hàng của các nhà bán lẻ là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên các mạng xã hội dường như khó có thể kiểm soát và giám sát lượng đơn hàng cũng như nguồn thu thực tế. Đây chính là vấn đề nan giải mà các cơ quan thuế phải tìm cách xử lý.

Năm 2019, dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID- 19, nền kinh tế thế giới chịu thiệt hại rất nặng nề do giãn cách xã hội. Đến nay, tuy có phục hồi nhưng vẫn chưa đạt được trạng thái trước đại dịch. Tình hình chính trị thế giới hiện đang có nhiều biến động phức tạp khiến hoạt động kinh tế gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đại dịch, việc tuân thủ giãn cách xã hội đã làm hạn chế tự do đi lại dẫn đến khó khăn cho việc mua bán hàng hóa, dịch vụ truyền thống.

Tuy vậy, đại dịch đã đẩy mạnh ứng dụng Cách mạng công nghệ 4.0 với quá trình số hóa nhảy vọt. Hoạt động thương mại bán lẻ trực tuyến đã bùng nổ trên toàn cầu. Các tác động từ đại dịch COVID-19 cũng như tình hình kinh tế, chính trị thế giới đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp đang phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

Song, đại dịch COVID- 19 đã thúc đẩy nhanh chóng sự dịch chuyển cơ cấu "kinh tế số” cũng như sự thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng tại VN. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng các doanh nghiệp bán lẻ đã nhanh chóng chuyển đổi từ cửa hàng bán lẻ truyền thống sang các kênh bán lẻ trực tuyến của riêng mình như website, các mạng xã hội, trang cộng đồng và các sàn TMĐT vừa giúp tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng kinh doanh, vừa đảm bảo tuân thủ về giãn cách xã hội.

Theo Than và Vũ (2022), nhờ những nỗ lực khởi động chương trình chuyển đổi số quốc gia, quy mô kinh tế số của Việt Nam đạt 14 tỷ USD (năm 2020), đóng góp 5% GDP và đứng thứ hai ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số (sau Indonesia). Việt Nam là quốc gia có tỷ trọng tổng giá trị hàng hóa kinh tế số lớn nhất trong khu vực, đạt 4% GDP; đứng thứ 2 là Singapore 3,2% GDP; Indonesia 2,9% GDP; Thái Lan và Malaysia 2,7% GDP; Philippines 1,6% GDP (năm 2020). Đối với quy mô nền kinh tế số, VN xếp thứ 3 trong khu vực, đạt giá trị 9 tỷ USD (sau Indonesia và Thái Lan).

Theo Cục TMĐT và kinh tế số (2023), năm 2021, dù tăng trưởng kinh tế VN chỉ ở mức 2,58%, thấp nhất trong vòng 30 năm qua, nhưng quy mô thị trường TMĐT bán lẻ (B2C) của VN đạt 13,7 tỷ USD, tăng trưởng 16% so với năm 2020, đạt 7% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Năm 2022 đạt 16,4 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2021, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Dự báo quy mô thị trường TMĐT bán lẻ (B2C) năm 2023 sẽ đạt 20,5 tỷ USD, tăng trưởng 25% so với năm trước, chiếm 7,8% tổng doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.

Cũng theo Cục TMĐT và kinh tế số (2023), với 73,2% người dân sử dụng Internet, Việt Nam có 78% người người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến. Quần áo, giày dép, mỹ phẩm; thiết bị đồ dùng gia đình; đồ công nghệ và điện tử; sách, hoa, quà tặng và thực phẩm... là những loại hàng hóa, dịch vụ được người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều nhất. Điện thoại di động tiếp tục là phương tiện chủ yếu thường được người tiêu dùng sử dụng để tìm kiếm và đặt hàng trực tuyến (chiếm 91%).

Khó khăn trong quản lý thuế đối với hoạt động bán lẻ trực tuyến ở Việt Nam

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, TMĐT tại VN phát triển nhanh chóng. Ngoài các yếu tố vĩ mô và yếu tố khách quan, công tác quản lý thuế đối với hoạt động bán lẻ trực tuyến còn gặp rất nhiều khó khăn.

