Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp yếu: Liên kết để cùng có lợi
Năng lực cạnh tranh thấp, thiếu vốn, khả năng liên kết yếu... rất ít các doanh nghiệp (DN) Việt Nam có đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng sản xuất của các tập đoàn quốc tế lớn. Do đó, Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hiệu ứng lan tỏa của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Liên kết yếu
Theo nhận định của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), trong 30 năm qua, các DN FDI đã trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển và hội nhập kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, tác động lan tỏa của các DN FDI chưa được như kỳ vọng. Mối liên kết giữa các DN FDI và DN nội địa còn rất mờ nhạt. Số lượng DN công nghiệp hỗ trợ tuy có sự gia tăng đáng kể trong thời gian qua nhưng mới chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số DN của Việt Nam. Nói cách khác, sự tham gia chuỗi sản xuất của các DN trong nước còn hạn chế, mới chỉ ở những khâu tạo giá trị thấp.
Trước vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cho rằng, hiện nay, quy mô FDI trong nền kinh tế khá lớn, nhưng giá trị gia tăng không cao. Phần lớn các nguyên liệu, phụ tùng phục vụ cho các ngành sản xuất của DN FDI vẫn nhập khẩu. Các trung tâm nghiên cứu phát triển của DN FDI chưa được thành lập nhiều ở Việt Nam. Tác động lan tỏa của FDI về nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chất lượng, giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam còn hạn chế.
Đưa ra phân tích cụ thể, Giáo sư Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài - cho hay, hiện nay, Việt Nam sản xuất 3,2-3,5 triệu xe máy/năm, 80% linh kiện phụ tùng sản xuất trong nước, nhưng DN Việt Nam chỉ cung ứng được ắc quy, phụ tùng bằng nhựa. Như hãng Honda có 110 DN công nghiệp hỗ trợ, nhưng chỉ có 23 DN trong nước. Còn công nghiệp dệt may Việt Nam, hiện 86% vải nhập khẩu để phục vụ sản xuất và chúng ta mới chủ yếu tham gia vào phần cắt và may trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu theo phương thức gia công đơn giản, thiếu khả năng cung cấp trọn gói.
Cần nỗ lực từ nhiều phía
GS. Nguyễn Mại khẳng định, DN Việt Nam có đủ điều kiện và năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu tự tin, chủ động trong việc tìm kiếm cơ hội để thiết lập quan hệ hợp tác tin cậy với các công ty xuyên quốc gia đang kinh doanh tại Việt Nam.
DN trong nước phải luôn coi đổi mới, sáng tạo là định hướng lớn để đầu tư vào công nghệ, đào tạo và bồi dưỡng nhân lực trình độ cao theo lộ trình thích hợp. Bên cạnh đó, các DN FDI tăng cường kết nối hơn với DN Việt Nam, hỗ trợ thiết thực về chuyên gia, giải pháp công nghệ, quản trị DN để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh.
Để cải thiện hơn cho năng lực của DN, Giáo sư Nguyễn Mại đề xuất Chính phủ cần có chính sách khuyến khích mối liên kết giữa DN FDI với DN trong nước bằng cơ chế ưu đãi về thuế, tài chính; Áp dụng chính sách ưu đãi thuế đối với DN Việt Nam là vender cấp 1 như đối với DN FDI. Ngoài ra, các hiệp hội cần phối hợp đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực, đặc biệt là đội ngũ các nhà quản trị công nghệ; Xây dựng chuỗi liên kết, hợp tác 3 bên nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Theo Cục Công nghiệp, để tăng cường mối liên kết giữa DN FDI và các DN cung ứng trong nước, thời gian tới, Bộ Công Thương và các địa phương sẽ tiếp tục thực hiện nội dung trong Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg.
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và các tập đoàn đa quốc gia nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực các DN trong nước.
GS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài: Để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, không có con đường nào khác là DN phải đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng chiến lược kinh doanh, thương hiệu để tăng năng lực cạnh tranh.