- Về cơ sở pháp lý: Nhà nước chưa có khung pháp lý riêng về quản lý thuế đối với hoạt động bán lẻ trực tuyến vẫn còn áp dụng chung với hoạt động thương mại truyền thống.

- Về khoa học công nghệ: Năm 2021, Tổng cục Thuế đã cho ra mắt ứng dụng eTax Mobile trên thiết bị thông minh hoạt động 24/7 với các tính năng, tiện ích cho phép người nộp thuế có thể nhanh chóng mở tài khoản giao dịch điện tử, đăng ký, kê khai và nộp thuế bất cứ lúc nào kể cả ngày nghỉ, ngày lễ mà không phải trực tiếp đến cơ quan thuế (Bùi, 2022). Tuy nhiên, việc đầu tư cho khoa học kỹ thuật còn thiếu kinh phí nên chưa thể triển khai hết mức. Điều đáng chú ý là công nghệ thông tin của ngành Thuế vẫn còn đang trong quá trình nâng cấp nên mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu đăng ký, kê khai thuế của người nộp thuế. Hệ thống thuế điện tử được đặt hàng và phụ thuộc vào nhà cung cấp phần mềm dẫn đến việc nâng cấp, sửa chữa phải mất nhiều thời gian.

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khách quan khác như đường truyền mạng kém ổn định, máy chủ gặp trục trặc, hệ thống quản lý thuế báo lỗi, bị sập làm trì trệ việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số toàn quốc đang còn trong quá trình triển khai nên cơ sở dữ liệu của nhiều bộ, ngành, địa phương đang xây dựng còn manh mún và phân tán, chưa có sự kết nối liên thông chặt chẽ gây nhiều bất tiện cho người nộp thuế.

+ Nguồn nhân lực quản lý thuế: Trình độ chuyên môn của cán bộ thuế còn chưa cao, nhất là các cán bộ lớn tuổi trình độ công nghệ thông tin chưa thể bắt kịp với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin. Các cán bộ trẻ tuy năng động, nhiệt huyết, có trình độ tin học cao nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý thuế. Do đó, thiếu khả năng nắm bắt, phát hiện kịp thời các hành vi gian lận thuế, chưa tuân thủ thuế. Bên cạnh đó, do thiếu kinh phí để đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ thuế dẫn đến công tác quản lý thuế chưa hiệu quả, chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Năm 2021, Tổng cục Thuế đã cho ra mắt ứng dụng eTax Mobile trên thiết bị thông minh hoạt động 24/7 với các tính năng, tiện ích cho phép người nộp thuế có thể nhanh chóng mở tài khoản giao dịch điện tử, đăng ký, kê khai và nộp thuế bất cứ lúc nào kể cả ngày nghỉ, ngày lễ mà không phải trực tiếp đến cơ quan thuế (Bùi, 2022).

+ Công tác kiểm tra, thanh tra thuế: Công tác rà soát còn gặp nhiều khó khăn do hoạt động bán lẻ trực tuyến có thông tin ảo, khó kiểm chứng thông tin nhận dạng, người bán dễ dàng xóa bỏ, thay đổi thông tin nên khó xác định chính xác người nộp thuế, doanh thu tính thuế. Sự phát triển của TMĐT mang đến cơ hội cũng như thách thức không nhỏ đối với các cơ quan thuế về việc kiểm soát, xử lý các vấn đề về thuế đối với các đối tượng kinh doanh không có sự hiện diện trực tiếp. Đặc biệt là các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam. Một số trường hợp cá nhân thiếu hợp tác, không đến làm việc theo giấy mời của cơ quan thuế. Bên cạnh đó, còn nhiều trường hợp cơ quan thuế chưa xác định được địa chỉ tạm trú; hộ, cá nhân không còn hoạt động... dẫn đến công tác rà soát chậm, kéo dài.

+ Sự phối hợp với các tổ chức, bộ ngành: Phần lớn người mua hàng trực tuyến vẫn lựa chọn hình thức thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng. Theo khảo sát của Cục TMĐT và kinh tế số (2023), năm 2022, có 70% đối tượng khảo sát cho biết chọn sử dụng phương thức thanh toán bằng tiền mặt, trong khi đó số đối tượng sử dụng phương thức chuyển khoản qua ngân hàng và thanh toán bằng hình thức thẻ và ví điện tử vẫn chiếm tỉ lệ nhỏ do sợ bị tiết lộ, rò rỉ, đánh cắp thông tin cá nhân. Do đó, các cơ quan thuế khó kiểm soát được nguồn thu của các hộ kinh doanh, cá nhân bán lẻ từ phương thức thanh toán bằng tiền mặt. Khi cơ quan thuế muốn xác minh thông tin về định danh, đăng ký kinh doanh, hoặc sao kê tài khoản phải mất nhiều thời gian để liên lạc với các tổ chức tín dụng, cũng như các bộ, ban ngành có liên quan. Sự chia sẻ cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin giữa các cơ quan thuế với các tổ chức tín dụng và các bộ, ngành hiện còn thiếu sự liên kết chặt chẽ gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý thuế.

+ Sự tuân thủ thuế của người nộp thuế: Ngoài các đối tượng nộp thuế là các nhà bán lẻ lớn, các doanh nghiệp có kênh bán lẻ riêng và gian hàng bán lẻ chính thức có xác thực trên sàn TMĐT, các đối tượng nộp thuế khác là các cá nhân, hộ kinh doanh bán lẻ còn chưa ý thức về việc đăng ký thuế, khai thuế đầy đủ. Do nhận thức của người dân về tuân thủ thuế còn chưa tốt nên còn một số lượng lớn chưa thực hiện đăng ký thuế, khai và nộp thuế. Một phần là do người nộp thuế còn e ngại về việc bị kiểm soát thông tin cá nhân bởi cơ quan thuế cũng như nguy cơ rò rỉ, bị khai thác thông tin dữ liệu từ hệ thống quản lý thuế. Thêm vào đó, tình trạng tấn công mạng hiện nay cũng là một mối lo lắng lớn khiến người dân còn ngần ngại trước việc thực hiện đăng ký thuế. Bên cạnh đó, vẫn có một số đối tượng còn có hành vi cố ý không tuân thủ thuế, gian lận, tránh thuế, trốn thuế một cách tinh vi. Một số lượng lớn cá nhân không đăng ký kinh doanh, có địa chỉ kinh doanh không đúng với thực tế, thông tin định danh đăng ký trên sàn TMÐT khác với thực tế. Do đó, công tác quản lý thuế đối với các đối tượng này còn gặp rất nhiều khó khăn.

Giải pháp nâng cao tính tuân thủ thuế của người kinh doanh bán lẻ trực tuyến

Hoàn thiện cơ sở pháp lý

Cần tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định cho từng ngành, từng lĩnh vực sao cho phù hợp với thực tế. Chẳng hạn, Chính phủ có thể quy định sàn giao dịch TMĐT phải thực hiện kê khai, nộp thuế thay cho hộ, cá nhân kinh doanh thông qua sàn giao dịch, trong đó nêu rõ về các mức ký quỹ, trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, trả hàng, đổi hàng, thời hạn chuyển tiền, tỷ lệ % chiết khấu... Quy định cá nhân, hộ kinh doanh đăng ký, kê khai thuế tại cơ quan thuế địa phương phải xuất trình tài liệu, hồ sơ chứng minh phần doanh thu, thuế của mình đã nộp cho từng sàn giao dịch TMĐT; xây dựng quy trình, cơ chế chuyển xác nhận tiền thuế nộp thay...

Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin

Ứng dụng công nghệ thông tin mới nhất vào công tác quản lý thuế là việc hết sức cần thiết nhằm giúp cơ quan thuế có thể xác định và kiểm soát chặt chẽ nguồn thu của các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bán lẻ trực tuyến. Cần phát triển hệ thống phần mềm quản lý thuế riêng cho TMĐT để có thể kiểm soát lĩnh vực này một cách chặt chẽ nhằm đảm bảo tránh thất thu thuế. Đồng thời, cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin với các thủ tục hành chính nói chung và thủ tục hành chính về thuế nói riêng, tiến tới giải quyết hoàn toàn thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Đẩy nhanh triển khai dịch vụ công cấp độ 4 ở hầu hết các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế trực tuyến.

Tổng cục Thuế cần tiếp tục đầu tư hạ tầng và mạng lưới viễn thông, nâng cấp ứng dụng, bảo trì hệ thống máy móc cũng như hệ thống bảo mật an ninh thường xuyên để đảm bảo các dịch vụ đăng ký thuế của các đối tượng người nộp thuế trên 63/63 tỉnh thành VN hoạt động thuận lợi và an toàn để đăng ký, khai thuế và nộp thuế không còn là mối e ngại và khó khăn với người dân.

Đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ về thuế

Cần xây dựng tài liệu tuyên truyền, hỗ trợ về thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT, nền tảng số gồm các nội dung về đăng ký, khai thuế, nộp thuế, xử lý phạt hành chính, truy tố hình sự về thuế.v.v.. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các kiến thức pháp luật về thuế cũng như quyền lợi và nghĩa vụ thuế của người nộp thuế đến với người dân. Đôn đốc người nộp thuế tự đăng ký, khai thuế và nộp thuế theo quy định.

Đồng thời, hỗ trợ kịp thời cho người nộp thuế tháo gỡ các vướng mắc trong việc tuân thủ thuế bằng cách tổ chức các Chương trình hỗ trợ trực tuyến để giải đáp  vướng mắc về chính sách thuế và thủ tục hành chính thuế trên website của cơ quan thuế.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra thuế

Tăng cường rà soát các hộ gia đình, cá nhân kinh doanh bán lẻ trực tuyến chưa thực hiện đăng ký, khai thuế và nộp thuế cũng như việc xác minh thông tin của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh để xác định người nộp thuế và số thuế phải nộp. Rà soát, truy tìm qua các công ty giao nhận như Giao hàng tiết kiệm, Giao hàng nhanh, bưu điện... để xác định số đơn hàng, ghi nhận doanh thu của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Từ đó, truy thu thuế đầy đủ nhằm chống thất thu thuế và đảm bảo tính công bằng, minh bạch cho người nộp thuế.

Nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ thuế

Chất lượng cán bộ thuế là một trong những yếu tố then chốt trong công tác quản lý thuế. Với lực lượng cán bộ thuế trẻ năng động, sáng tạo ngày một thay thế thế hệ trước. Song, cán bộ thuế trẻ đòi hỏi cũng phải không ngừng học tập, rèn luyện để bắt kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin cũng như nâng cao khả năng phát hiện các hành vi, cách thức gian lận thuế ngày càng tinh vi trên môi trường mạng. Do đó, cần phải tăng cường triển khai các chương trình đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số cho lực lượng cán bộ thuế.                                        $

Tài liệu tham khảo:

  1. Bùi, (07/03/2022), eTax Mobile: Bước tiến lớn trong công tác hiện đại hóa quản lý thuế, Truy cập ngày 07/08/2022 từ https://www.gdt.gov.vn;
  2. Chính phủ (2013), Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về Thương mại điện tử;
  3. Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (2023), Sách Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023;
  4. The Atlas of Economic Complexity (2022), China, Vietnam, and Indonesia among Fastest-Growing Countries for Coming Decade in New Harvard Growth Lab Projections, Truy cập tại https://atlas.cid.harvard.edu/growth- projections;
  5. OECD (1997), Measuring Electronic Commerce. OECD Digital Economy Papers, No. 27, OECD Publishing, Paris. http://dx. doi. org/10.1787/237203566348 ;
  6. Thanh, B. & Vũ, Q. (2022), Giải pháp phát triển kinh tế số ở Việt Nam trong bối cảnh COVID-19, truy cập từ https://tapchinganhang.gov.vn/giai- phap-phat-trien- kinh-te-so-o-viet-nam-trong-boi-canh-COVID-19.htm.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 11/2023